Mới đây, một bài đăng trong nhóm cộng đồng tài chính - chi tiêu dành cho phụ nữ đã thu hút hàng nghìn lượt bình luận. Chủ nhân bài viết là một bạn nữ 30 tuổi, chia sẻ rất chân thành:
"Em hiện nay 30 tuổi, chưa lập gia đình. Vì chưa lập gia đình nên em dành khá nhiều tiền cho việc làm đẹp bản thân, ví dụ như mỹ phẩm, áo quần, giày dép, túi xách... Nhìn sang các bạn em đã lập gia đình và nuôi con, em thấy các bạn tiêu xài tiết kiệm hơn em rất nhiều. Em muốn hỏi xin kinh nghiệm của mọi người làm thế nào để quản lí chi tiêu khi chưa lập gia đình ạ? Theo các chị dành bao nhiêu % thu nhập cho việc làm đẹp là hợp lí khi chưa lập gia đình ạ?".
Không khó để nhận thấy đây là tâm sự của nhiều người đang ở giai đoạn "độc thân ổn định": thu nhập không thấp, cuộc sống thoải mái, nhưng sau vài năm làm việc vẫn cảm thấy... chẳng dư được đồng nào.
Điều đáng nói ở bạn nữ là sự chủ động nhìn lại bản thân và lên tiếng để tìm giải pháp. Phản hồi bên dưới bài viết cho thấy không ít người từng rơi vào tình huống tương tự: Chi tiêu nhiều không vì hoang phí mà đơn giản vì... chưa có mục tiêu rõ ràng.
Dưới đây là một số chia sẻ được nhiều người đồng tình nhất:
- "Không phải do chưa có gia đình mà bạn tiêu nhiều, mà là do chưa có kỹ năng quản lý tài chính. Kỹ năng này là nền tảng - có rồi thì độc thân hay lập gia đình cũng sẽ chủ động hơn trong chi tiêu."
- "Bạn thử làm thế này: đặt ra mục tiêu tiết kiệm một năm. Ví dụ bạn muốn để dành 50 triệu trong 12 tháng, nghĩa là mỗi tháng cần giữ lại khoảng 4,2 triệu. Khi nhận lương, bạn cất riêng khoản này trước, phần còn lại mới là để tiêu. Làm vậy thì không cần phân chia phần trăm chi li gì hết."
- "Khi còn độc thân, mình thấy lại càng dễ tiết kiệm - không gánh nặng con cái, chi phí cố định cũng thấp. Mình làm 50 triệu/tháng, mua mỹ phẩm quần áo khoảng 10-12 triệu/năm thôi, vẫn dư được khoảng 75% thu nhập. Cũng từ từ mà có nhà, có tài khoản dự phòng."
"Tôi 32 tuổi, công nhân lương thấp. Mỗi tháng tôi mua 1 chỉ vàng, không tiêu son phấn quần áo gì nhiều. Giờ tôi có bầu, ở nhà cả năm không cần làm vẫn thấy thoải mái vì có khoản tích luỹ từ trước. Không ai ép mình tiết kiệm, nhưng có tiền thì sống nhẹ đầu lắm."
Ảnh minh hoạ
So sánh với các bạn đã lập gia đình là phản xạ tự nhiên, nhưng chưa chắc hợp lý. Bởi mỗi người có một mục tiêu sống khác nhau. Có người độc thân nhưng muốn mua nhà, đi học thêm, đầu tư... thì rõ ràng vẫn cần quản lý tài chính chặt chẽ như bất kỳ ai đang nuôi con. Và ngược lại, có người đã lập gia đình nhưng vẫn cho phép bản thân thoải mái chi tiêu nếu tình hình tài chính cho phép.
Khi còn độc thân, nhu cầu chăm sóc bản thân là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, nếu không có giới hạn rõ ràng, khoản chi cho việc làm đẹp có thể âm thầm "ăn mòn" hết cả phần ngân sách cần để tiết kiệm hoặc đầu tư cho tương lai.
Thực tế, nhiều người không hề tiêu xài hoang phí, nhưng vì không lên kế hoạch cụ thể nên cứ tháng này một chút, tháng sau một chút - đến cuối năm nhìn lại mới giật mình: mình đã tiêu quá nhiều cho những thứ không thật sự cần thiết.
Câu hỏi đặt ra là: mỗi tháng nên dành bao nhiêu tiền cho làm đẹp, và nên phân bổ như thế nào?
Một số người đưa ra quy tắc 50-30-20, tức là 50% thu nhập dành cho nhu cầu thiết yếu như ăn uống, nhà cửa, 30% cho nhu cầu cá nhân (trong đó có làm đẹp), và 20% còn lại để tiết kiệm hoặc đầu tư. Tuy nhiên, không phải ai cũng sống theo khuôn mẫu này được. Vì vậy, một cách tiếp cận thực tế hơn là: hãy xác định trước mục tiêu tiết kiệm mỗi tháng, sau đó mới tính toán phần chi tiêu còn lại, bao gồm cả ngân sách làm đẹp.
Ảnh minh hoạ
Ví dụ, nếu một người đang có mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng và muốn tiết kiệm 5 triệu mỗi tháng để có khoản dự phòng, đầu tư, hoặc chuẩn bị cho các mục tiêu dài hạn như mua nhà hay học lên cao, thì phần chi tiêu sẽ còn lại 15 triệu. Trong số 15 triệu đó, các khoản thiết yếu như ăn uống, đi lại, tiền thuê nhà có thể chiếm khoảng 8-10 triệu tuỳ hoàn cảnh. Phần còn lại (5–7 triệu) là cho các nhu cầu cá nhân, bao gồm cả việc làm đẹp.
Lúc này, làm đẹp nên nằm ở mức vừa phải, khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng là hợp lý. Khoản này không chỉ bao gồm mỹ phẩm, mà còn cả tiền chăm sóc tóc, dưỡng da, mua sắm quần áo, hoặc các dịch vụ làm đẹp định kỳ.
Làm đẹp là quyền của mỗi người, không ai có thể áp đặt tiêu chuẩn cho bạn. Tuy nhiên, nếu không muốn rơi vào cảnh cuối tháng phải vay mượn hoặc luôn cảm thấy thiếu tiền, thì nên có một mức trần nhất định cho khoản này. Khi có kỷ luật tài chính, bạn vẫn có thể làm đẹp, nhưng làm trong khả năng và phù hợp với kế hoạch dài hạn của chính mình.
Một trong những cách đơn giản nhất để bắt đầu là: trước khi chi, hãy tự hỏi "món này có nằm trong kế hoạch không?". Nếu có, bạn sẽ mua mà không cảm thấy áy náy. Nếu không, bạn có thể dời lại một chút - để chắc chắn rằng mình đang chi tiêu vì mục đích, không phải vì cảm xúc tức thời.