8 kiểu chi tiêu tưởng tinh tế nhưng chỉ khiến bạn mất tiền oan mà không biết

Thảo Nguyễn , Theo Phụ nữ số 10:33 12/05/2025
Chia sẻ

Tưởng là đang chăm sóc bản thân, làm cuộc sống đẹp hơn – nhưng hóa ra nhiều thứ chỉ là chiêu trò khiến bạn tiêu hoang. Đã đến lúc nói lời tạm biệt với những khoản chi không cần thiết!

Bạn có để ý không? Giờ đây, ngày nào cũng có thể trở thành “ngày siêu sale”. Cuối tuần cũng có “deal hot”, ngày thường cũng biến thành “lễ hội mua sắm”.

Và thế là, chúng ta bị cuốn vào một cuộc đua tiêu tiền mà chính mình không kiểm soát nổi. Nhiều sản phẩm được gắn mác “cần thiết”, “giúp sống tinh tế hơn” – nhưng thật ra chỉ khiến ví mỏng đi từng ngày.

Dưới đây là 8 hành vi chi tiêu tưởng là nâng tầm chất lượng sống, nhưng thực ra chỉ là “bẫy tiêu dùng” tinh vi khiến nhiều người trả giá đắt mà không nhận ra.

1. Sản phẩm làm sạch – càng cầu kỳ càng… phí tiền

8 kiểu chi tiêu tưởng tinh tế nhưng chỉ khiến bạn mất tiền oan mà không biết- Ảnh 1.

Bạn có nhớ ngày xưa giặt đồ chỉ cần một cục xà phòng? Giờ thì phải có: Nước giặt, nước xả vải, viên giặt, nước tẩy cổ áo, nước thơm, nước diệt khuẩn… mỗi thứ một chai, giá thì “không nhẹ”.

Điều trớ trêu là: Quần áo chẳng sạch hơn, nhưng túi tiền thì vơi đi rõ rệt.

Thực tế, chỉ cần một loại nước giặt đơn giản là đủ, đừng để những sản phẩm “nhỏ mà chém to” làm bạn phân tâm và tiêu nhiều tiền hơn mức cần thiết.

2. Chi tiền cho con theo phong trào – nhất là đồ dùng học tập

8 kiểu chi tiêu tưởng tinh tế nhưng chỉ khiến bạn mất tiền oan mà không biết- Ảnh 2.

Từ bút “lấp lánh”, sổ “in hình nhân vật hot”, đến máy hút bụi mini hút vỏ gôm – tất cả chỉ là chiêu trò hút tiền.

Chưa kể đến “văn phòng phẩm dạng hộp bất ngờ” (blind box) – kích thích trẻ em so sánh, đòi mua thêm, khiến phụ huynh khổ sở.

Đồ dùng học tập nên chọn loại đơn giản, chất lượng tốt, không cần chạy theo mốt.

3. “Nghi thức tiêu tiền”: Ly trà sữa đầu mùa, bó hoa đầu tháng...

Tưởng rằng “có chút niềm vui nhỏ”, nhưng những chi tiêu theo nghi thức như: “ly trà sữa mùa thu”, “bó hoa mùa xuân”, “áo khoác đầu đông”… đều là cách bạn tự tạo ra áp lực chi tiêu không cần thiết.

Hạnh phúc không nằm ở việc “theo trend” bao nhiêu, mà ở chỗ mình thực sự cần và thích gì.

8 kiểu chi tiêu tưởng tinh tế nhưng chỉ khiến bạn mất tiền oan mà không biết- Ảnh 3.

4. Dùng thử miễn phí – rồi trả phí không biết

Nhiều dịch vụ online gắn mác “dùng thử 7 ngày miễn phí”, nhưng sau đó tự động gia hạn, thậm chí không thông báo rõ ràng.

Kết quả là, tài khoản bị trừ tiền định kỳ, người dùng chẳng kịp phản ứng.

Luôn kiểm tra kỹ điều khoản, tắt tự động gia hạn sau khi đăng ký dùng thử bất cứ thứ gì.

5. Chi tiền theo nỗi lo: Không gầy thì không đẹp, không trắng thì không tự tin

Các hãng mỹ phẩm, thiết bị làm đẹp đang bán sự bất an, chứ không chỉ bán sản phẩm.

Khi bạn cảm thấy chưa đủ đẹp, chưa đủ thành công, bạn sẽ dễ dàng móc ví mua thêm serum, đèn hồng ngoại, thực phẩm chức năng… mà không cân nhắc kỹ hiệu quả.

Tự tin và kiến thức vẫn là "sản phẩm" làm bạn đẹp nhất – và miễn phí.

6. "Văn hóa" dùng một lần – tưởng tiện, hóa phí tiền

8 kiểu chi tiêu tưởng tinh tế nhưng chỉ khiến bạn mất tiền oan mà không biết- Ảnh 4.

Khăn lau, bàn chải, áo mưa, chăn khách sạn, dép dùng 1 lần… được quảng cáo là “vệ sinh hơn” – nhưng thực chất chỉ khiến chi phí sinh hoạt tăng vọt và gây ô nhiễm.

Hãy quay lại với đồ tái sử dụng, giặt được, vừa tiết kiệm, vừa bền lâu.

7. Đồ cho trẻ sơ sinh – càng “chuyên dụng” càng đắt

Bạn có thực sự cần máy rửa bình, nước giặt cho bé riêng biệt, khăn sữa cao cấp? Nhiều cha mẹ bị cuốn vào cuộc đua “mua đồ tốt nhất cho con” mà không phân biệt được đâu là thật – đâu là chiêu tiếp thị.

Trẻ nhỏ cần sự chăm sóc, không cần hàng trăm món đồ “xịn”. Ít nhưng đủ mới là khôn ngoan.

8. Đồ gia dụng “đẹp để sống ảo” nhưng… không bền

8 kiểu chi tiêu tưởng tinh tế nhưng chỉ khiến bạn mất tiền oan mà không biết- Ảnh 5.

Máy ép trái cây màu kem, tủ lạnh màu be, máy hút bụi “phẳng lỳ” – đều đắt hơn dòng cơ bản dù chức năng không khác biệt.

Thậm chí, để đẹp, nhiều thiết kế hy sinh cả độ bền và khả năng tản nhiệt.

Đừng để “trendy” đánh lừa bạn – hãy chọn theo tính năng, thương hiệu và độ bền.

Tiêu dùng thông minh là biết nói “KHÔNG” đúng lúc

Chúng ta không chống lại sự tinh tế, nhưng cần biết giới hạn giữa sống đẹp và sống “bị dẫn dắt”. Ngừng trả tiền cho sự phù phiếm, tập trung vào chất lượng thật sự, bạn sẽ thấy ví rủng rỉnh hơn – và đầu óc cũng nhẹ nhàng hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày