Nếu ra đời vào khoảng những năm thập niên 80 đến trước 2000, xin chúc mừng, một là bạn thuộc nhóm Thế hệ Y, còn gọi là "thế hệ bản lề" (từ đầu 1982 đến 1994), hay nhóm Thế hệ Millennials (từ 16-30 tuổi). Lứa tuổi này, một là đang mài mặt trên ghế nhà trường, giảng đường đại học, hai là đang vật lộn trong bộn bề vòng xoáy của việc làm, sự nghiệp.
Đầu tiên, trong bài này có hai khái niệm cần được làm rõ: nhân viên và nhà tuyển dụng, cũng là hai thế hệ khác hẳn nhau.
Nhà tuyển dụng hiện nay phần lớn sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số, hay còn gọi là thế hệ "Baby boomers", bao gồm những người sinh năm 1946 – 1964.
Người tìm kiếm việc làm, hay Thế hệ Y, thế hệ Millennials, thuộc thế hệ bản lề, sinh ra khoảng từ năm 1980 đến 2000.
Và sau đây là 8 đặc điểm nổi bật của những người thuộc Thế hệ Y khi ở trong môi trường làm việc. Hãy đọc nếu bạn chuẩn bị tuyển người thuộc thế hệ này về!
1. Họ là thế hệ được giáo dục tốt nhất
Bởi vì được sinh ra trong thời bình, thế nên người thuộc thế hệ Millennials được giáo dục khá toàn diện và chất lượng.
Khoảng 79% số người thuộc thế hệ này đạt được tấm bằng cử nhân, so sánh với con số 62% ở thế hệ trước. Tuy nhiên, họ lại phải đối diện với nguy cơ thất nghiệp cao hơn hẳn, cũng như khó khăn hơn trong việc độc lập tài chính.
30% số lượng bác sỹ thuộc thế hệ Millennials không có vị trí làm việc ổn định. Thậm chí trong số này, 34% có tấm bằng thạc sỹ, nhưng vẫn không ăn thua!
24% người được hỏi thuộc thế hệ Millennials cho biết họ buộc phải trở về nhà sống chung với bố mẹ trong khoảng thời gian mới bắt đầu xây dựng sự nghiệp do gặp quá nhiều khó khăn về mặt tài chính.
2. Họ là những người không thích ngồi im một chỗ
Nhiều người có thể nói rằng thế hệ này không trung thành, là những con người thích bay nhảy. Nhưng công bằng mà nói, đời cho ta nhiều cơ hội, nắm được cơ hội đúng lúc mới là trang tuấn kiệt.
Bạn có biết, 75% người thuộc thế hệ này cho biết họ muốn được làm việc dưới trướng 2-5 ông chủ trong suốt quãng sự nghiệp của mình, thay vì bám dính lấy chỉ một người duy nhất?
So với 41% thuộc thế hệ bùng nổ dân số (những người sinh năm 1946-1964), chỉ 13% thế hệ Y cho rằng nhân viên nên gắn bó với nhà tuyển dụng ít nhất là 5 năm rồi mới đi tìm công việc khác.
43% thế hệ Millennials tự tin rằng mình có khả năng tìm ngay được một công việc khác khi bỏ công việc cũ.
70% quả quyết rằng họ sẽ nhảy việc ngay khi tình hình kinh tế của mình bắt đầu khá khẩm hơn.
3. Thế hệ của công nghệ
Khi nhắc đến lĩnh vực công nghệ, không thể không nhắc đến Thế hệ Y. Thế hệ này thay đổi sự chú ý của mình giữa laptop, smartphone, máy tính bảng 27 lần mỗi tiếng đồng hồ, so với con số chỉ là 17 ở những người thuộc thế hệ trước.
41% trong số họ thường xuyên giao tiếp thông qua các thiết bị điện tử thay vì đối diện trực tiếp hoặc gọi điện thoại cho nhau. Gọi điện, hay nghe điện thoại bây giờ là một nhiệm vụ khá khó khăn đối với lứa người đã quá quen với việc trao đổi thông tin thông qua bàn phím.
4. Những sự ưu tiên của Thế hệ Y
1/3 số người thuộc thế hệ Millennials được hỏi cho biết họ ưu tiên quyền được sử dụng mạng xã hội tự do, thoải mái trong việc dung các thiết bị cá nhân và sự linh động trong công việc, thời gian biểu rồi mới đến lương lậu khi nhận được đề nghị công việc từ nhà tuyển dụng.
40% trong số đó quan trọng nhất là ở môi trường làm việc có thể tạo được những mối quan hệ mới hay không. Rõ ràng là làm một bóng ma vô hình sáng đi tối về chẳng bao giờ là thú vị cả.
3/4 người được hỏi cho biết họ cảm thấy hạnh phúc với cuộc đời của mình. Thế hệ Y được cho là sống hạnh phúc nhiều hơn gấp 2 lần so với thời gian bị căng thẳng.
Khi được hỏi: "Các bạn định nghĩa thế nào là thành công?"
46% thế hệ Y trả lời rằng thành công là có một công việc đáng để tận hưởng, chỉ có 36% là trả lời thành công là có lương cao, số còn lại hình như đang thất nghiệp nên không muốn trả lời.
5. Tiền lương không phải thứ duy nhất mà thế hệ Y quan tâm
Tiền là quan trọng, nhưng không phải tối ưu tiên đối với thế hệ Y. Khi quyết định nhận một công việc, những con người trẻ này thường để ý đến những yếu tố khác ngoài vấn đề tài chính. Thế hệ Y rất tham vọng, nhiệt huyết với công việc của mình, bởi vậy họ đòi hỏi phải nhận được nhiều hơn là chỉ một xấp tiền giấy hay vài con số khô khan trong tài khoản cuối tháng.
52% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy bị hấp dẫn trước công việc có cơ hội thăng tiến hơn là một công việc lương cao nhưng mãi dậm chân tại chỗ.
65% cho biết cơ hội được học hỏi, phát triển bản thân mới là yếu tố quan trọng nhất níu kéo họ ở lại với công ty, không học được gì là nghỉ luôn. Số còn lại có lẽ đang quen nằm ườn lười thay đổi nên vẫn ở lại.
22% nhận thấy họ đánh giá cao nhất việc được nhà tuyển dụng đào tạo các kỹ năng khi bước chân vào môi trường làm việc mới.
30% trân trọng một công việc đem lại ý nghĩa tới cuộc sống của họ, hoặc xã hội. Kiểu như nói công việc của mình ra thì người nghe phải xuýt xoa tán thưởng, chứ không phải nói ra người ta vẫn mắt tròn mắt dẹt không hiểu rốt cục làm marketing có phải mấy cô hay bấm chuông nhà rồi vòi mua nước rửa bát hay không.
78% mơ mộng rằng công ty mà họ đang cống hiến có trách nhiệm biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.
6. Thế hệ Y rất năng động
Thế hệ Y là thế hệ không hề ngại phải xê dịch! 78% số người được hỏi khẳng định rằng họ sẽ ngay lập tức gật đầu nếu như nhà tuyển dụng cho họ cơ hội được đi công tác ở nước ngoài, hoặc sang nước khác làm việc.
7. Họ là những người muốn tự tạo dựng cơ nghiệp
72% cho biết họ muốn được làm chủ của chính mình. Trong trường hợp đang làm việc dưới sự quản lý của ai đó, 79% cho biết họ muốn một quản lý có thể đóng vai trò là người hướng dẫn, chứ không phải người chỉ tay năm ngón.
92% nói rằng họ muốn được đào tạo bài bản về tinh thần khởi nghiệp, cũng như mong bộ môn còn khá mới mẻ này được giảng dạy rộng rãi, nhất là trong nền kinh tế mới như hiện nay. Trong thời đại mà start-up lên ngôi như hiện nay, không học, hỏng là chết hết!
30% số người được hỏi tiết lộ rằng họ đã tự bắt đầu kinh doanh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bây giờ đi đâu mà chả thấy các con buôn nổi lên khi còn đang chưa kịp tốt nghiệp?
35% đã có việc làm vẫn kinh doanh thêm bên ngoài. Đồng vào đồng ra, lại còn cân bằng được cuộc sống, một bên là bị quản, một bên là tự mình quản mình, đỡ phải căng thẳng vì suốt ngày phải ở dưới trướng kẻ khác...
8. Thế hệ Y muốn môi trường làm việc mang tính hợp tác
Thế hệ này là thế hệ khá mâu thuẫn. Một mặt họ muốn sếp của mình phải là người thân thiện hòa đồng, thế nhưng họ lại không đánh giá cao người sếp sẵn sàng xắn tay áo vào giúp đỡ họ. Họ muốn cái gì ra cái nấy, sếp và nhân viên phải có giới hạn rõ ràng!
88% cho biết họ mong muốn một môi trường làm việc mà nhân viên là những đối tác của nhau, thay vì hở ra là cô này đấu chị kia, bà này đâm vài ông nọ.
Cũng con số đó, họ muốn mình nhận được một công việc mà họ có thể dung hòa nó với cuộc sống riêng của mình, kiểu như có thể vừa đi ăn chụp ảnh lại vừa ra tiền chẳng hạn.