5 năm ở nhà thuê 1 triệu, ăn cơm 30k đổi lấy căn nhà đầu tiên: Có 1 khoản chi tiêu tưởng đáng nhưng lại là tác nhân trì hoãn mục tiêu mua nhà

Vân Anh - Design: Trường Dương, Theo Nhịp sống thị trường 21:42 09/05/2024
Chia sẻ

Sau nhiều năm đi làm, dù tiền lương tăng lên nhưng chi phí sinh hoạt của chàng trai vẫn duy trì ở mức 5 triệu/tháng.

Tiết kiệm để có bất động sản tuổi đôi mươi

Nhật Lâm (1997) đã mua căn hộ 65m2 tại quận Gò Vấp, TP.HCM vào tháng 3/2024 với giá thành 2,15 tỷ. Anh chàng mua đứt căn hộ bằng tiền tự kiếm, kết hợp vay thêm từ người thân 700 triệu. Trong số đó, Nhật Lâm vay 500 triệu không tính lãi và 200 triệu có lãi suất 5%/năm.

Lâm mua nhà bằng tiền lương văn phòng làm IT kết hợp thu nhập từ công việc bên ngoài và không có lãi từ đầu tư. Đáng nói, để sau 5 năm làm việc và cố gắng tiết kiệm mà có được khoản tiền lớn mang đi mua nhà, Lâm đã duy trì chi phí sinh hoạt chỉ khoảng 5 triệu/tháng trong thời gian dài. Đây là mức chi tiêu được đánh giá là ít ỏi với các bạn trẻ tại thành phố lớn, thậm chí khá “khó tin” với nhiều người.

5 năm ở nhà thuê 1 triệu, ăn cơm 30k đổi lấy căn nhà đầu tiên: Có 1 khoản chi tiêu tưởng đáng nhưng lại là tác nhân trì hoãn mục tiêu mua nhà - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vậy Lâm đã tính toán thế nào để chỉ tiêu 5 triệu/tháng cho sinh hoạt phí? Anh chàng chia sẻ: “Mình ở trọ với bạn, nên tiền trọ (đã bao gồm tiền phòng, điện nước, wifi,...) là 1,3 triệu/người. Mình ở phòng này từ thời sinh viên nên cũng quen, ngại chuyển trọ nên vẫn ở tới giờ.

Về khoản ăn uống, mình không biết nấu nướng nên ăn ngoài cả ngày. Một ngày vị chi tiền ăn khoảng 80 ngàn, gồm bữa sáng 20 ngàn, bữa trưa 30 ngàn, bữa tối 30 ngàn. Do đó, một tháng hết 2,4 triệu cho tiền ăn. Khu mình ở là khu chợ nên hầu như các món chỉ loanh quanh 20 – 30 ngàn.

Số tiền còn lại trong khoản 5 triệu là dành cho nhu cầu cá nhân khác. Từ lâu bố mẹ mình muốn con cái ‘kinh tế tự lo’ và nhanh chóng mua được nhà, nên mình không mất tiền gửi về cho gia đình”.

Nhật Lâm nhớ lại, anh tính toán chuyện mua nhà rất sớm, nên đã lên kế hoạch chi tiêu hợp lý và cố gắng tuân thủ chúng.

Những năm đầu mới ra trường, Nhật Lâm thậm chí còn tiêu ít hơn cho chi phí sinh hoạt, còn lại bao nhiêu tiền lương anh chàng để riêng vào quỹ tiết kiệm để mua nhà. Đơn cử như có thời điểm lương văn phòng chỉ 8 triệu/tháng nhưng anh chàng vẫn để dành được 4 triệu. 2-3 năm sau khi ra trường, do tiền lương tăng lên nên anh mới tăng mức tiêu dùng lên đến 5 triệu/tháng.

5 năm ở nhà thuê 1 triệu, ăn cơm 30k đổi lấy căn nhà đầu tiên: Có 1 khoản chi tiêu tưởng đáng nhưng lại là tác nhân trì hoãn mục tiêu mua nhà - Ảnh 2.

Anh chàng đã quản lý tài chính chặt chẽ từ khi mới ra trường để nhanh chóng mua được nhà (Ảnh minh họa)

Với những người trẻ dự định mua nhà nhưng không có nền tảng tài chính tốt, Nhật Lâm cho rằng họ có thể bắt đầu từ việc sống tiết kiệm, nhằm gia tăng quỹ tiền dành cho mua bất động sản.

