Dòng headline tương tự đã từng chạy qua khắp các đầu báo lớn vào năm 2016 với Kim Sung Min, 2017 với nam idol Jonghyun (SHINee), năm 2018 với tài tử Jo Min Ki, năm 2019 khi Sulli và Goo Hara qua đời, năm 2023 khi Moonbin (ASTRO) cùng "ảnh đế" Lee Sun Kyun lần lượt quyên sinh, và tài tử Song Jae Rim vào năm 2024.
Qua đây có thể thấy rằng, trong vòng gần 1 thập kỷ trở lại đây, tỉ lệ người nổi tiếng tự tử ở Kbiz có dấu hiệu gia tăng và dần trở thành vòng lặp đáng sợ khi mỗi năm làng giải trí Hàn Quốc đều chứng kiến ít nhất 1 vụ tự tử. Trong đó, 5/9 vụ đều liên quan đến các ngôi sao có đời tư gây tranh cãi và bị hàng trăm nghìn khán giả bạo lực mạng. 5/9 nghệ sĩ qua đời đều ở độ tuổi còn quá trẻ, 25 - 27 tuổi. Rùng mình thay, Kbiz từng có tiền lệ trước đó vào giai đoạn 2005 - 2010. "Tại sao họ lại làm vậy, họ còn trẻ còn nhiều lựa chọn mà?", nhiều khán giả thắc mắc.
Đến tang lễ tiễn đưa sao nhí một thời Kim Sae Ron, ca sĩ Migyo để lại 1 câu nói đáng suy ngẫm: "Bàn tay của những kẻ bình luận ác ý chỉ dừng lại khi có người chết đi". Nghệ sĩ kết liễu cuộc đời chỉ vì 1 nguyên nhân: bị bạo lực mạng? Tất nhiên, vấn đề phức tạp hơn thế.
9 năm, 9 vụ tự tử xảy ra ở làng giải trí Hàn và tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng
Chuyện diễn viên, ca sĩ đi đến lựa chọn tự tử để giải thoát đã được nhiều chuyên gia cảnh tỉnh. Tài tử Song Jae Rim (Mặt trăng ôm mặt trời) từng để lại thư tuyệt mệnh dài 2 trang làm dấy lên những tranh cãi về áp lực trong ngành giải trí. Những vụ việc thương tâm cho thấy tình trạng sức khỏe tâm lý của nghệ sĩ đang bị xem nhẹ, tỉ lệ nghịch với áp lực ngày càng gia tăng của ngành công nghiệp giải trí. Mỗi năm có hàng chục bài viết từ các cơ quan truyền thông được đăng tải nhằm lên án, thậm chí "đánh tiếng" răn đe những kẻ dồn ép nghệ sĩ vào bước đường cùng, song chưa ai tìm ra giải pháp để chấm dứt tình trạng này.
1 người thân cận của Kim Sae Ron hé lộ độc quyền với tờ Edaily về những ngày tháng cuối đời đầy tích cực và dự định hé mở của nữ diễn viên. Cô đổi tên thành Kim Ah Im và cố gắng bắt đầu lại với 1 quán cafe nhỏ và chưa hết hi vọng với ngành giải trí. Trường hợp tương tự xảy ra với Moonbin (ASTRO), Jonghyun (SHINee), bởi họ đều xuất hiện với hình ảnh vui vẻ, người chuẩn bị có concert người đang chuẩn bị cho album phòng thu. Không ai tin Sae Ron hay Moonbin, Jonghyun tự tử, kể cả người thân của họ.
Hình ảnh tươi sáng thường ngày của Moonbin và Jonghyun khiến công chúng gần như không thể tin nổi khi hay tin 2 nam idol tự tử vì áp lực
Có 1 thực tế tồn tại trong ngành công nghiệp giải trí chắc hẳn khán giả đã vô thức quên đi, công việc những ngôi sao này là duy trì hình ảnh đẹp trước mắt công chúng, phục vụ những món ăn tinh thần cho người xem. Không ít trường hợp ca sĩ Kpop, diễn viên Trung Quốc từng bị sỉ vả, tẩy chay mạnh mẽ vì có biểu hiện mệt mỏi hay chia sẻ về tình trạng khó khăn. Vì vậy dù áp lực và bế tắc đến đâu, họ cũng rất hiếm khi công khai với người hâm mộ. Nữ thần tượng hàng đầu Jennie (BLACKPINK) bị gắn với cái danh "idol lười nhác" vì nhiều lần có biểu hiện nhảy thiếu lực và khó thở trên sân khấu. Kể cả đến lúc nữ idol tím tái mặt mày, đau đớn hoảng loạn, người ta vẫn nghĩ là cô diễn trò.
Cuối năm 2024, tiểu hoa nổi tiếng Cbiz Triệu Lộ Tư rơi vào cơn thập tử nhất sinh vì chứng trầm cảm và rối loạn tâm thần phân ly. Tuy nhiên công chúng lại cảm thấy phản cảm khi nữ diễn viên chia sẻ quá nhiều hình ảnh bệnh tật lên mạng xã hội. Trước khi qua đời, Kim Sae Ron làm công việc bán thời gian và dạy diễn xuất để trang trải cuộc sống trong khi bị trầm cảm nặng. Người ta không tin Kim Sae Ron, tẩy chay và tấn công cô trên mạng xã hội với những lời lẽ gay gắt nhất. Họ chỉ tin sau khi Kim Sae Ron mất đi, và người thân tiết lộ cô bị trầm cảm nặng.
Cố diễn viên Kim Sae Ron thành "thánh diễn trò" vì chia sẻ hình ảnh đi làm kiếm sống
Nghệ sĩ gần như không "được phép" có biểu hiện yếu đuối, nếu có sẽ bị quy là chểnh mảng hay làm màu. Trong mắt công chúng, họ không được phép chểnh mảng về ngoại hình, không được phát ngôn thoải mái, không được mắc sai lầm... Và khi phạm lỗi, nghệ sĩ gần như không được phép sống hạnh phúc, không được cười nói, phải đau buồn và sám hối 24/7, 365 ngày, 10 năm hay đến hết cuộc đời. Nhiều người dùng câu "Muốn đội vương miện phải chịu được sức nặng của nó" để đáp trả lại những hình ảnh yếu đuối và lời bộc bạch về những trăn trở của nghệ sĩ. Nhưng có vẻ khán giả đã quên rằng, nghệ sĩ cũng chỉ có xuất phát điểm là những con người bình thường với khao khát cháy bỏng được công chúng công nhận và yêu thương. Họ cũng muốn được người hâm mộ vỗ về khi yếu đuối, mong được cho cơ hội sửa chữa khi mắc sai lầm.
Điều xa xỉ nhất đối với nghệ sĩ có lẽ là được khán giả yêu thương và chấp nhận chính con người thật của họ chứ không phải vỏ bọc hào nhoáng do bộ máy ngành công nghiệp giải trí tạo ra. Trớ trêu ở chỗ, khán giả luôn mong được gần gũi với thần tượng, nhưng luôn đặt nghệ sĩ trên những tấm poster hay qua màn ảnh ti vi như 1 cỗ máy đã được lập trình hoàn hảo không tì vết. "Nhiều nghệ sĩ bị quản lý như những cỗ máy kiếm tiền. Họ phải duy trì hình ảnh hoàn hảo, làm việc không ngừng nghỉ và không có quyền kiểm soát cuộc sống cá nhân. Khi không thể đáp ứng những kỳ vọng phi thực tế này, họ dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm", giáo sư Lee Do Hyun - chuyên gia tâm lý tại Đại học Yonsei trả lời Korea Times nhận định.
Sau hàng loạt vụ tự tử của dàn sao nổi tiếng, netizen nổ ra tranh cãi về việc những nghệ sĩ này hoàn toàn có lựa chọn khác. "Người nổi tiếng mà, họ giàu có, xinh đẹp, sao lại không có lựa chọn?". Năm 2018, nam diễn viên gạo cội Jo Min Ki từ giã sự nghiệp vẻ vang được người đời trọng vọng sau vụ scandal quấy rối tình dục 20 nạn nhân ở trường Đại học Choengju giữa làn sóng mạnh mẽ của chiến dịch #MeToo. Ông tự vẫn tại tầng hầm để xe khu chung cư, giải thoát bản thân khỏi áp lực dư luận và trốn tránh cảm giác tội lỗi. Trước khi qua đời, ông đã gọi điện cho người thân thiết để xin lỗi về chuyện đã qua và để lại 1 lá thư tay xin lỗi các nạn nhân.
Sau đó 5 năm, Kbiz lại chứng kiến 1 vụ tự tử thương tâm của diễn viên hạng A, nhân vật này là ảnh đế đình đám của siêu phẩm Ký Sinh Trùng - Lee Sun Kyun. Nam diễn viên qua đời giữa lúc bê bối ma túy diễn biến phức tạp, nên cái chết của anh vẫn chưa thể đặt dấu chấm hết cho làn sóng chỉ trích từ công chúng. Sau khi Lee Sun Kyun qua đời, nữ diễn viên Claudia Kim (Avengers: Age of Ultron) là 1 trong số ít nghệ sĩ dám lên tiếng: "Ai cũng xứng đáng được tha thứ cho lỗi lầm của mình. Ai cũng xứng đáng có cơ hội thứ hai".
Không chỉ áp lực dư luận, nghệ sĩ còn phải chịu áp lực tài chính nặng nề khi mắc lỗi. Nghiêm trọng hơn, nhiều ngôi sao bị đẩy vào bước đường cùng vì những khoản nợ khổng lồ hậu scandal. Truyền thông Hàn Quốc mới đây tiết lộ, Kim Sae Ron còn nợ công ty quản lý cũ 700 triệu won (12,3 tỷ đồng) trước khi qua đời. Sau scandal say rượu lái xe, nữ diễn viên phải bồi thường hợp đồng quảng cáo, phim ảnh cho đối tác và công ty là bên thu xếp trước khoản nợ trước khi cắt hợp đồng của cô. Ngôi sao năm 2000 gần như không đủ khả năng trả nợ vì chẳng còn việc làm trong ngành giải trí, bị đài lớn cấm sóng cho đến khán giả quay lưng. Tình trạng thể chất, tinh thần yếu kém càng khiến cô cạn kiệt trước khoản nợ chục tỷ ở tuổi 25.
Theo báo cáo từ Cục Thống kê Quốc gia Hàn Quốc, tự tử là nguyên do tử vong hàng đầu ở nhóm người trẻ (từ 10 đến 39 tuổi), đặc biệt giới nghệ sĩ thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất vì nhóm này đối mặt với áp lực từ công việc, dư luận và môi trường. Giáo sư Kim Ji Young, chuyên gia tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định những vụ tự tử liên tiếp phản ánh rõ sự bất cập trong hệ thống của ngành công nghiệp giải trí: "Nhiều nghệ sĩ không thể tìm được lối thoát khi áp lực công việc, dư luận và cả từ công ty quản lý trở nên quá tải".
Đến các ngôi sao hạng A cũng có thể rơi vào bước đường cùng sau scandal vì những khoản nợ bồi thường khổng lồ
Sau cái chết của cựu sao nhí Kim Sae Ron, cộng đồng mạng bỗng đổi chiều, những bình luận mắng chửi không hồi kết được thay bằng bày vô số lời sám hối, họ hối hận vì đã quá khắt khe với cô. 1 khán giả trên diễn đàn DC Inside bức xúc: "Dư luận từng quyết không cho cô ấy bất cứ cơ hội nào để làm lại. Cay đắng thay, giờ đây những người từng chỉ trích cô ấy bỗng quay ra bày tỏ nỗi tiếc thương". Hồi tài tử Lee Sun Kyun tự tử trong xe riêng, dư luận cũng đổi chiều như vụ việc của Kim Sae Ron. Từ phớt lờ lời khai "Tôi là nạn nhân của vụ tống tiền", khán giả quay ra khóc thương khi nam diễn viên qua đời. Quá nhiều trường hợp tương tự từng xảy ra làm dấy lên tranh cãi về giá trị niềm tin của khán giả.
Từ thần đồng diễn xuất trở thành nữ hoàng thị phi, cuộc đời Kim Sae Ron rẽ hướng quá nhanh sau scandal tai nạn. Rời khỏi ngành giải trí, cựu sao nhí đi làm thêm kiếm sống để trả khoản nợ chục tỷ. Thế nhưng, hình ảnh nữ diễn viên giản dị kiếm sống mỗi ngày, dành thời gian chơi với bạn bè trong bộ quần áo thể thao đơn giản trở thành 1 thước phim làm màu giả tạo qua miệng lưỡi của cư dân mạng. Đỉnh điểm vào tháng 4/2023, "hung thần" Dispatch và 1 số nhân vật giấu mặt từ quán cafe bỗng trở thành anh hùng công lý vì đứng ra tố cáo cố nghệ sĩ dàn cảnh giả nghèo khổ, YouTuber vào cuộc liên tục "săn" tin và tung tin đồn về cô. Sau đám tang, bố của Kim Sae Ron đã gặp gỡ ông Kwon Young Chan, Giám đốc cơ quan ngăn ngừa tự tử nghệ sĩ Hàn Quốc, tố cáo YouTuber A là kẻ khiến con gái ông suy sụp với loạt video bôi nhọ. Đến khi, người thân tiết lộ ngày cuối đời của Kim Sae Ron, công chúng mới tin rằng cố nghệ sĩ thật sự đã đi làm thêm và nói thật về hoàn cảnh nợ nần của mình.
