5 hành vi có thể khiến trẻ mất khả năng tự lập

Phan Hằng, Theo Phụ nữ Việt Nam 05:49 31/03/2023
Chia sẻ

5 hành vi gây hại cho trẻ này rất phổ biến trong nhiều gia đình hiện nay, cần sớm thay đổi để tốt cho sự phát triển của trẻ.

Ngày nay, nhiều cha mẹ bận rộn với công việc nên nhờ ông bà trông cháu giúp. Tuy nhiên, người già có một số quan niệm lỗi thời khi chăm sóc con cái. Những quan niệm này có thể gây hại cho trẻ nếu như cha mẹ không biết hoặc bỏ qua nó.

Vì vậy, dù là ai trong gia đình chăm sóc trẻ, 5 hành vi dưới đây cũng nên được thay đổi kịp thời.

1. Thường xuyên bế trẻ trên tay

Thương con không có nghĩa là luôn bế đứa trẻ trên tay sợ chúng ngã. Một số ông bà rất thương cháu, cưng chiều hết mực nên thường có xu hướng bế cháu rất nhiều.

Một khi đứa trẻ quen với việc bồng bế như vậy, dù là ngủ hay thức thì mọi người trong gia đình đều phải thay phiên bế chúng. Điều này vô tình tước đi cơ hội để trẻ tập bò, tập đi và nhiều thứ khác.

Trên thực tế có một số đứa trẻ đã 10 tháng tuổi nhưng vẫn chưa biết bò, thậm chí còn chưa thuần thục trong việc lật. Khi tìm hiểu nguyên nhân, mọi người biết được rằng những đứa trẻ này được chiều chuộng quá mức. Bởi vì gia đình có điều kiện khá giả nên lúc nào cũng có người xung quanh chăm sóc, thay phiên nhau bế trẻ.

Việc trẻ chậm phát triển như vậy đa số là do lỗi của người lớn gây ra, vì vậy cha mẹ cần chú ý điều này.

2. Sợ bẩn không cho trẻ mút tay

Khi trẻ được hơn 3 tháng tuổi, chúng rất tò mò về thế giới xung quanh và có xu hướng thích cho mọi thứ vào miệng, đặc biệt là các ngón tay. Mút tay là thói quen phổ biến của trẻ ở độ tuổi này.

5 hành vi có thể khiến trẻ mất khả năng tự lập - Ảnh 1.

Trẻ có thói quen mút tay.

Khi trẻ mút tay, nó có thể kích thích sự phát triển trí não và tăng cường độ linh hoạt cho các ngón tay.

Cha mẹ và ông bà thường lo lắng việc trẻ mút tay sẽ mất vệ sinh nên ngăn cản hành vi này.

Trên thực tế, nếu cha mẹ không cho trẻ mút tay lúc vài tháng tuổi, khi được 1-2 tuổi chúng sẽ tự đưa ra quyết định, lúc đó chúng sẽ không ngừng mút tay cho thỏa thích. Đây là giai đoạn trẻ dùng miệng để khám phá thế giới, trẻ cần vượt qua một cách suôn sẻ, người lớn không nên ngăn cản hành vi tự nhiên này.

3. Sợ ngã không cho leo trèo

Có một người bà tới trường mẫu giáo đón cháu, đứa trẻ thấy bạn bè mình đang leo cầu trượt thì muốn chơi cùng. Thế nhưng, người bà chỉ cho phép cháu mình chơi một lần và phải chờ tất cả các bạn khác rời khỏi cầu trượt thì mới được phép leo lên.

5 hành vi có thể khiến trẻ mất khả năng tự lập - Ảnh 2.

Trẻ nhỏ rất thích vận động.

Thấy hành động này của người bà, cô giáo lên tiếng: "Bé lớn rồi, bà cứ để bé tự chơi đi".

Nhưng người bà vẫn khăng khăng nói: "Sàn nhà bẩn lắm, bò ở đó sẽ bẩn hết quần áo, mấy bộ đồ này không dễ giặt đâu cô".

Quần áo trẻ em bẩn không phải là chuyện gì quá to tát, trong khi đó việc để trẻ tự bò rất có lợi cho sự phát triển của chúng. Bò, chơi trò chơi như cầu trượt rất tốt cho việc rèn luyện khả năng tích hợp các giác quan, giúp trẻ giữ thăng bằng tốt hơn.

Nếu cha mẹ sợ con mình nghịch ngợm, leo trèo hoặc bò lung tung mà ngăn cản, điều này sẽ khiến họ lúc nào cũng túc trực quan sát rất mệt mỏi, đứa trẻ sẽ không được vận động đầy đủ.

4. Trẻ giật mình lúc nửa đêm không cần bế

Trẻ 6 tháng tuổi chủ yếu uống sữa, chúng có thể đói khóc lúc nửa đêm. Đặc biệt, khi ở trong độ tuổi ăn dặm, trẻ sẽ có những giấc ngủ chập chờn suốt đêm.

5 hành vi có thể khiến trẻ mất khả năng tự lập - Ảnh 3.

Trẻ thường hay giật mình lúc nửa đêm.

Trẻ lúc thì ngủ sâu, lúc thì ngủ chập chờn luân phiên nhau. Khi ngủ như vậy trẻ sẽ lăn lộn và cử động, thậm chí miệng còn phát ra tiếng, lúc này cha mẹ không nên vội vàng bế ngay, nếu không trẻ sẽ khó chịu và tỉnh táo không chịu ngủ nữa.

5. Bế rong đút ăn

Các bác sĩ nhi khoa ở Mỹ, Anh, Đức khuyên rằng, sau khi cho trẻ ăn dặm, nếu trẻ muốn tự ăn thì có thể để chúng tự cầm nắm thức ăn. Khi trẻ được 1 tuổi, chúng đã có thể tự cầm thìa xúc ăn, 2 tuổi về cơ bản không cần cha mẹ đút ăn nữa.

5 hành vi có thể khiến trẻ mất khả năng tự lập - Ảnh 4.

Nhiều ông bà vẫn đút cháu ăn dù trẻ đã 2-3 tuổi.

Tuy nhiên, ở một số gia đình hiện nay có ông bà chăm cháu vẫn còn tình trạng dù trẻ đã 2-3 tuổi nhưng vẫn được bế đi rong khắp xóm để đút ăn.

Việc tự ăn uống có thể rèn luyện kỹ năng vận động, kích thích trí não và rèn luyện sự tập trung của trẻ. Nếu cha mẹ hoặc ông bà vẫn muốn đút cho trẻ ăn, điều này có thể khiến chúng biếng ăn, đồng thời làm mất khả năng tập trung và sự tự lập của trẻ.

Đặc biệt, nhiều gia đình hiện nay còn có tình trạng vừa để con xem video vừa đút con ăn, đây là một điều cực kỳ gây hại và cần phải thay đổi gấp.

Tóm lại, dù ai là người chăm sóc trẻ trong gia đình thì cũng nên tránh 5 điều trên, tốt nhất là nên thay đổi ngay. Có một số điều nhiều người cứ nghĩ đó là do thương con nên mới làm vậy, nhưng một khi hình thành nên thói quen xấu, nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai của trẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày