8 loại rác tuyệt đối không vứt vào bồn cầu nếu không muốn có ngày WC ngập ngụa trong nước thải

J.D, Theo Helino 21:14 18/09/2018
Chia sẻ

Hãy nhớ, thùng rác và bồn cầu là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đừng đánh đồng để rồi phải hối hận vì một cái WC nổi lềnh phềnh những thứ không ai muốn thấy.

Bồn cầu và thùng rác vốn là hai vật chẳng có gì liên quan, nhưng không rõ vì sao mà rất nhiều người trong chúng ta thường xuyên đánh đồng cả hai. Một mảnh rác nhỏ lẻ, quá lười để vứt vào thùng thì chỉ việc mở bồn cầu ra và xả nước một cái, thế là xong.

Nếu may mắn, mảnh rác ấy sẽ an toàn mà trôi theo dòng nước. Tuy nhiên, có những loại rác dù ban đầu có thể trôi rất "chuẩn", nhưng qua thời gian sẽ khiến bạn cảm thấy cực kỳ hối hận khi chứng kiến một cái bồn cầu... lềnh phềnh toàn những thứ chẳng ai muốn thấy.

Xin nhắc lại, bồn cầu và thùng rác là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trong đó, có những thứ tuyệt đối không được vứt xuống, và đó là...

1. Chỉ nha khoa

8 loại rác tuyệt đối không vứt vào bồn cầu nếu không muốn có ngày WC ngập ngụa trong nước thải - Ảnh 1.

Chỉ nha khoa là vật liệu dạng sợi, nên nó có thể cuốn lại với nhau và tạo thành búi, gây tắc nghẽn đường ống nhà bạn. Xả 1, 2 cái thì chưa sao, nhưng cứ duy trì thói quen ấy xem, bạn sẽ phải khóc ra nước mắt có ngày.

Ngoài ra, việc vứt chỉ nha khoa vào bồn cầu cũng không phải là hành động tốt đẹp gì cho môi trường. Nên nhớ, chất liệu làm ra chúng là sợi tổng hợp, thứ cần rất nhiều thời gian để phân hủy.

2. Kẹo cao su

8 loại rác tuyệt đối không vứt vào bồn cầu nếu không muốn có ngày WC ngập ngụa trong nước thải - Ảnh 2.

Kẹo cao su không tan trong nước - dành cho những ai chưa biết - nên nếu chúng bám được vào thành ống thì nguy cơ gây tắc nghẽn là cực kỳ lớn. Và đặc biệt, do đặc tính bám dính rất lâu nên không dễ gì mà thông được các trường hợp nghẽn do kẹo cao su gây ra đâu.

3. Cá vàng

8 loại rác tuyệt đối không vứt vào bồn cầu nếu không muốn có ngày WC ngập ngụa trong nước thải - Ảnh 3.

Rất nhiều người nuôi cá có thói quen xả xác của chúng qua bồn cầu. Nhưng rất tiếc, đây không phải là điều nên làm. Bởi dù xác cá là chất hữu cơ, chúng cần thời gian khá lâu để phân hủy (có thể lên đến cả tuần). Và trong thời gian đó, cái xác hoàn toàn có thể gây tắc nghẽn.

Tại các quốc gia có hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, nhiều người thậm chí còn vứt cả... cá sống qua bồn cầu. Việc này thậm chí còn tệ hơn, bởi lẽ các loại cá cảnh (nhất là cá vàng và cá chép vàng) thường khá hung dữ và có thể phá hoại hệ sinh thái nếu chúng lọt ra được môi trường tự nhiên.

4. Băng cá nhân

8 loại rác tuyệt đối không vứt vào bồn cầu nếu không muốn có ngày WC ngập ngụa trong nước thải - Ảnh 4.

Các loại băng y tế sau khi sử dụng có chứa rất nhiều thành phần: sáp, cao su, thuốc mỡ... Tất cả đều không tan trong nước nên nếu cứ vứt vào bồn cầu, sẽ có ngày bạn thấy hối hận đấy.

5. Kính áp tròng

8 loại rác tuyệt đối không vứt vào bồn cầu nếu không muốn có ngày WC ngập ngụa trong nước thải - Ảnh 5.

Không rõ bạn có làm như vậy hay không, nhưng trên thực tế thì có rất nhiều người thường xuyên xả kính áp tròng qua bồn cầu.

Dĩ nhiên, một cặp kính áp tròng bé nhỏ sẽ chẳng thể khiến bồn cầu bị tắc nghẽn. Tuy nhiên theo một nghiên cứu vào đầu năm 2018, mỗi năm riêng tại Mỹ có khoảng 20 tấn kính áp tròng lọt ra ngoài môi trường.

Kính áp tròng thường được làm từ nhựa, và bạn hiểu câu chuyện rồi chứ?

6. Cát vệ sinh cho mèo

8 loại rác tuyệt đối không vứt vào bồn cầu nếu không muốn có ngày WC ngập ngụa trong nước thải - Ảnh 6.

Bạn có thể vứt phân mèo vào bồn cầu, nhưng nếu kèm theo cả cát vệ sinh thì không. Các loại cát có tính chất hút nước rất mạnh. Chúng có thể lắng xuống và đóng cứng lại, tạo ra các nút tắc nghẽn mà không dễ gì thông được.

7. Bã trà

8 loại rác tuyệt đối không vứt vào bồn cầu nếu không muốn có ngày WC ngập ngụa trong nước thải - Ảnh 7.

Đừng nghĩ rằng bã trà vô hại. Chúng cần khá nhiều thời gian để phân hủy, nên hoàn toàn có thể tạo thành cặn, gây tắc nghẽn.

8. Túi nylon

8 loại rác tuyệt đối không vứt vào bồn cầu nếu không muốn có ngày WC ngập ngụa trong nước thải - Ảnh 8.

Thứ này chắc không cần phải dặn đúng không? Và nhớ này: ngay cả các mảnh giấy nhựa nhỏ cũng có thể gây tắc nghẽn, và dù chúng có trót lọt trôi được theo dòng nước thì cũng cực kỳ có hại cho môi trường.

Tham khảo: Bright Side
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày