Á hậu bị chê xấu và sự độc hại của fan Việt

Trạch Dương, Theo Tiền Phong 19:03 25/06/2023
Chia sẻ

Cứ đại diện Việt Nam không vào top cao, người hâm mộ lại lên tiếng "đòi công bằng". Miệt thị ngoại hình thí sinh, chỉ trích ban tổ chức là một trong những cách thường thấy nhất trên mạng xã hội.

Chung kết Hoa hậu Chuyển giới lần thứ 17 diễn ra tối 24/6. Đại diện Hà Lan là Solange Dekker vượt qua 21 thí sinh, đăng quang ngôi vị Miss International Queen 2023. Danh hiệu á hậu 1, 2 lần lượt thuộc về Qatrisha Zairyah Kamsir (Singapore), Melony Munro (Mỹ).

Thí sinh Việt Nam Nguyễn Hà Dịu Thảo dừng chân ở vị trí top 11 cùng giải phụ Trang phục Dân tộc đẹp nhất, thí sinh thắng giải bình chọn.

Sau khi Dịu Thảo mất suất vào top 6, mạng xã hội nổ ra những tranh cãi. Bên cạnh bình luận cho rằng ban tổ chức không công bằng, một số người sẵn sàng dùng từ công kích, miệt thị ngoại hình á hậu người Mỹ, cho rằng "Dịu Thảo mới là người xứng đáng", "đòi lại công bằng cho Dịu Thảo".

Á hậu bị chê xấu và sự độc hại của fan Việt - Ảnh 2.

Top 3 Miss International Queen 2023. Từ trái qua: Á hậu 1 Qatrisha Zairyah Kamsir (Singapore), tân Hoa hậu người Hà Lan và Á hậu 2 Melony Munro (Mỹ)

Thí sinh quốc tế "gặp nạn" khi đại diện Việt Nam out top

"Xấu, thô, tướng như đàn ông".

"Nghĩ sao tướng như hộ pháp lại vào top 6, rồi thành á hậu 2".

"Đừng ai bênh vực, xấu là thật. Nghĩ sao lại chọn người như vậy thi hoa hậu".

Đây là một số bình luận xuất hiện trên mạng xã hội, chỉ cần "đọc thôi đã sợ" ngay dưới bài viết so sánh ảnh chụp Dịu Thảo và Melony Munro với dòng mô tả "Công bằng ở đâu?".

Fan của Dịu Thảo cho rằng nhan sắc của thí sinh người Việt Nam hoàn toàn có khả năng vào top 6, thậm chí top 3. Vị trí top 11 không công bằng cho Dịu Thảo. Từ đó xuất hiện bài viết, bình luận nhắm vào Melony Munro - á hậu được cho là có ngoại hình kém sắc hơn so với mặt bằng thí sinh.

Từ thí sinh tham gia cuộc thi sắc đẹp và giành vị trí á hậu danh dự, cô bỗng trở thành đối tượng bị bạo lực mạng. Với người cảm thông cho đại diện người Mỹ, họ đặt câu hỏi công bằng ở đâu cho Melony Munro khi danh hiệu này được chính ban tổ chức trao cho.

"Đọc bình luận mới thấy fan sắc đẹp Việt hung hăng và đáng sợ thế nào. Người chuyển giới sao hoàn hảo như phụ nữ? Cô ấy lại là người Mỹ, cấu trúc xương của họ sinh ra đã vậy". "Luôn miệng đòi lại công bằng cho cộng đồng LGBTQ+ nhưng lại đi miệt thị ngoại hình ngay chính người trong cộng đồng, liệu có tiêu chuẩn kép quá không?". Đây là bình luận phản đối chuyện Á hậu Chuyển giới người Mỹ bị miệt thị ngoại hình.

Việc ghép hai tấm ảnh cùng tham gia cuộc thi nhan sắc, dùng từ body shaming người còn lại là động thái bắt nạt. Bởi, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhất là cái đẹp không hề có quy chuẩn.

Mạng xã hội ngập tràn ảnh so sánh Dịu Thảo và Melony Munro, kèm bình luận miệt thị ngoại hình Á hậu Chuyển giới

Tiêu chuẩn kép

Khi Đoàn Thiên Ân thi Miss Grand International 2022 và dừng chân ở top 20, Chủ tịch MGO gây tranh cãi khi nói đại diện Việt Nam "là thí sinh duy nhất lưng dài hơn chân, vào top 20 là ưu ái".

Ông Nawat lập tức chịu sự chỉ trích của fan Việt Nam và một số nước châu Á. Việc công khai chê bai ngoại hình thí sinh khiến trang cá nhân của Miss Grand International giảm vài triệu lượt theo dõi.

"Nên tẩy chay những người miệt thị ngoại hình phụ nữ", "Từ bây giờ hãy để nạn miệt thị ngoại hình chấm dứt", "Không nhìn nhận cố gắng của người khác, chỉ săm soi khuyết điểm ngoại hình người khác để làm gì"...

Việc fan bênh vực Thiên Ân vì bị miệt thị ngoại hình là hành động đáng tự hào. Nhưng ngay sau đó, đại diện chủ nhà Thái Lan Engfa Waraha - đối trọng của Thiên Ân trong cuộc đua vote sát sao vào top 20 - bị miệt thị ngoại hình, chịu chỉ trích vì đạt giải Á hậu Hòa bình Quốc tế.

"Nhìn trong top 5 xem, lùn và lọt thỏm".

"Cái mặt sửa nát".

"Á hậu quốc tế giờ phải biết nhảy nhót trong bar".

