Suốt cuộc đời đi học, có bao giờ bạn phải than trời rằng: "Ôi! Tôi có một ông thầy/ bà cô thật là khó chịu?" Thế nhưng, có bao giờ lớp học sinh chúng ta tự hỏi đằng sau vẻ "khó chịu" ấy là những nỗi niềm gì?
Hồi còn đi học cấp 3, lớp 12 của tôi từng phải học với một cô giáo dạy Hóa khét tiếng là khó tính. Cô được mệnh danh là một trong "Tứ Đại Thiên Vương" của trường mà bất cứ đứa học sinh cũ nào cũng sẽ đem ra dọa lứa học sinh mới. Năm đó, chỉ cần nghe tên cô sẽ dạy lớp mình thôi, thì môn Hóa đối với tôi chưa gì đã trở thành một cực hình. Và năm lớp 12 đó, chúng tôi đã trải qua hai học kỳ môn Hóa đúng nghĩa y như trong quân đội.
Ngày công bố các môn thi tốt nghiệp, lớp chúng tôi như vỡ òa khi trong danh sách các môn thi không có Hóa. Chúng tôi tung hết sách vở, tài liệu học của môn Hóa lên trời. Ai nấy ngập tràn trong một sự giải tỏa tuyệt vời. Đúng lúc đó, tôi nhìn thấy gương mặt của cô. Gương mặt cười nhẹ nhõm nhưng ánh mắt đượm buồn ám ảnh tôi mãi cho đến tận bây giờ.
Tôi đã mãi canh cánh về gương mặt đó của cô giáo tôi. Rằng trong từng ấy thời gian học với cô, tôi đã quá vô tâm để nhận ra suy nghĩ của cô mình lúc đó. Tôi đã bỏ lại tuổi học sinh của mình với một nỗi tiếc nuối như vậy đó.
Nhưng đối với phim ảnh, chúng ta có một cái nhìn đa chiều hơn. Chỉ trong thời lượng ít ỏi của một phim điện ảnh, hay vài tập phim truyền hình, đạo diễn đã dọn sẵn mọi ngóc ngách của khía cạnh nhân vật. Nhân ngày 20/11, hãy dùng điện ảnh nhìn xuyên qua vẻ bề ngoài của những người cô, người thầy hắc ám "đì" chúng ta mỗi ngày.
Giáo viên của bạn khó tính đến mức nào? Liệu có khó bằng thầy Trần Hiệp (Chân Tử Đan) của Đại Sư Huynh? Thầy Trần xuất thân từ quân đội và trở thành giáo viên với mong muốn chấn chỉnh lại giới trẻ ngày nay. Nghe đến đó thôi, bạn có thể hình dung ra được mỗi ngày của thầy và trò sẽ chẳng khác gì cuộc chiến, và đám học trò nhất quỷ nhì ma sẽ phải bị gò ép vào những quy tắc không khác gì trong trại lính. Bất mãn vì thầy giáo quá khó, đám học trò của thầy Trần Hiệp tung đủ chiêu để mong thầy "bỏ của chạy lấy người". Đáng tiếc, thầy Trần xuất thân từ quân đội, mưa bom bão đạn thầy còn không sợ, thì sợ gì đám nhóc học sinh. Bày trò mà vẫn không "hại" được thầy, mâu thuẫn giữa đôi bên lại càng gia tăng.
Thầy Trần vốn dĩ chỉ muốn làm một thầy giáo bình thường nhưng số phận đưa đẩy khi đám học trò của anh lại toàn là thành phần bất hảo, nghịch ngợm và siêu quậy phá, khiến anh buộc phải dùng tới kỉ luật thép. Đằng sau mỗi cậu học trò đều là những hoàn cảnh đặc biệt, người thì phải sống với người cha nát rượu, người bị bố mẹ bỏ rơi, người phải kiếm sống ở vỉa hè. Người thầy mà các cậu học sinh ghét nhất lại chính là người vực dậy đám học trò để chúng không lún sâu hơn vào vấn đề của bản thân. Đỉnh điểm của sự việc là khi một học trò của Trần Hiệp bị một băng đảng xã hội đen bắt cóc, người lính năm nào đã không quản ngại bước chân vào thế giới ngầm để giải cứu học trò của mình.
Cũng nghiêm khắc cốt chỉ mong học trò nên người là thầy Trương Phong (Cao Văn Phong) trong Điều Tuyệt Vời Nhất Của Chúng Ta. Thầy Phong là một giáo viên xuất sắc, luôn yêu cầu cao đối với học sinh, và không ngừng nhắc nhở tất cả rằng phải "Học, học nữa, học mãi". "Chuyện quan trọng nhất của học sinh là gì? Là học tập" – đây chính là tôn chỉ giáo dục của thầy Phong. Khó khăn là thế, nhưng chính thầy là người sẵn sàng đạp xe chở Lộ Tinh Hà đi dã ngoại và tìm cách chứng minh cho cậu thấy cái đẹp của khoa học, giúp cậu có hứng thú học tập hơn.
Thầy Trương Phong đạp xe chở Lộ Tinh Hà đi dã ngoại.
Cũng trong Điều Tuyệt Vời Nhất Của Chúng Ta, chúng ta còn gặp được thầy Phan – người khiến bao học sinh thấp thỏm lo sợ trong mỗi lần kiểm tra giáo vụ. Thầy là người có thể bắt phạt học sinh nhảy cóc 50 cái hay cho cả lớp 0 điểm trong kì thi giữa kì vì gian lận, nhưng khi nhìn thấy học sinh bị bắt nạt thì thầy sẽ là người đầu tiên đứng ra bảo vệ, quyết không để học trò bị thương. Rõ ràng tôn chỉ giáo dục của thầy Phong hay thầy Phan có phần cực đoan, nhưng cốt yếu cũng chính là xoay quanh những học trò thân yêu, muốn chúng nên người, muốn chúng có một tương lai sáng lạn.
Thầy sẵn sàng cho học sinh 0 điểm.
Không chỉ riêng gì phim ảnh xứ Trung, mà ở màn ảnh xứ Hàn cũng có những giáo viên "hắc ám" đến mức khó tin. Cô giáo Ma Yeo Jin (Go Hyun Jung) trong The Queen's Classroom được mệnh danh là "nữ giáo viên hắc ám nhất trong lịch sử".
Bất cứ học sinh nào phản đối cô đều bị phạt, học sinh nào phản đối hình phạt bất công cũng bị phạt. Nếu như các giáo viên khác luôn cố gắng tỏ ra công bằng thì cô giáo Ma phân biệt đối xử một cách rõ rệt, cô quý mến những học sinh thông minh và tỏ rõ sự khinh thường với những em không đạt được thành tích tốt. Những học sinh giỏi giang cũng nhận được đãi ngộ đặc biệt như không phải trực nhật hay ưu tiên nhận đồ ăn trưa. Việc phân biệt đối xử tưởng chừng như phản giáo dục lại được lý giải rằng cô chỉ đang mang quy tắc đem thế giới của người lớn vào trong lớp học, kẻ chiến thắng được đối đãi tử tế còn những kẻ thua cuộc sẽ bị đối xử bất công. Và đó chính là hiện thực mà sau này bọn trẻ sẽ phải chấp nhận: "Dù các em có phàn nàn thế nào đi chăng nữa, thế giới này vẫn sẽ không thay đổi chút nào đâu".
Với phương pháp giáo dục kỳ quái của mình, cô giáo Ma đẩy những đứa trẻ mới học lớp 6 đến bờ vực phải trưởng thành. Nhưng trên bước đường trưởng thành của chúng, luôn có cô từng bước dắt tay đưa từng đứa học trò của mình qua giai đoạn khó khăn. Khi một trong những học sinh của mình (Ryu Wi Hyun) muốn tự tử, cô đã ở ngay bên cạnh cậu bé hứa với cậu bé rằng nếu cậu chết, cô cũng sẽ chết theo. Bằng cách đó, cô giáo Ma đã "mạnh bạo" dạy cho cậu học sinh một bài học về giá trị của sinh mạng mỗi người. Rằng mỗi người đều có liên kết với một người khác, và một người tự tử sẽ luôn kéo theo những người khác bị ảnh hưởng theo, và hãy nhớ cho kỹ rằng sinh mạng của em không chỉ thuộc về em, mà còn thuộc về những người yêu quí em nữa.
Chính bằng phương pháp thô bạo nhưng cực kỳ thực tế đó, mà chỉ qua 2 học kỳ, phần lớn học sinh của cô đều đã trưởng thành hơn, hiểu rõ về tấm lòng của cô giáo và bỗng dưng hình ảnh bà cô "Phù Thủy" kia đã không còn nữa.
Cuối phim, mọi đứa trẻ đều khóc khi chia tay bà cô giáo "hắc ám" của chúng.
Cũng là một thầy giáo "hắc ám", nhưng câu chuyện của thầy giáo Han Bong Gu (Uhm Ki Joon) trong Nightmare Teacher có phần ma quái và rùng rợn. Thầy yêu cầu mỗi học sinh có một buổi nói chuyện riêng với mình, để giúp thầy hiểu hơn về các học sinh trong lớp. Lần lượt những học sinh đến nói chuyện với thầy Bong Gu đều được thầy giúp đỡ giải quyết vấn đề của bản thân, đổi lại họ phải kí một bản hợp đồng máu và lần lượt từng người một biến mất.
Thầy Bong Gu dùng cạm bẫy là ham muốn khát khao được khẳng định mình của mỗi học sinh, để khiến chúng lao vào như thiêu thân đến đánh mất chính mình rồi phải trả giá bằng linh hồn bị giam giữ trong chiếc gương, và bị buộc phải đối diện với chính bản thân mình.
Phương pháp giáo dục kinh dị và tàn độc, nhưng nhờ đó lại khiến cho mỗi học sinh có cơ hội tự trải nghiệm vấp ngã, khắc cốt ghi tâm suốt cả đời để không bao giờ lập lại sai lầm đó nữa. Tuy cách thức có khác biệt nhưng có thể nói thầy Bong Gu đã hoàn thành tốt vai trò thầy giáo của mình, thành công giải cứu học sinh khỏi "bể khổ" mà mỗi người đang ngày một lún sâu vào.
Tại sao các nhà làm phim luôn khắc họa những thầy cô giáo hắc ám ở đầu phim, nhưng đến cuối cùng thì chân dung của họ lại trở nên hoàn toàn khác? Đó là vì đối với mỗi chúng ta, thầy cô giáo lúc nào cũng là kẻ xấu. Nhưng khi ống kính máy quay đưa ra xa hơn, chúng ta mới thấy được một cái nhìn toàn cảnh. Nhưng lý do thực sự phía sau những hành động tưởng như không thể chịu nổi của các thầy các cô.
Các nhà làm phim dường như cũng giống như chúng ta, một khi đã nhìn thấy được sự thật về những thầy cô giáo "hắc ám" trong chính bản thân họ, thì đều không có mấy ai có thể quay trở về và nói với thầy cô một lời: "Em xin lỗi thầy cô" được nữa. Họ cũng giống tôi, mãi mãi nợ những người nhà giáo của mình một tấm chân tình.