Mới đây, Evergrande Group - tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc bị lộ thông tin vừa tiến hành một đợt cắt giảm nhân sự khổng lồ, ít nhất 10% nhân viên đã bị sa thải và 25% nhân viên bị cho nghỉ không lương từ 1 đến 3 tháng.
Ngay sau khi thông tin xuất hiện, không chỉ nhân viên của Evergrande bị ảnh hưởng mà những người làm công ăn lương bình thường cũng cảm thấy lo lắng và họ bắt đầu đánh giá lại xem liệu vị trí của mình có đủ ổn định hay không.
Tôi từng nói chuyện với rất nhiều người từng bị sa thải. Họ thường than thở:
"Bán mạng vì công ty bao nhiêu năm như vậy cuối cùng chẳng thu lại gì. Thật xót xa!"
"Sau khi bị sa thải, tôi gần như suy sụp, chẳng thể có hứng thú làm gì khác được nữa."
...
Nhiều người trong số họ đã trải qua trải nghiệm bị đuổi việc ấy nhiều năm, đã có việc mới nhưng khi kể lại chuyện cũ, họ dường như vẫn cảm thấy hụt hẫng, có người còn lén lau nước mắt. Rõ ràng, cái mà họ đánh mất ở đây không chỉ là công việc, mà còn là sự tự tin vào bản thân, vào nơi làm việc và thậm chí là vào tương lai.
Trong sự nghiệp của mình, tôi đã giúp các công ty sa thải nhân viên, đồng thời giúp những người bị sa thải quay trở lại nơi làm việc và xây dựng lại niềm tin của họ. Tôi đã phát hiện ra lý do nhiều người bị sa thải cảm thấy bất lực sâu sắc là vì họ quá bị cuốn vào thực tế rằng họ bị "sa thải". Họ cứ nhai đi nhai lại hiện thực này và tự làm đau mình đến mức hộc máu.
Nếu bạn cũng đang rơi vào tình trạng như vậy, bài viết này là dành cho bạn. Những nhân sự HR xuất hiện dưới đây sẽ chia sẻ với bạn 5 "bí mật", hay chính xác hơn là 5 sự thật về cơn bão sa thải và chúng hẳn sẽ phần nào gỡ bỏ giúp bạn những vướng bận về làn sóng này.
"Tại sao tôi lại là người bị sa thải?!"
Về cơ bản, đây là phản ứng đầu tiên của mọi nhân viên khi họ bị sa thải.
Nếu bạn đặt câu hỏi này, khả năng cao là bạn sẽ chỉ nhận được câu trả lời chính thức chứ không phải câu trả lời thực sự.
Bạn nghĩ rằng, khi có thông báo sa thải, chính HR đang nói chuyện với bạn. Nhưng người thực sự có thể đưa ra quyết định sa thải phải là sếp của bạn, còn HR chỉ là người đưa tin.
Phía nhân sự có thể biết hoặc không thể biết lý do thực sự. Và ngay cả khi họ biết, HR cũng có 2 lựa chọn, nói cho bạn biết và không.
Nếu bạn thực sự bị sa thải vì không làm được việc, HR có thể sẽ dùng những lý do nghe có vẻ cao siêu như "không phù hợp với vị trí" để đối phó với bạn nhằm xoa dịu cảm xúc của bạn.
Hơn nữa, ngay cả khi HR kể hết những gì người đó có thể biết cho bạn thì đó chưa chắc đã là toàn bộ sự thật đằng sau lý do bạn bị cho nghỉ.
Đối với một công ty đang hoạt động bình thường, việc sa thải nhân viên chắc hẳn rất đau đớn. Không có vị sếp nào sa thải một nhóm nhân viên một cách ngẫu nhiên chỉ bằng một cái phẩy tay.
Đằng sau quyết định sa thải thường có một bộ logic lựa chọn, nhưng nó không nhất thiết nhắm đến những người có năng lực hoặc hiệu suất kém nhất.
Thông thường, sa thải quy mô lớn là dựa theo logic kinh doanh, bởi vì việc sáp nhập và tổ chức lại khiến một đơn vị kinh doanh nhất định bị cắt giảm hoàn toàn. Giống như việc Musk mua lại Twitter cách đây không lâu. Vị tỷ phú này tin rằng điều quan trọng nhất của Twitter chính là bản thân sản phẩm, vì vậy ông đã quyết liệt sa thải nhân viên tiếp thị, nhân viên quản trị giá trị doanh nghiệp và các bộ phận khác.
Việc sa thải cũng có thể dựa trên logic tài chính. Những nhân viên có mức lương cao và khả năng thay thế mạnh mẽ có nhiều khả năng bị sa thải hơn. Ví dụ, một số công ty sẽ sử dụng mức lương cao để tuyển dụng nhân viên thời vụ trong thời kỳ cao điểm, thậm chí bao gồm cả gói cổ phần của công ty. Nhưng nếu công ty cần giảm chi phí, việc sa thải những nhân viên như vậy có thể có tác dụng ngay lập tức.
