Với những mọt phim châu Á từng có kinh nghiệm cày cả phim Hoa ngữ và phim Hàn sẽ thấy rõ những điểm khác biệt giữa hai ông lớn của điện ảnh châu Á. Trong một vài năm trở lại đây, mảng phim truyền hình của cả hai nền điện ảnh này đều có dấu hiệu chững lại và đi xuống. Tuy nhiên khi phim Hoa ngữ vẫn quẩn quanh với chuyển thể và remake thì phim Hàn đã hướng đến chuẩn Hollywood và lăm le chinh phục cả thế giới. Dưới đây là một vài điểm so sánh về mảng truyền hình của hai nền điện ảnh quyền lực nhất châu Á.
1. Phim Hoa ngữ tận dụng gia sản văn chương sẵn có, phim Hàn hướng đến những kịch bản mới mẻ và độc lạ
Trung Quốc là quê hương của tứ thư, ngũ kinh, tứ đại danh tác, tiểu thuyết ngôn tình. Bề dày lịch sử cùng kho tàng văn chương cực kỳ đồ sộ đủ cho các nhà làm phim khai thác muôn đời cũng chẳng hết. Đa số phim truyền hình Trung Quốc, từ phim cổ trang đến phim hiện đại là phim chuyển thể từ tiểu thuyết.
Một số phim cổ trang rất nổi tiếng như Hoàn Châu Cách Cách, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Bộ Bộ Kinh Tâm cho đến những bộ phim mới đây như Diên Hi Công Lược, Hậu Cung Như Ý Truyện, Đông Cung đều là phim chuyển thể hoặc dựa trên chất liệu lịch sử. Những bộ phim hiện đại cũng khai thác triệt để những cuốn tiểu thuyết ngôn tình ăn khách như Bên Nhau Trọn Đời, Yêu Em Từ Cái Nhìn Đầu Tiên, Hãy Nhắm Mắt Khi Anh Đến.
Hậu Cung Như Ý Truyện là phim chuyển thể.
Việc làm phim chuyển thể có lợi thế cực lớn về đề tài, nội dung, độ phủ sóng cao do tác phẩm, tác giả đã có tiếng. Nhưng sản xuất quá nhiều phim chuyển thể lại dẫn đến tình trạng nhàm chán do nội dung đã được biết trước, nhất là với những cuốn tiểu thuyết được chuyển thể nhiều lần.
Điện ảnh Hàn Quốc cũng có những bộ phim chuyển thể tuy nhiên số lượng không nhiều. Đa số phim truyền hình Hàn được sản xuất từ những kịch bản gốc do đội ngũ biên kịch viết ra. Chính vì thế độ sáng tạo trong phim Hàn là "vô cực" với đề tài rất phong phú. Trong phim Hàn, cái gì họ cũng có thể nghĩ ra được. Muốn làm phim cung đấu thời hiện đại, họ tự tạo luôn một chế độ quân chủ lập hiến giả lập trong The Last Empress (Hoàng Hậu Cuối Cùng). Muốn cho quân đội đi giải cứu thế giới, họ tạo ra hẳn một đất nước Uruk giả tưởng trong Hậu Duệ Mặt Trời. Họ thậm chí còn làm phim về thời tiền sử không có thật ở Hàn Quốc như Arthdal Chronicles (Niên Sử Ký Arthdal).
The Last Empress có bối cảnh chế độ quân chủ lập hiến giả tưởng.
2. Với phim Hàn - biên kịch là "trùm cuối", với phim Hoa ngữ - diễn viên ngôi sao mới là "cha mẹ thiên hạ"
Biên kịch gần như hết vai trò kể từ khi giao kịch bản cho đạo diễn và nhà sản xuất nhưng ở Hàn Quốc, biên kịch lại có quyền lực tối thượng. Họ có thể chọn đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất và có thể đuổi cổ bất cứ diễn viên nào diễn xuất không đạt. Mức cát xê trả cho biên kịch ở Hàn Quốc cũng thuộc hàng cực cao. Một biên kịch nổi tiếng sẽ nhận được khoảng 2 triệu won cho mỗi tập phim (khoảng 380 triệu VNĐ). Với những "biên kịch vàng", con số còn khủng hơn nhiều. Chẳng hạn biên kịch Kim Eun Sook (mẹ đẻ Hậu Duệ Mặt Trời) và Park Ji Eun (người nhào nặn ra Vì Sao Đưa Anh Tới) có thể được trả tới 100 triệu won (khoảng 2 tỷ VNĐ) cho mỗi tập phim.
Gương mặt vàng của làng biên kịch Hàn Quốc.
Nếu đem mức cát xê trên ra so sánh, chắc biên kịch xứ Trung không khỏi chạnh lòng. Một biên kịch bình thường được trả 50 nghìn NDT (khoảng 170 triệu VNĐ) cho mỗi tập phim. Biên kịch nổi tiếng, có thâm niên thì cùng lắm cũng chỉ được trả gấp đôi. Biên kịch cũng có rất ít tiếng nói trong quá trình làm phim khi quyền lực lớn nhất thuộc về diễn viên, tiếp đến là đạo diễn. Những diễn viên hạng A thường được trả cát xê cao ngất ngưởng nhưng nhiều người lại bị tố cáo lười biếng, lạm dụng thế thân quá đà. Angela Baby, Chung Hán Lương, thậm chí Châu Tấn cũng từng bị chỉ trích về điều này. Chính truyền thông Trung Quốc và các nghệ sĩ gạo cội cũng lên tiếng về vấn nạn này.
Angela Baby bị chỉ trích vì lạm dụng thế thân.
Ở Hàn, kể cả minh tinh hàng đầu cũng phải đến đọc kịch bản một cách nghiêm túc và tự mình thực hiện cả những cảnh khó để mang đến những thước phim chân thật nhất.
3. Phim Hoa ngữ khiến khán giả bội thực vì những bản remake, phim Hàn còn chẳng thèm làm tiếp hậu truyện
Mấy năm gần đây, khán giả gần như bội thực với đủ những phiên bản "tân" như Tân Thiên Long Bát Bộ, Tân Hoàn Châu Cách Cách, Tân Thần Điêu Đại Hiệp, Tân Tiếu Ngạo Giang Hồ,… Phim càng nổi thì càng được "tân" trang lại nhiều lần, phiên bản thì khác nhau nhưng nội dung chính thì vẫn thế. Mang tiếng "tân" nhưng không mới hoặc mới nhưng không hay.
Tân Thần Điêu Đại Hiệp với phiên bản "Cô Cô đùi gà" và chuyện tình sến sẩm.
Bộ phim Tân Hoàn Châu Cách Cách không có cửa khi so với phiên bản kinh điển do Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Phạm Băng Băng đóng hồi cuối thập niên 90. Biên kịch vàng Vu Chính cũng bị ném đá vì dám phá nát những tác phẩm kiếm hiệp kinh điển của Kim Dung. "Má Vu" đã rất nỗ lực để phim trở nên "tân" hơn nhưng cuối cùng lại biến phim thành một dị bản méo mó, hường sến ủy mị, mất đi cái tinh thần của bản gốc. Đa số những bản phim làm lại đều không bằng bản trước nhưng sau tất cả các nhà làm phim xứ Trung vẫn chuộng mốt "tân". Họ thiếu nội dung hay lười làm cái mới?
Với Tân Tiếu Ngạo Giang Hồ, Vu Chính bị chỉ trích là phá nát tác phẩm của Kim Dung.
Trong khi đó ở Hàn lại chẳng thèm "ăn mày dĩ vãng", không có nhiều phim được làm tiếp hậu truyện, remake chính những bộ phim ăn khách trước đó lại càng không. Thế nên đến giờ những siêu phẩm như Nàng Dae Jang Geum, Truyền thuyết Jumon, Bản Tình Ca Mùa Đông, Hậu Duệ Mặt Trời, Goblin,… vẫn là những phiên bản độc nhất ở Hàn.
4. Dù phim hay dở thì phim Hoa ngữ vẫn luôn có khán giả
Sự khác biệt của phim Hoa ngữ và phim Hàn xuất phát từ chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Đối với đất nước tỉ dân như Trung Quốc thì chỉ cần chiếu phim ở nội địa thôi là cũng có thể ung dung ngồi đếm view thu lợi nhuận. Họ không khó để đạt được triệu view cho mỗi tập phim chiếu online. Đó còn chưa kể có một cộng đồng cực lớn người nói tiếng Hoa ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc, họ dễ dàng tiếp nhận những sản phẩm văn hóa từ đại lục. Thế nên có lẽ các nhà làm phim xứ Trung cho rằng chỉ cần phục vụ cộng đồng nói tiếng Hoa là đủ.
Diên Hi Công Lược "phá đảo" lượt xem online ở Trung Quốc.
Hàn Quốc không có thế mạnh về dân số như Trung Quốc nên từ lâu họ đã hướng đến việc xuất khẩu văn hóa ra nước ngoài. Họ làm phim không chỉ để phục vụ dân Hàn mà còn cố gắng sao cho bán được bản quyền ra nước ngoài càng nhiều càng tốt. Những hiện tượng châu Á như Nàng Dae Jang Geum, Hậu Duệ Mặt Trời, Goblin không hẳn là "hữu xạ tự nhiên hương" mà nằm trong chiến lược phát triển của họ.
Hậu Duệ Mặt Trời gây sốt khắp châu Á.
5. Cả phim Hoa ngữ và phim Hàn đều có dấu hiệu đi xuống nhưng ít ra phim Hàn vẫn còn dám nghĩ, dám liều, dám đổi mới
Mấy năm gần đây có thể thấy cả phim Hoa ngữ và phim Hàn đều có dấu hiệu đi xuống. Năm 2018, sau Diên Hi Công Lược, Hương Mật Tựa Khói Sương, truyền hình Hoa ngữ tiếp tục rơi vào tình trạng ảm đạm. Nhiều dự án được đầu tư khủng như Thiên Thịnh Trường Ca, Hậu Cung Như Ý Truyện đều không thành công như kỳ vọng.
Truyền hình Hàn Quốc kể từ năm 2017 đến nay không có bộ phim nào gây sốt châu Á cỡ Hậu Duệ Mặt Trời hay Goblin. Năm 2018, bộ phim được đầu tư khủng như Mr. Sunshine (Quý Ngài Ánh Dương) vẫn đạt rating cao ở Hàn Quốc nhưng lại không gây được chú ý ở quốc tế. Gần đây có Arthdal Chronicle (Biên Sử Ký Arthdal) khiến chính dân Hàn còn thấy "khó xơi" chứ chưa nói đến thị trường nước ngoài. Những cái tên hạng A như Song Hye Kyo, Hyun Bin cũng không cứu vớt được những bộ phim có nội dung quá nhạt.
Encounter là một cú flop của Song Hye Kyo.
Rõ ràng cả phim Hoa ngữ và phim Hàn đều đang chững lại và đi xuống nhưng trong khi Trung Quốc vẫn kiên định với "trường phái" chuyển thể và remake thì các nhà làm phim Hàn vẫn đang trăn trở, nỗ lực để đổi mới không ngừng. Nếu như trước đây nói đến phim Hàn người ta nghĩ ngay đến ung thư, máu trắng, chuyện tình hoàng tử - Lọ Lem, tình tay ba quắn quéo éo le thì đến nay tất cả những thứ đó đều lỗi thời. Khán giả càng ngày càng khó tính và không dễ lấy nước mắt của họ bởi những thứ tình cảm sướt mướt, ủy mị.
Sau thời kỳ "sống ảo", các nhà làm phim Hàn bắt đầu đáp xuống mặt đất và làm phim phản ánh những mặt gai góc, tăm tối của hiện thực cuộc sống. Những bộ về đề tài này như Defendant, My Mister, Sky Castle được khán giả Hàn đón nhận và có những phản hồi tích cực. Biên kịch Hàn cũng cho trí tưởng tượng bay cao với những đề tài độc lạ như tình người duyên… yêu tinh, người có siêu năng lực,…
Sky Castle tưởng không hot mà hot không tưởng.
Mới đây có những bộ phim hơi flop về rating hoặc có nguy cơ thành bom xịt như Hồi Ức Alhambra hoặc Niên Sử Ký Arthdal nhưng rõ ràng các nhà làm phim dám liều khai thác những đề tài mới mẻ, độc lạ chưa từng có trước đó. Muốn thành công thì phải liều, liều mới ăn nhiều. Trước khi Hậu Duệ Mặt Trời gây sốt, ai có thể tưởng tượng một bộ phim về quân đội lại có thể hot đến thế. Thậm chí bộ phim còn bị nhiều nhà đài từ chối trước khi về với KBS cơ mà.
Trong khi đó truyền hình Hoa ngữ vẫn đang miệt mài gặm nhấm miếng bánh béo bở từ ngôn tình, thanh xuân vườn trường đến cổ trang, dã sử, tiên hiệp, cung đấu. Ngay cả hiện tượng Diên Hi Công Lược cũng không phải là mới vì đề tài cung đấu trước đó đã có những bộ phim rất thành công như Thâm Cung Nội Chiến, Bộ Bộ Kinh Tâm, Hậu Cung Chân Hoàn Truyện.
Niên Sử Ký Arthdal là một thử nghiệm liều lĩnh của truyền hình Hàn.
Nói chung phim Trung vẫn có chỗ dựa vững chắc là thị trường nội địa và cộng đồng nói tiếng Hoa nên cứ bình tĩnh, tự tin làm phim chuyển thể và remake tiếp. Trong khi phim Hàn với tham vọng đưa làn sóng Hallyu ra khắp thế giới nên họ đang có những chiến lược cụ thể. Niên Sử Ký Arthdal mới đang chiếu chưa biết hiệu quả ra sao nhưng nhà làm phim đã lên sẵn kế hoạch sản xuất mùa 2, mùa 3. Việc làm phim truyền hình nhiều season rất phổ biến ở Hollywood. Để tiếp cận khán giả quốc tế, đặc biệt là thị trường khó tính như Âu Mỹ, các nhà làm phim Hàn Quốc cũng phải hướng đến công nghệ là phim chuẩn Hollywood.
Đa số những bộ phim truyền hình Hàn mấy năm gần đây, ngoài phát sóng trên truyền hình còn chiếu song song trên Netflix, một nền tảng xem phim trực tuyến khổng lồ, phổ biến gần như toàn cầu. Hàn quốc đã và đang thay thế Trung Quốc để thống trị mảng phim truyền hình ở châu Á. Đường dài mới biết ngựa hay, chưa biết các nhà làm phim xứ kim chi sẽ làm được những gì và đi được bao xa nhưng sự tìm tòi, thể nghiệm và đổi mới là điều rất cần thiết đối với sự phát triển của một nền điện ảnh.