Tại Anh, 8 em bé khỏe mạnh đã chào đời nhờ một phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đặc biệt, sử dụng phôi thai có ADN từ 3 người. Phương pháp này mang lại hy vọng mới trong việc ngăn ngừa các rối loạn di truyền nghiêm trọng liên quan đến ty thể - cấu trúc chịu trách nhiệm sản sinh năng lượng cho tế bào.
Theo các nhà khoa học, kỹ thuật được sử dụng có tên là "chuyển tiền nhân" (pronuclear transfer). Quy trình bắt đầu bằng việc lấy nhân từ trứng đã thụ tinh của người mẹ - nơi chứa ADN chính, nhưng có ty thể bị lỗi. Nhân này được cấy vào trứng hiến tặng khỏe mạnh đã loại bỏ nhân gốc. Phôi thai tạo thành sẽ có ADN di truyền từ cha mẹ ruột và ty thể khỏe mạnh từ người hiến tặng.
Liệu pháp hiến tặng ti thể tạo ra phôi từ DNA của ba người với mục đích ngăn ngừa trẻ em mắc các rối loạn di truyền không thể chữa khỏi. (Ảnh: Đại học Newcastle)
Ông Robin Lovell-Badge, Trưởng khoa Sinh học Tế bào gốc và Di truyền phát triển tại Viện Francis Crick (Anh), giải thích: "Ty thể là những nhà máy nhỏ sản xuất năng lượng cho tế bào. Nếu ADN ty thể có đột biến, trẻ có thể mắc nhiều bệnh nguy hiểm dẫn đến tử vong".
Ông cũng nhấn mạnh rằng không nên gọi đây là những đứa trẻ “có ba cha mẹ”, vì phần ADN từ người hiến tặng chỉ giúp tế bào hoạt động, không ảnh hưởng đến đặc điểm như ngoại hình hay tính cách.
Dù cần theo dõi lâu dài, nhưng các chuyên gia nhận định đây là bước tiến đầy hứa hẹn. Với nhiều gia đình mang gen bệnh di truyền, phương pháp này không chỉ giúp sinh con khỏe mạnh, mà còn góp phần chấm dứt chuỗi bệnh tật kéo dài qua nhiều thế hệ.