Anh chàng chia sẻ thêm : “Bạn nên sống tiết kiệm và nếu có thể thì chịu khó ở trọ rẻ xíu. Mình biết có những bạn lương 7-8 triệu nhưng sẵn sàng thuê căn trọ 3-4 triệu, nên tiền trọ sẽ chiếm khá nhiều vào tiền lương. Hầu như các bạn đi làm vào giờ hành chính, tối về chỉ ngủ và sinh hoạt không nhiều ở trọ, nên với mình, mức đầu tư cho nhà ở kia còn khá cao.

Ngoài ra, nếu biết nấu ăn thì bạn có thể mua đồ về nấu để tiết kiệm chi phí. Hiện, theo mình biết nhiều siêu thị có khung giờ mua thực phẩm giá rẻ và bạn có thể tranh thủ mua đồ giá hợp lý”.

Đây cũng là khoản chi có thể khiến bạn tốn kém hơn bạn nghĩ, lâu dài sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch tài chính.

Trả nợ mua nhà trong bao lâu?

Nhật Lâm bày tỏ, nếu người trẻ có công việc mang lại thu nhập ổn định, thì 600 – 700 triệu là con số vay nợ an toàn để tính chuyện mua nhà. Còn ai mạnh tay thì có thể vay 1-1,2 tỷ, thậm chí nhiều hơn nữa nhưng bạn cần chấp nhận các rủi ro về tài chính.

Bên cạnh đó, khi vay nợ mua nhà, bạn còn phải tính toán đến chuyện sinh con và lập gia đình nếu như bạn chuẩn bị kết hôn. Khi đó, bạn nên đảm bảo dòng tiền của mình đủ để chuyện vay nợ mua nhà không ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân và gây áp lực đến việc chăm sóc bé.

“Mình chỉ muốn trả nợ vay mua nhà trong 2 năm thôi. Vì sau đó, mình dự định dành tiền để lập gia đình. 1-2 năm tiếp theo, mình sinh con thì cần lo cho con, nên mình không muốn sống trong việc nợ nần ở khoảng thời gian quá lâu”, anh chàng tính toán.

5 năm ở nhà thuê 1 triệu, ăn cơm 30k đổi lấy căn nhà đầu tiên: Có 1 khoản chi tiêu tưởng đáng nhưng lại là tác nhân trì hoãn mục tiêu mua nhà - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Được biết, nhà Nhật Lâm mua là căn hộ cũ và anh là người chủ thứ tư. Khi đi mua nhà, anh chàng đặt ra các tiêu chí sau: “Căn hộ tầm trung, có view né hướng Tây để tránh ánh nắng chiều. Sở dĩ mình chọn căn tầm trung là để tránh ồn và bụi nếu ở tầng thấp, nhưng cũng không chọn ở tầng quá cao vì mình sợ độ cao.

Ngoài ra, chung cư có quầy tiếp tân và đặt máy lạnh ở khu đó. Chung cư có nội khu đẹp và vị trí thuận tiện để đi lại vào trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, căn hộ đón được nhiều gió và thoáng mát. Mình đánh giá căn hộ hiện đáp ứng khoảng 70% tiêu chí đề ra.

Mình thấy chung cư đang ở có nội khu không đẹp, nhưng bù lại gần các quán ăn giá bình dân. Còn nếu mua nhà ở những khu ‘sang xịn mịn’ như Picity Sky Park và Vinhomes thì có thể phải di chuyển khá xa mới đến được các địa điểm ăn uống này”.

Anh chàng chia sẻ, căn hộ đã qua nhiều đời chủ nhưng vẫn còn khá mới do chủ trước sơn sửa từng năm. Khi chủ cũ chuyển đi, nhiều nội thất gắn tường trong căn hộ vẫn còn để lại nên được anh chàng tận dụng, từ đó tiết kiệm chi phí sửa nhà. Được biết, sau khi dọn vào đây, Nhật Lâm chỉ mất 8 triệu cho chi phí cải tạo gồm sơn tường và mua mới một số thứ cần thiết.

Nói về dự định tương lai, chàng trai cho biết trước mắt vẫn sẽ là hoàn thành mục tiêu trả nợ theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, anh chàng dự định 7-8 năm sau, nếu điều kiện tài chính đủ thì anh sẽ mua một căn hộ khác có thiết kế đẹp và mới hơn để định cư lâu dài.

Cảm ơn Nhật Lâm vì những chia sẻ! Chúc bạn sớm các hoàn thành các mục tiêu tài chính trong tương lai.

5 năm ở nhà thuê 1 triệu, ăn cơm 30k đổi lấy căn nhà đầu tiên: Có 1 khoản chi tiêu tưởng đáng nhưng lại là tác nhân trì hoãn mục tiêu mua nhà - Ảnh 4.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày