Đối với fan nhà Táo khuyết, iPhone là chiếc smartphone xịn và tuyệt vời nhất quả đất là điều đương nhiên. Tuy vậy, dù cho Apple cũng đang ở trên đỉnh vinh quang khi tiền lãi rủng rỉnh cao nhất làng di động, nhưng thật ra họ cũng đi copy nhiều thứ từ kình địch Android lắm.
Nói có sách, mách có chứng - sau đây là 5 đặc trưng dễ thấy nhất trên iPhone được học tập từ Android (trong khi ai cũng tưởng là điều ngược lại mới đúng).
Samsung - một "tay chơi" có tiếng hàng đầu của làng Android thực chất đã tung ra công nghệ nhận diện khuôn mặt, ứng dụng vào mở khóa màn hình từ năm 2011 rồi. Còn đối với Apple, iPhone X của năm 2017 vừa rồi mới là gương mặt đại diện đầu tiên được tích hợp tính năng này.
Tất nhiên, sức mạnh của iPhone X thì khác hẳn khi Apple dùng cả một cụm cảm biến hình ảnh với chiều sâu 3D để quét khuôn mặt, còn Samsung và nhiều đối thủ khác trước đó chỉ dùng camera trước, với cơ chế chủ yếu là quét hình ảnh 2D. Độ chính xác thử nghiệm của Apple "khủng" hơn nhiều, nhưng xét cho cùng thì cội nguồn công nghệ vẫn là đi sau Samsung.
Apple tự hào vì iPhone X đã có màn hình OLED, nhưng đó vẫn là một bước chậm chân, nếu không muốn nói là quá chậm, so với cả làng smartphone Android. Không riêng gì Samsung, cả những LG, Nokia... cũng đã kịp thời cập nhật xu hướng này được một thời gian khá lâu rồi. Còn ngoài iPhone X ra, tất cả những mẫu iPhone còn lại vẫn dùng tấm màn LCD truyền thống.
Ưu điểm của màn hình OLED sẽ ăn đứt LCD ở độ sáng, độ nét và màu sắc "xịn sò" hơn nhiều. Hơn nữa, cấu tạo của OLED cũng linh hoạt hơn để áp dụng thiết kế màn hình tràn viền. Samsung là người tiên phong trong trào lưu đó, bảo sao họ đã dùng OLED được vài năm rồi mới thấy Apple làm theo, thậm chí còn phải đặt hàng chính Samsung sản xuất hộ cho mình.
Cách đây vài năm, iPhone chưa hề cho phép màn hình tự động sáng lên khi có thông báo mới. Trong khi đó, làng smartphone Android thì coi đó là chuyện nhỏ như con thỏ, vì họ vốn nổi tiếng với nhiều tính năng tùy biến dày đặc.
Cho tới tận năm 2015, Apple mới chịu mang nó lên iPhone, còn trước đó, muốn kiểm tra xem có biến gì mới trên máy, mọi người đều phải tự tay bật màn hình lên mới biết được. Ngoài ra, năm 2016, tính năng "Raise to Wake" cũng mới được xuất hiện - cho người dùng bật màn hình tiện hơn chỉ bằng việc dựng tư thế iPhone lên - điều mà Android đã cho hít khói và vượt xa từ lâu.
iPhone 8/8 Plus và iPhone X nay đã có khả năng sạc thần tốc, từ 0-50% chỉ trong vòng 30 phút. Nhiều người không để ý sẽ vỗ tay chúc mừng và gật gù khen ngợi Apple, nhưng có lẽ họ không biết rằng họ hàng nhà Android đã dùng nó hàng ngày từ suốt 2 năm nay rồi.
Còn sạc không dây thì sao? Cuộc đua thậm chí còn ngã ngũ phần thắng nhiều hơn về các đối thủ Android, vì ngay từ năm 2013, Google đã đem nó lên chiếc Nexus 4 rồi. Về phần Apple, trừ bộ 3 iPhone mới ra mắt năm ngoái thì tất cả số còn lại vẫn phải chịu số phận hẩm hiu, thiệt thòi hơn rất nhiều vì nỗi ác mộng tụt pin-sạc pin luẩn quẩn quanh năm suốt tháng.
Đã từ rất lâu rồi, Sony nổi lên như một ngôi sao MVP trong làng di động khi trang bị cho smartphone của mình thiết kế bảo vệ kháng bụi kháng nước. Samsung cũng nhanh chóng chân ướt chân ráo theo đuổi ngay lập tức vào năm 2014 với Galaxy S5.
Dù Apple có tặng điều kiện bảo hành khi smartphone gặp ẩm, nước nhưng tận năm 2016, thế hệ iPhone 7/7 Plus của họ mới học theo và được nâng lên tiêu chuẩn này. Kể cả khi về lý thuyết, nó vẫn kém đôi chút so với đối thủ - chỉ có thể ở dưới độ sâu tối đa 1m trong 30 phút, trong khi Android thì xuống được tận 1,5m. Nhưng ít nhiều thì khách hàng cũng vui hơn khi không còn lo ngay ngáy mỗi khi iPhone "tập bơi" hay dính nước như trước nữa.
(Tổng hợp)