Tôi hiện nay đã 31 tuổi, tính nhẩm một chút thì trong suốt 15 năm qua, tôi có thói quen dùng điện thoại đến tận lúc đi ngủ. Mạng xã hội trở thành công cụ giải trí chính vào buổi tối, tôi lướt TikTok, Instagram, Facebook mỗi đêm tưởng như là chuyện rất bình thường.
Nhưng gần đây, tôi nhận thấy một điều: Sáng dậy thường mệt, đầu óc không tỉnh táo, năng suất giảm rõ rệt. Dù ngủ đủ 7-8 tiếng, tôi vẫn cảm thấy không khỏe. Tôi nghi ngờ rằng thói quen dùng điện thoại trước khi ngủ chính là một phần nguyên nhân.
Hình minh họa
Vì vậy, tôi quyết định làm một thử nghiệm nhỏ: 7 ngày không dùng mạng xã hội sau 9h tối. Không kỳ vọng điều gì quá lớn. Tôi chỉ muốn xem: Nếu tắt điện thoại sớm, liệu đầu óc có "sáng" hơn không? Giấc ngủ có sâu hơn không? Và quan trọng nhất, tôi có thể duy trì điều đó không?
Tôi chọn mốc 9h tối vì đó là thời điểm tôi nghĩ bản thân nên nghỉ ngơi. Mục tiêu không phải để "digital detox" cực đoan, mà chỉ đơn giản là lấy lại quyền kiểm soát thời gian buổi tối, vốn đang bị chi phối bởi nội dung trên mạng.
Tối đầu tiên, 9h tắt điện thoại, tôi hơi lúng túng. Không có việc gì để làm. Tay theo quán tính vẫn với lấy điện thoại. Nhưng tôi cố gắng giữ nguyên tắc: Không mở lại mạng xã hội. Tôi đọc vài trang sách.
Sau khoảng 30 phút, tôi ngủ - sớm hơn mọi hôm gần 1 tiếng. Sáng hôm sau dậy, tôi vẫn buồn ngủ nhưng không còn cảm giác "nặng đầu".
Thói quen mới bắt đầu định hình. Tôi vẫn chưa làm gì thay thế mạng xã hội, chỉ đơn giản là đọc sách, đắp mặt nạ, chuẩn bị đồ ăn cho ngày hôm sau. Buồn ngủ tự nhiên đến khoảng 10h30. Ngủ liền mạch, không giật mình tỉnh lúc 3-4h sáng như trước.
Đây là điều tôi không ngờ tới: Cảm giác tỉnh táo rõ rệt vào buổi sáng. Tôi không cần cà phê ngay sau khi dậy như mọi hôm. Thậm chí, tôi nhận ra mình ít cầm điện thoại hơn trong cả ngày, không còn thói quen vô thức mở TikTok mỗi khi rảnh vài phút.
Tối ngày thứ 7, tôi đi ngủ trước 11h, không mất thời gian lướt mạng như trước. Buổi sáng dậy sớm hơn 30 phút và có thời gian ăn sáng, điều trước đây tôi luôn bỏ qua.
Tôi nhận thấy mình ngủ nhanh hơn, không mộng mị, không giật mình giữa đêm. Theo nghiên cứu từ Đại học Harvard, ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại có thể ức chế sản sinh melatonin - hormone quan trọng điều tiết giấc ngủ. Khi loại bỏ yếu tố này, giấc ngủ trở nên chất lượng hơn.
Không còn cảm giác đầu óc mơ màng hay đuối sức vào sáng hôm sau. Tôi có thể tập trung làm việc từ 8h mà không cần thời gian khởi động. Thú thực, đây là điều mà 15 năm qua tôi chưa có được. Sáng nào thức giấc tôi cũng thấy mệt mỏi, có lẽ đó là hệ quả của việc thức khuya nhiều.
Việc bỏ mạng xã hội vào buổi tối giúp tôi giảm đáng kể tần suất cầm điện thoại cả ngày hôm sau. Tôi không còn kiểm tra điện thoại mỗi 10-15 phút như trước. Tâm lý cũng bớt lo lắng khi không cần cập nhật mọi thông tin trên mạng.
Câu trả lời là: Có, nhưng điều chỉnh linh hoạt.
Sau 7 ngày, tôi thấy việc ngắt kết nối mạng xã hội sau 9h tối là khả thi và mang lại hiệu quả rõ ràng. Tôi quyết định tiếp tục duy trì vào các ngày trong tuần. Riêng cuối tuần, tôi cho phép bản thân linh hoạt hơn - nhưng vẫn ưu tiên ngủ trước 11h.
Tôi cũng không đặt mục tiêu "cai mạng xã hội" hoàn toàn. Thay vào đó, tôi muốn sử dụng nó một cách có chủ đích hơn - và không để nó chen vào khoảng thời gian mà lẽ ra tôi nên nghỉ ngơi.
Thói quen dùng mạng xã hội tưởng chừng vô hại, nhưng có thể âm thầm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, sự tỉnh táo và tâm lý. Việc tạm dừng sử dụng chúng sau 9h tối không quá khó, nhưng hiệu quả mang lại thì rất đáng cân nhắc.
Nếu bạn cũng cảm thấy mình hay mất ngủ, sáng dậy mệt, khó tập trung - hãy thử một tuần không mạng xã hội sau 9h tối. Không cần kỳ vọng điều gì lớn. Chỉ đơn giản là dành lại buổi tối cho bản thân.
Thông báo từ mẹ bé Bắp khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Video News · Trong quá trình bị truy bắt, các nghi phạm chống trả quyết liệt bằng súng AK khiến 2 cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh bị thương và trong đó một chiến sĩ hy sinh.