5 câu nói khiến bạn dễ trở thành kẻ EQ thấp trong mắt đồng nghiệp

Thiên An, Theo Phụ nữ Việt Nam 15:13 03/12/2022
Chia sẻ

Hạn chế nói những câu này tại nơi làm việc sẽ giúp bạn xây dựng được hình ảnh một nhân viên chuyên nghiệp, và hơn hết là tránh gây ảnh hưởng đến bầu không khí làm việc chung.

Gặp phải những đồng nghiệp không đáng tin cậy, những khách hàng ưa hạch sách ở nơi làm việc là chuyện thường ngày mà hầu như không ai trong số chúng ta có thể may mắn tránh được. Rơi vào trường hợp như vậy, chúng ta cảm thấy bực bội, khó chịu, thậm chí nổi nóng cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, việc bộc lộ cảm xúc thái quá thực tế không hề tốt cho bạn. Một khi bạn không thể kiểm soát được cảm xúc và đáp trả lại bằng những lời lẽ không phù hợp, bạn sẽ khiến không khí tại văn phòng trở nên đầy căng thẳng. Nghiêm trọng hơn, nó còn làm tổn hại đến hình ảnh nghề nghiệp của chính bạn.

Lời khuyên dành cho bạn là đừng tùy tiện nói ra 5 câu nói dưới đây, kẻo bị lầm tưởng là một nhân viên EQ thấp, sức chịu đựng căng thẳng kém.

1. "Không làm được đâu!"

Câu này của bạn đã cắt phăng mọi khả năng và bác bỏ hoàn toàn yêu cầu hoặc đề nghị của đối phương. Trong rất nhiều tình huống, điều đó thường có nghĩa là bạn không muốn làm thêm giờ hoặc làm đầu mối cho người đó, và bạn thờ ơ với mối quan hệ hợp tác này đến mức không muốn giao tiếp với người đó. Đó là chưa kể khi đối phương nghe thấy kiểu từ chối mạnh mẽ này, họ cũng dễ nổi cáu.

5 câu nói khiến bạn dễ trở thành kẻ EQ thấp trong mắt đồng nghiệp - Ảnh 1.

Giải pháp ở đây là hãy giải thích một cách khéo léo cho người đó biết lý do tại sao phương án/kế hoạch/ý tưởng của người đó khó có thể thực hiện được và đưa cho người đó những lựa chọn thay thế để nhiệm vụ hợp tác có thể diễn ra suôn sẻ.

2. "Sao cũng được!"

Nếu bạn thường nói câu này, qua tai người khác, bạn sẽ trở thành một người khá tùy tiện và vô trách nhiệm. Bởi vì sau câu nói đó thường là những ý nghĩa ẩn giấu như "Thôi bỏ đi", "Thích làm gì thì làm"... Điều đó cũng có nghĩa là bạn đã phủ nhận ý kiến của đối phương.

Vẫn biết rằng đôi khi do quá nóng giận nên bạn mới thốt ra câu này nhưng trong môi trường làm việc, bạn cần kiểm soát được ngôn từ của mình. Nếu không, bạn sẽ biến thành một người có EQ thấp trong mắt đồng nghiệp.

3. "Tôi đang rất khó chịu đấy!"

Trong công việc cũng như cuộc sống sẽ không tránh khỏi thời điểm có điều gì đó làm bạn cảm thấy không hài lòng. Nhưng hãy cố gắng đừng bộc lộ trực tiếp cảm xúc này của bạn ra trước đám đông, bởi nếu không, người khác sẽ bị năng lượng tiêu cực của bạn làm ảnh hưởng. Điều này không giúp giải quyết vấn đề mà còn làm tăng áp lực tâm lý cho cả bạn và cả đối phương.

Người có EQ cao sẽ chuyển hóa sự không vui thành thái độ giải quyết vấn đề tích cực, chẳng hạn như phân tích một cách hợp lý xem những tác động tiêu cực của tình huống này sẽ gây ra sự bất tiện và rắc rối như thế nào cho các bộ phận khác. Nếu thực sự không nhịn được, hãy tâm sự riêng với người mà bạn tin tưởng.

5 câu nói khiến bạn dễ trở thành kẻ EQ thấp trong mắt đồng nghiệp - Ảnh 2.

4. "Tôi mệt!"

Chúng ta thường cạn kiệt năng lượng do thiếu ngủ hoặc làm việc nhiều giờ, tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn nên tránh nói về việc mình mệt mỏi như thế nào tại nơi làm việc (nhưng nếu bạn làm việc quá sức và thể trạng bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì bạn nên thể hiện điều đó ra để người khác biết và hỗ trợ).

Lý do là bởi nếu bạn nói vậy, người khác sẽ cảm thấy bạn không tiếp tục làm việc được nữa, cũng không muốn động não nữa, đồng nghĩa với việc người đó có khả năng sẽ phải làm mọi thứ một mình. Một khi câu này được thốt ra, nó sẽ làm hỏng hình ảnh chuyên nghiệp của bạn.

5. "Tôi không quan tâm!"

Câu nói này thường xuất hiện ở nơi làm việc khi một dự án/kế hoạch nào đó được tiến hành nhưng trước đó từng vướng phải mâu thuẫn, tranh cãi. Tại thời điểm khi câu nói được thốt ra, người nói đang tức giận đến bất lực và cảm thấy không thể thay đổi được tình hình. Người đó nói ra câu này như một cách để thể hiện sự bức bối và cáu kỉnh trong lòng.

Song, có một điều bạn cần lưu ý là một khi bạn nói như vậy, người khác sẽ chỉ nghĩ rằng bạn chỉ muốn rút khỏi dự án, nghĩa là bạn quyết định làm loạn, nghĩa là bạn sẵn sàng để lại một mớ hỗn độn cho người khác thu dọn.

Nguồn: FastCompany

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày