Khi còn nhỏ, tiền với tôi chỉ là những tờ giấy người lớn dùng để mua sữa, đóng học phí, hay đưa cho tôi 5.000 đồng tiêu vặt. Tôi không hiểu nó đến từ đâu, vì sao có người nhiều tiền còn người khác lại thiếu. Cho đến khi ra trường, đi làm, rồi nhận tháng lương đầu tiên, tôi mới cảm nhận rõ cái gọi là "áp lực tài chính" và chật vật học cách kiểm soát đồng lương ít ỏi, loay hoay giữa chi tiêu, tiết kiệm và cả những lần… thâm hụt.
tƯớc gì ngày xưa, cha mẹ nói với tôi nhiều hơn về tiền. Không cần giảng giải sâu xa, chỉ cần vài điều đơn giản nhưng đúng lúc, có lẽ tôi đã bớt bối rối khi trưởng thành.
Dưới đây là 5 điều tôi ước được dạy sớm hơn, hy vọng bạn có thể nói với con mình, hoặc tự nhắc chính mình, trước khi tiền bạc trở thành bài học đắt giá.
Ngày bé, tôi nghĩ tiền kiếm được là để… ăn uống, mua đồ, đi chơi. Còn tiết kiệm? Chắc để dành khi muốn mua thứ gì lớn. Nhưng tôi không được ai nói rằng: tiền cũng là chiếc áo giáp bảo vệ mình khỏi biến cố.
Chỉ đến khi phải vay bạn để mua thuốc lúc ốm bất ngờ, hay vật vã giữa tháng vì xe hỏng, tôi mới hiểu giá trị của quỹ dự phòng. Giá như cha mẹ từng bảo tôi rằng: "Mỗi tháng để riêng một khoản, không động vào, con sẽ cảm ơn mình sau này" thì tôi đã học được cách phòng xa, thay vì chờ tới lúc lửa cháy mới lo đi tìm nước.
Cha tôi thường nói: "Cứ học giỏi rồi ra làm việc, tiền sẽ có". Nhưng ông không nói gì về việc giữ tiền. Tôi lớn lên với niềm tin rằng miễn có nghề tốt thì tài chính sẽ ổn. Nhưng thực tế thì: Lương cao không đảm bảo bạn giàu nếu bạn tiêu hết.
Tôi từng nhận lương kha khá, nhưng đến cuối tháng vẫn chỉ còn vài trăm nghìn. Không phải vì tiêu hoang, mà vì không biết cách phân chia, kiểm soát. Lẽ ra, tôi nên biết cách chia lương ngay từ đầu, ví dụ: 50% chi tiêu thiết yếu, 20% tiết kiệm, 20% đầu tư học tập, 10% giải trí. Nghe đơn giản, nhưng thiếu nguyên tắc ấy, tiền sẽ luôn "đi nhanh hơn đến".
Ảnh minh hoạ
Hồi còn đi học, tôi thường ghen tị với bạn bè có điện thoại xịn, đi du lịch, mặc đồ đẹp. Tôi nghĩ: cha mẹ mình tiết kiệm vì không có điều kiện. Sau này, tôi mới hiểu cha mẹ chọn tiết kiệm để trả nợ, để lo cho tôi học hành, để có khoản dư phòng lúc tuổi già.
Tiếc là ngày ấy không ai giải thích, để tôi biết rằng sống đơn giản không phải vì thiếu tiền, mà vì biết điều gì quan trọng hơn. Giá như có ai nói với tôi: "Tiêu ít hơn không khiến con thua thiệt. Nó giúp con tự do hơn trong tương lai" thì có lẽ tôi đã không chạy theo vẻ ngoài phù phiếm nhiều năm trời.
Tôi vay tiền lần đầu để mua máy tính. Lần thứ hai để đi du lịch. Cả hai lần đều nghĩ "trả dần là được". Nhưng tôi không hiểu rõ về lãi suất, kỳ hạn, các loại phí phạt… Và rồi rơi vào tình trạng trả mãi không xong vì khoản nợ nhỏ ban đầu bị đội lên gấp đôi.
Nếu cha mẹ từng nói rằng: "Trước khi vay, hãy hỏi kỹ: mình cần nó đến mức nào? Có khả năng trả đúng hạn không? Và tổng chi phí vay là bao nhiêu?" thì tôi đã cẩn trọng hơn. Vay tiền không sai, nhưng phải tỉnh táo. Nếu không, nó sẽ trở thành cái bẫy bào mòn tự do.
Trong nhà tôi, tiền là điều "người lớn tự lo". Con cái không được hỏi, không được biết. Mọi thứ về tài chính giống như bí mật. Nhưng chính sự im lặng ấy khiến tôi không chuẩn bị được gì khi bước vào đời. Tôi từng xấu hổ khi hỏi về lương, ngại nói chuyện đầu tư, sợ bị đánh giá là ham tiền.
Giá như tôi sớm biết: "Tiền là công cụ. Biết cách dùng nó, con sẽ sống chủ động hơn. Không có gì xấu hổ khi học cách kiếm tiền, tiết kiệm hay đầu tư" thì tôi đã không mất nhiều năm chỉ để vượt qua cảm giác sợ hãi khi nói chuyện tài chính.
Ảnh minh hoạ
Giáo dục tài chính không cần bắt đầu bằng cổ phiếu, bất động sản hay các công cụ phức tạp. Nó bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ trong gia đình: Cách cha mẹ lên kế hoạch chi tiêu, nói về tiết kiệm, chia sẻ khi gặp khó khăn tài chính. Mỗi lần như thế là một lần con cái học được điều gì đó về tiền.
Nếu bạn đang làm cha mẹ: Hãy bắt đầu từ hôm nay. Và nếu bạn là người trẻ chưa được dạy về tiền, đừng ngại học lại từ đầu. Vì hiểu về tài chính càng sớm, bạn càng tránh được những cái giá phải trả sau này.
Tiền không tự nhiên khiến cuộc sống tốt hơn nhưng biết cách dùng tiền, bạn sẽ sống ít lo hơn, và tự tin hơn trước mọi biến động.