Ngoài ra còn có logic hoạt động. Nếu một bộ phận phải tăng 20% lương cho những nhân viên có thành tích tốt nhất mỗi năm, khi quỹ của bộ phận tiếp tục tăng lên, mọi thứ thật dễ dàng để nói. Nhưng nếu quỹ của bộ phận vẫn giữ nguyên thì làm sao tạo động lực cho nhân viên thông qua việc tăng lương? Chúng tôi chỉ có thể sa thải một số người để giữ cho bộ phận hoạt động trơn tru.
Nó thậm chí có thể là logic mối quan hệ. Công ty yêu cầu giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, và bộ phận nào cũng phải sa thải bớt nhân viên. Thường các sếp sẽ có một "bộ sậu" nhân viên trực tiếp của mình, nếu bạn không nằm trong số đó, khả năng cao là bạn sẽ thành "người được chọn".
Vì vậy, bạn thấy đấy, ngay cả trong trường hợp bạn phát hiện ra vấn đề và hỏi được vào điểm mấu chốt, câu trả lời cho câu hỏi "Tại sao lại là tôi?" cũng không có nhiều giá trị và ý nghĩa nữa.
Bởi vì cho dù câu trả lời ra sao, bạn cũng không thể thay đổi được gì nhiều.
Khi nói đến việc sa thải, nhiều người nghĩ rằng HR rất lạnh lùng, chỉ xua tay một cái là nhân viên phải "cuốn gói" ra khỏi công ty. Nhưng trên thực tế, phần lớn thời gian, HR chỉ đóng vai trò như "công cụ".
Hồi tôi còn làm ở tập đoàn cũ, gần một nghìn công nhân thuộc công ty con của tập đoàn phải nghỉ việc vì chuỗi cung ứng được chuyển sang quốc gia khác và các nhà máy tại địa phương phải đóng cửa. Vào ngày đầu tiên khi tuyên bố sa thải nhân viên, HR đã dọn ra một căn phòng và kê bàn thành chữ U, đồng thời đánh dấu rõ bàn nào ký giấy tờ nào để hôm sau công nhân tới làm thủ tục cho nhanh gọn.
Lúc vừa bước vào phòng, thấy cảnh tượng này tôi đã tò mò hỏi: "Ủa? Sao chỉ có bàn mà không có ghế?".
Đồng nghiệp tôi quen bên HR nói: "Ghế á? Có ghế mọi người sẽ ngồi xuống và hỏi không ngừng, bọn này làm vậy chính là để mọi người ký giấy tờ rồi nhanh chóng rời đi".
Một dây chuyền sa thải!
Nhưng đừng vì thế mà nghĩ HR kiêu chảnh hay khinh người.
Trên thực tế, ngày hôm đó tất cả chúng tôi đều phải tiến hành một cuộc diễn tập. Cuộc diễn tập xoay quanh nội dung chúng tôi sẽ trốn thoát thế nào nếu có sự cố bạo lực xảy ra. Thậm chí, một lối thoát hiểm đặc biệt còn được xây dựng ngay trong đêm. Vào ngày hôm sau, chúng tôi cũng được yêu cầu không đi giày cao gót, để nếu có xung đột, chúng tôi có thể chạy nhanh hơn.
Trải qua lần cắt giảm nhân sự lớn này, tôi không thể không cảm khái: Sa thải hay cắt giảm nhân sự là quyết định mang tính chiến lược của một công ty, và không cá nhân nào có đủ năng lực hay đặc quyền để chống lại điều đó.
Bị đuổi việc đương nhiên không dễ chịu nhưng HR suy cho cùng cũng chỉ là một vai phụ trong vở kịch này. Bản thân HR cũng là người làm công ăn lương, và cũng nơm nớp lo sợ khi cơn bão sa thải ập đến.
Một số nhân viên có thể rất tức giận khi gặp phải tình trạng sa thải và muốn cứu vãn nó bằng cách gây ồn ào. Nhưng sự thật là dù việc sa thải nhân viên chỉ diễn ra trong chốc lát, nhưng đằng sau đó có thể là sự chuẩn bị của công ty trong khoảng thời gian dài tới 3-4 tháng. Kết quả đã được viết từ sớm, và chỉ còn chờ một chữ ký là có hiệu lực.
Vậy, nếu kết quả không thể thay đổi, thì việc đấu tranh có nghĩa lý gì? Để lấy tiền bồi thường hợp đồng hay nhiều hơn thế?
Trên thực tế, việc sa thải và bồi thường của các công ty thông thường về cơ bản là hợp pháp, và rất khó để xảy ra tính toán sai lầm. Ngoài ra, khoản bồi thường tài chính đều được ban lãnh đạo phê duyệt nghiêm ngặt, có giới hạn cụ thể, dù có tài thương lượng thế nào bạn cũng khó lòng kiếm thêm về cho mình.
Tuy nhiên, bên cạnh tiền bạc, còn có những nguồn lực khác mà bạn có thể đấu tranh cho mình.
Ví dụ, một nhân sự không qua thử việc mà tôi quen đã hỏi công ty rằng liệu cậu ấy có thể tham gia khóa đào tạo miễn phí của công ty tôi trong tương lai không;
Hay một người khác thì nhờ sếp cũ của mình viết thư giới thiệu cho mình, thư giới thiệu này sẽ là một lợi thế cực lớn khi cậu ta tìm kiếm việc làm mới.
Nhiều người làm ầm mọi thứ, đăng đàn, bóc phốt loạn xạ không phải vì tiền, mà vì họ cảm thấy họ không thể dễ dàng nuốt trôi cơn tức này, đây là tâm lý hết sức bình thường. Thế nhưng, nếu bạn mất quá nhiều cảm xúc và năng lượng cho công việc đấu tranh này, mọi thứ sẽ mất đi ý nghĩa ban đầu của nó và điều đó không còn đáng nữa.
Nhiều HR đã nói chuyện với tôi, thực tế là khi sa thải nhân viên, bản thân họ cũng cảm thấy khó chịu và muốn giúp đỡ trong khả năng của họ.
Vậy kiểu nhân viên nào có khả năng nhận được sự giúp đỡ nhất? Bên cạnh những người có mối quan hệ tốt với HR thì những người có trạng thái tâm trạng ổn định cũng nằm trong danh sách.
Xét cho cùng, sa thải chỉ là một công việc của bộ phận nhân sự. Nếu nhân viên la hét, không chịu ký đơn sẽ làm tăng khối lượng công việc của HR và khiến hai bên xảy ra mâu thuẫn, khi đó HR sẽ chỉ muốn nhanh chóng hoàn thành công việc mà không nói một lời nào. Trong khi đó, những người giữ được bình tĩnh, không khiến HR phải thêm việc thường sẽ nhận được sự hỗ trợ bất ngờ.
Ví dụ, một HR công ty tôi sau khi phân tích kỹ tình huống của một nhân sự bị sa thải đã đưa ra lời khuyên cho người đó rằng: "Không phải cậu không có năng lực, mà insight của cậu và thế mạnh của cậu đều không phù hợp với công ty này. Cậu đổi một công ty khác chắc chắn sẽ có cơ hội tỏa sáng hơn".
Kết quả là nhân viên đó chuyển sang công ty khác và thực sự làm được rất nhiều việc, cuối cùng còn trở thành cánh tay đắc lực của sếp.
Bạn thấy đấy, suy cho cùng tất cả đều xoay quanh đạo lý: ai cũng là người lớn, bạn giúp tôi thì tôi cũng sẽ giúp bạn.
Ngay cả khi chúng ta không nhận được sự giúp đỡ, chúng ta cũng nên thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Có như vậy thì lần sau gặp gỡ sẽ không có tình huống ngại ngùng nào xảy ra, bởi dù sao thì một khi bạn còn hoạt động trong một ngành tương tự ngành cũ thì khả năng chạm mặt những đồng nghiệp cũ là không hề ít.
Tâm lý học chia đau buồn thành 5 giai đoạn: Từ chối, Giận dữ, Thương lượng, Suy sụp và Chấp nhận.
Đối mặt với việc bị sa thải, thời gian cần thiết để mỗi người hoàn thành 5 giai đoạn này là khác nhau, nhưng cuối cùng họ đều phải chấp nhận thực tế, thuyết phục chính mình và lấy lại sức mạnh.
Nếu bạn cứ ngồi suy tư, chỉ trích bản thân và không thể thoát khỏi những cảm xúc buồn bã, bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ những người có chuyên môn, chẳng hạn như cố vấn tâm lý hoặc các coach.
Nhưng trên thực tế, tôi nghĩ rằng nếu bạn muốn thoát khỏi cuộc đấu tranh nội tâm khi bị sa thải, điều quan trọng nhất là bạn phải thiết lập một hệ thống đánh giá nội tâm. Lý do khiến việc bị sa thải gây tổn thương đến bạn là vì bạn đã trao quyền đánh giá cho thế giới bên ngoài - "Tôi chỉ giỏi nếu sếp/ công ty nghĩ rằng tôi giỏi".
Winston Churchill nói đừng lãng phí mọi cuộc khủng hoảng. Bão sa thải chắc chắn là một bước thụt lùi, một cuộc dao động nhưng về lâu về dài, đó cũng là cơ hội để chúng ta củng cố lại nội tâm mình.
Bởi suy cho cùng thì như William Arthur Ward từng đúc kết: "Người bi quan phàn nàn về cơn gió, người lạc quan chờ đợi nó đổi chiều, người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm".
Nguồn: maimai.cn