6 năm trước, 1 ngôi sao có cùng hoàn cảnh và đi đến cùng kết cục ở cùng độ tuổi như Kim Sae Ron. Là sao nhí debut thành idol Kpop, Sulli rơi vào trường hợp tồi tệ không khác gì Kim dù chưa từng dính phải bê bối nghiêm trọng nào. Lối sống và cách cư xử bị cho là "khác người", "không giống 1 nữ thần tượng" khiến đoá hoa tuyết lê vĩnh viễn nằm lại ở tuổi 25. "Ôi, tôi thấy mọi người không coi người nổi tiếng là con người". Chẳng ai hiểu Sulli phải trải qua những điều gì, cũng không lắng nghe cô. Trước khi qua đời, ngôi sao sinh năm 1994 từng phải đau đớn thốt lên: "Em nói rằng bản thân kiệt sức rồi nhưng không một ai lắng nghe em cả".
Mạng sống đổi lấy niềm tin và sự cảm thông, sự tha thứ. Liệu cái giá này có quá đắt?
Mặc dù 1 trong những nguyên do khiến dàn sao Hàn trên tự tử là áp lực dư luận, nhưng ta cũng không thể hoàn toàn gán cho công chúng cái danh "tội đồ". Khán giả lấy cơ sở nào để tin rằng 1 nữ nghệ sĩ nổi loạn sẽ thay đổi? Họ lấy cơ sở nào để đặt ngôi sao hi vọng cho 1 cá nhân từng dính bê bối nghiêm trọng hay nghệ sĩ từng nhận án tù? Vấn đề niềm tin trong giới giải trí hay bất kỳ môi trường làm việc nào đều rất khó phân định, nhất là khi ngày càng nhiều thế lực can thiệp để bẻ lái và định hướng dư luận.
Vấn đề nhức nhối tồn tại ở nhóm nghệ sĩ châu Á hiện tại là tâm lý. Mặc dù người nổi tiếng đóng vai trò đem lại món ăn tinh thần cho khán giả, nhưng đổi lại công chúng lại có vai trò lớn hơn. Họ vừa là bệ đỡ sự nghiệp, lại vừa là bệ đỡ tinh thần đối với bất kỳ ngôi sao nào. Chính vì vậy, bất kể là khen hay chê, mỗi góp ý của khán giả đều có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khoẻ tinh thần của nghệ sĩ. Theo Tiến sĩ Choi Min Seok, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa mạng nhận định: "Bắt nạt trực tuyến đang là vấn nạn nghiêm trọng tại Hàn Quốc. Khán giả dễ dàng phán xét nghệ sĩ nhưng không nghĩ đến hậu quả. Sự công kích của dư luận có thể trở thành giọt nước tràn ly khi nghệ sĩ vốn phải chịu áp lực lớn từ công việc".
Sau trường hợp của Triệu Lộ Tư và Lý Minh Đức ở showbiz xứ tỷ dân, phương án hỗ trợ tâm lý cho nghệ sĩ trước khi vào đoàn phim được khán giả đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên nhiều năm qua, chính những người hoạt động trong ngành giải trí như các công ty quản lý hay đoàn phim, ekip sản xuất và đoàn đội chưa thật sự coi trọng vấn đề này mặc dù họ đã chứng kiến quá nhiều nghệ sĩ kề cận rơi vào kết cục thương tâm. Nói về điều này, Giáo sư Park Sung Ho cũng khẳng định: "Nghệ sĩ là nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm hay rối loạn lo âu. Mặc dù vậy, các công ty quản lý vẫn chưa xem trọng việc cung cấp các hoạt động hỗ trợ tâm lý cho nghệ sĩ".
Trước thực trạng đáng lo ngại này, thay vì chỉ dừng lại ở việc bàn luận nguyên nhân hay xem xét các ý tưởng, các cơ quan giải trí cần áp dụng nhanh chóng phương pháp cải thiện môi trường làm việc và chăm sóc sức khoẻ tâm lý cho nghệ sĩ. Hiện nhiều công ty giải trí, ekip lớn tại Hàn Quốc và Trung Quốc đã có động thái rõ ràng trong việc bảo vệ nghệ sĩ khỏi những bình luận ác ý hay thông tin phỉ báng. Song, không phải nghệ sĩ nào cũng có điều kiện để tiếp xúc và nhất là những cá nhân ở công ty nhỏ hay bị ekip bỏ rơi giữa scandal.