Savannah Lyn Delos Santos từng bị chỉ trích nặng nề vì "giành suất" vào top 15 Miss International của đại diện Việt Nam

Không bàn chuyện có thí sinh nói lưu loát, chiều cao nổi bật hơn Engfa nhưng out top 5, một số người cho rằng ông Nawat ưu ái đại diện chủ nhà do kỷ niệm 10 năm thành lập Miss Grand International, chuyện Engfa Waraha bị miệt thị sau cuộc thi không khác gì Thiên Ân bị ông Nawat đánh giá ngoại hình.

Tháng 12/2022, Phương Anh thi Hoa hậu Quốc tế ở Nhật Bản. Cô được đánh giá là thí sinh mạnh nhất mang sash Việt Nam tại Miss International, nhất là về mặt học vấn.

Phương Anh trượt top 15. Đại diện Northern Mariana lại trở thành đối tượng bị công kích khi có ngoại hình "lệch chuẩn" so với mắt nhìn người Việt, cho rằng cô "giành suất" vào top của đại diện Việt Nam.

Tương tự Á hậu Chuyển giới Quốc tế vừa bị miệt thị, Savannah Lyn Delos Santos liên tục nhận những ý kiến tiêu cực như "đùi to, bụng mỡ, mặt thiếu nữ tính"...

Thậm chí, nhiều bình luận chỉ trích "bà này nghĩ sao dám đi thi hoa hậu". Số khác lại công kích ban tổ chức, nguyên văn là "những ông bà già làm gì biết nhận định cái đẹp"... Sự hiếu chiến của fan sắc đẹp Việt với bình luận thiếu tôn trọng, đôi lúc thô tục khiến nhiều người ngán ngẩm.

Thực tế, Savannah Lyn Delos Santos vào top 15 nhờ đứng đầu bình chọn khu vực châu Á. Việc chiến thắng giải bình chọn để vào top là điều bình thường ở mọi cuộc thi sắc đẹp trong và ngoài nước.

Đó là tiêu chuẩn kép. Không hài lòng khi người khác miệt thị ngoại hình đại diện nước nhà nhưng lại sẵn sàng bình luận những dòng chữ mang tính tổn thương.

Nên học cách chấp nhận

Mỗi cuộc thi sắc đẹp đều có tiêu chí riêng, thay đổi theo từng năm, thậm chí từng ngày. Trong thời đại mới, người đạt ngôi vị cao nhất tại "cuộc thi sắc đẹp" không chỉ đẹp về ngoại hình, còn có kiến thức, tâm hồn và một số tiêu chí chuyên biệt khác.

Ở cuộc thi nhan sắc lâu đời nhất nước ta là Hoa hậu Việt Nam, tiêu chí nêu rõ người chiến thắng là cô gái hội tụ đủ các yếu tố "nhan sắc, học thức và trái tim nhân ái, có lòng trắc ẩn".

Tại Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, chủ tịch cuộc thi nêu rõ quan trọng nhất phải là ngoại hình, sau đó mới đến cách ứng xử. Tiêu chí 3B của MGI gồm Beauty (vẻ đẹp) - Body (thân hình) - Brain (trí tuệ).

Ở đấu trường nhan sắc lâu đời Miss World, cuộc thi chú trọng thông điệp "Sắc đẹp vì mục đích cao cả". Thí sinh khi tham gia phải có dự án nhân ái cụ thể, thiết thực và mang tính ứng dụng cao. Đó là lý do một số hoa hậu của Miss World, gần đây là Toni-Ann Singh của Jamaica bị chê kém sắc so với nhiều thí sinh từ 111 quốc gia.

Khi chọn hoa, á hậu đại diện cho cuộc thi, ban tổ chức - những người đồng hành cùng thí sinh từ những ngày đầu đặt chân đến - suy xét mọi yếu tố, từ tính cách, ngoại hình, khả năng cống hiến, liệu họ có là người phù hợp nhất, đủ sức đảm đương trọng trách hay không.

Thiên Ân từng đối mặt ý kiến trái chiều trước khi bị đánh giá ngoại hình ở Miss Grand International

Trong lần chia sẻ với Tiền Phong, bà Phạm Kim Dung - Phó trưởng Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2022 - nói ở mỗi cuộc thi, kết quả thường không làm hài lòng hết mọi người. Điều quan trọng, ban tổ chức là những người đồng hành cùng thí sinh. Họ hiểu rõ thí sinh nhất và đưa ra kết quả tạm gọi là công bằng nhất có thể.

Khán giả chỉ theo dõi cuộc thi sắc đẹp qua đêm bán kết, chung kết, một số cuộc thi có thêm vài tập ghi hình. Có một số yếu tố chỉ người trong cuộc mới biết ai thực sự là người phù hợp với chương trình họ tổ chức.

Đôi lúc, không phải thí sinh "sash mạnh", "truyền thông tốt" là chiến thắng. Ban tổ chức ở cuộc thi trong nước và quốc tế không chọn bừa người chiến thắng vì chi phí, công sức mỗi chương trình sắc đẹp bỏ ra không nhỏ.

Mặt khác, quan điểm "hoa hậu đẹp thôi là đủ" hiện lỗi thời. Ở thời đại mới, người đảm đương ngôi vị cao nhất ở cuộc thi quốc tế phải có tiếng nói đại diện cộng đồng, sức ảnh hưởng. Đây cũng là tiêu chí quan trọng của một số cuộc thi lớn, trong đó có Miss World, Miss Universe.

Người hâm mộ Việt cũng nên học cách chấp nhận thất bại khi cử thí sinh tham gia đấu trường quốc tế. Hoa, á hậu có thể không phải là người đẹp nhất, nhưng lại là người phù hợp nhất, ngay tại thời điểm họ đưa ra quyết định, bao gồm kết quả cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế tối 24/6.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày