7 năm cập nhật phần mềm điện thoại: Nghe thì "ngon ăn" nhưng liệu có "thấm"?

Nguyễn Nghĩa, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 12:05 06/02/2025
Chia sẻ

Gần đây, lời hứa "cập nhật phần mềm 7 năm" cho điện thoại bỗng trở thành "món quà" hấp dẫn mà các hãng smartphone hào phóng tặng cho người dùng. Tưởng chừng như đây là bước tiến lớn, một sự thay đổi cuộc chơi, nhưng liệu thực tế có như vậy?

Cách đây không lâu, nhiều hãng smartphone đã quyết định “chơi lớn” khi áp dụng chính sách cập nhật phần mềm kéo dài tới 7 năm cho các dòng điện thoại của mình. Động thái này ngay lập tức thu hút sự chú ý của cả giới công nghệ lẫn người tiêu dùng, khiến không ít người thích thú.

Viễn cảnh một chiếc smartphone được hỗ trợ cập nhật suốt gần một thập kỷ, vẫn có thể cài đặt ứng dụng mới và vận hành mượt mà các tính năng hiện đại, thực sự mang lại cảm giác yên tâm và hào hứng cho người dùng. Không ít ý kiến tán dương đây là bước đi tích cực, không chỉ có lợi cho người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, kéo dài vòng đời sản phẩm và giảm thiểu rác thải điện tử.

Thế nhưng, sau gần hai năm nhìn lại, lời hứa này có vẻ như không còn lung linh như thuở ban đầu. Thay vì là một cuộc cách mạng thực sự, nó dần lộ rõ bản chất là một chiêu bài hào nhoáng bên ngoài nhưng lại chẳng "thấm" vào đâu so với thói quen tiêu dùng và vòng đời thực tế của một chiếc smartphone.

Vòng đời ngắn ngủi của những chiếc smartphone

Vấn đề lớn nhất lại nằm ở chính người dùng. Dù lời hứa cập nhật phần mềm suốt 7 năm nghe có hấp dẫn đến đâu, thực tế rất ít người gắn bó với một chiếc điện thoại lâu đến vậy. Việc mua điện thoại mới không chỉ đơn thuần là nhu cầu sử dụng, mà còn là một sở thích, một cách tự thưởng cho bản thân, hoặc đơn giản là để bắt kịp xu hướng.

Mỗi năm, các hãng lại giới thiệu hàng loạt mẫu smartphone mới với camera ngày càng “xịn sò”, chip xử lý mạnh mẽ hơn, cùng những cải tiến như AI hay các tính năng “độc lạ”. Tất cả những “mồi nhử” này khiến việc nâng cấp điện thoại trở thành một cám dỗ khó cưỡng, bất chấp chiếc máy cũ vẫn còn được cập nhật và hoạt động tốt.

Thống kê cũng đã chứng minh điều này. Theo số liệu từ Statista, chu kỳ thay điện thoại trung bình ở đã dao động trong khoảng 2.5 đến 3 năm suốt hơn một thập kỷ qua. Năm 2023, con số này là 2.54 năm, và dù dự kiến có tăng nhẹ lên 2.68 năm vào năm 2027, thì vẫn còn một khoảng cách "xa vời vợi" so với con số 7 năm. Rõ ràng, phần lớn người dùng không cần chờ đến 7 năm để thay điện thoại.

7 năm cập nhật phần mềm điện thoại: Nghe thì "ngon ăn" nhưng liệu có "thấm"?- Ảnh 1.

Người dùng trung bình không đổi điện thoại sau 7 năm mà là 2-3 năm. Ảnh: Statica

Phần cứng "đuối sức" theo thời gian

Ngay cả khi bạn là một người dùng kiên trì và muốn gắn bó với chiếc điện thoại của mình trong 7 năm, thì phần cứng bên trong cũng sẽ cản trở bạn. Điện thoại thông minh hiện đại được thiết kế để tận dụng tối đa công nghệ mới nhất, và khi phần cứng ngày càng được cải tiến, phần mềm cũng phải tiến hóa theo để tương thích. Theo thời gian, chiếc điện thoại của bạn sẽ dần "đuối sức" trong việc đáp ứng các ứng dụng nặng đô hay các tính năng mới của hệ điều hành.

Hãy nhìn vào con chip xử lý. Những con chip đầu bảng hiện tại có thể xử lý mọi tác vụ một cách mượt mà, nhưng 5-6 năm sau, nó có thể ì ạch khi phải gồng gánh các ứng dụng đòi hỏi cấu hình cao hoặc các tính năng mới của hệ điều hành. Không chỉ tốc độ, mà các chip mới còn tích hợp nhiều khả năng tiên tiến như xử lý AI hay đồ họa tốt hơn, điều mà phần cứng đời cũ không thể nào có được.

Rồi còn pin nữa. Pin điện thoại sẽ xuống cấp theo thời gian, và thường xuống cấp đáng kể chỉ sau 2-3 năm sử dụng. Bạn có thể thay pin, nhưng chi phí và sự bất tiện không phải lúc nào cũng dễ chịu.

7 năm cập nhật phần mềm điện thoại: Nghe thì "ngon ăn" nhưng liệu có "thấm"?- Ảnh 2.

Bạn sẽ phải thay pin điện thoại thường xuyên trong quá trình sử dụng. Ảnh minh hoạ

Và đừng quên màn hình. Màn hình độ phân giải cao, siêu sáng hiện nay rất tuyệt vời, nhưng chúng cũng không tránh khỏi sự hao mòn. Đến năm thứ 5 hoặc thứ 6, nhiều màn hình sẽ bắt đầu xuất hiện các vấn đề, và chi phí thay thế có khi còn đắt ngang ngửa một chiếc điện thoại mới.

Đến một thời điểm nào đó, chi phí và sự phiền toái khi nuôi một chiếc điện thoại "già nua" sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích mà nó mang lại.

Cập nhật không phải là điều "vô nghĩa"

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, trong một số trường hợp, cập nhật phần mềm dài hạn vẫn có ý nghĩa nhất định. Các doanh nghiệp quản lý đội ngũ lớn thiết bị di động có thể hưởng lợi từ việc hỗ trợ kéo dài, giúp họ sử dụng phần cứng lâu hơn và tiết kiệm chi phí thay thế.

Tương tự, những người dùng "thắt lưng buộc bụng" hoặc những người theo chủ nghĩa tối giản, coi trọng tính năng hơn là "mốt" mới, có thể đánh giá cao thêm một hoặc hai năm cập nhật.

Về mặt môi trường, nếu một tỷ lệ nhỏ người dùng giữ điện thoại lâu hơn nhờ cập nhật kéo dài, nó có thể góp phần giảm lượng rác thải điện tử. Nhưng để điều đó xảy ra, điện thoại không chỉ cần được cập nhật phần mềm, mà còn phải bền bỉ và dễ sửa chữa nữa.

7 năm cập nhật phần mềm điện thoại: Nghe thì "ngon ăn" nhưng liệu có "thấm"?- Ảnh 3.

Việc kéo dài thời gian hỗ trợ có thể làm giảm rác thải điện tử. Ảnh minh hoạ

Việc cập nhật phần mềm trong 7 năm nghe có vẻ ấn tượng, nhưng thực tế, tác động của nó không lớn như nhiều người kỳ vọng. Phần lớn người dùng nâng cấp điện thoại trước khi hết thời hạn hỗ trợ, và các vấn đề về phần cứng cũng khiến việc giữ máy lâu đến vậy trở nên kém thực tế.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày