Thẻ tín dụng đang là một trong những tiện ích ngân hàng được nhiều người ưa chuộng. Đơn giản là vì nó tiện dụng, giúp chúng ta chi trả một khoản tiền khi không mang tiền mặt, hoặc khi dòng tiền hàng tháng chưa được quay vòng.
Tuy nhiên, người ta cũng ví thẻ tín dụng là một thứ cạm bẫy đầy ngọt ngào. Nó cho ta cảm giác "người có tiền", dễ dẫn đến việc chi tiêu không kiểm soát.
Cộng thêm một số điều khoản không rõ ràng dễ gây hiểu nhầm trong hợp đồng, người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập thấp, có thể dễ dàng trở thành những con nợ "không lối thoát" của nhà băng.
Thẻ tín dụng là một thứ cạm bẫy ngọt ngào
Dưới đây là một số cạm bẫy mà người dùng thẻ trên thế giới hay mắc phải. Hãy đọc đi, và "đừng chết vì thiếu hiểu biết".
1. Bạn chỉ phải trả một khoản tiền nhỏ trên tổng dư nợ mỗi tháng
Một câu nói thường gặp khi nghe các nhân viên phát hành thẻ tín dụng mời chào, đó là bạn được vay tiêu dùng trong vòng 45 ngày, và chỉ phải trả khoản tiền tối thiểu vài phần trăm nhỏ (thường dao động từ 2% - 5%) trên tổng số dư nợ đã thực hiện. Trả chậm hơn, bạn sẽ phải chịu một khoản lãi phạt.
Nghe thật hấp dẫn đúng không? Chỉ việc chi tiêu rồi hàng tháng trả cho ngân hàng số lẻ?
Chi tiêu vô tội vạ là thói quen thường thấy của nhiều người dùng thẻ tín dụng
Nhưng chớ vội mừng! Việc chi trả khoản tối thiểu chỉ giúp bạn không bị phạt tiền và lọt vào danh sách tín dụng đen mà thôi. Còn thực tế, số tiền chưa thanh toán vẫn sẽ phát sinh lãi, và lãi tín dụng thì không hề nhỏ chút nào đâu, khi con số có thể lên tới 30% - 35% mỗi năm.
Thử tính sơ, bạn nợ 30 triệu, một năm ít nhất phát sinh 10 triệu tiền lãi, chưa kể việc bạn vẫn tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng đó để chi tiêu thêm, khiến cho lãi chồng lãi và chẳng bao giờ trả hết được nợ.
Cách đơn giản nhất ở đây là nên chi trả toàn bộ dư nợ gốc khi đến hạn thanh toán, vì đó là thời điểm ngân hàng không tính lãi. Nếu không thể, hãy đảm bảo mỗi tháng bạn trả cho ngân hàng ít nhất là gấp đôi số tiền tối thiểu phải nộp. Đây là con số lý tưởng được nhiều chuyên gia tư vấn tài chính khuyến khích thực hiện.
2. Con số "45" ma mị
Nhiều người khi mới dùng thẻ dụng đã bị mê hoặc bởi con số này, khi thời hạn thanh toán khoản nợ là 1 tháng rưỡi - tức là vượt qua kỳ lương, và bạn hoàn toàn có thể chi trả trước khi ngân hàng gõ cửa.
Nhưng thực tế thì sao? 45 ngày của bạn không phải đến bất kỳ lúc nào, mà là theo chu kỳ, với ngày bắt đầu và kết thúc cố định theo chính sách của mỗi ngân hàng.
Tính toán không cẩn thận là không có lối thoát
Tức là giả sử ngân hàng tính chu kỳ bắt đầu từ ngày đầu tháng, chốt vào cuối tháng, hạn thanh toán là giữa tháng tiếp theo, và bạn chi tiêu vào ngày 20. Lúc đó, bạn chỉ còn chưa đầy 1 tháng để thanh toán khoản tiền đó mà thôi.
Ngoài ra, nếu bạn quyết định thanh toán vào ngày thứ 45, thì cũng đồng nghĩa với việc chu kỳ thanh toán của bạn chỉ là đúng 30 ngày mà thôi. Vậy nên nếu không muốn rơi vào "vòng xoáy nợ nần", hãy tính toán thật kỹ thời gian dòng tiền của bạn quay vòng, trước khi quyết định chi tiêu trước một thứ gì đó bằng thẻ tín dụng.
3. Rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng có một tính năng khá thú vị, đó là cho phép bạn rút tiền mặt tại cây ATM mỗi khi cần kíp.
Tuy nhiên, đó lại là tính năng bạn không bao giờ nên sử dụng đến. Đơn giản là vì khoản tiền mặt đó sẽ bị tính lãi ngay từ thời điểm bạn cầm tờ tiền đầu tiên. Còn lãi tín dụng ra sao thì bạn cũng biết rồi đấy.
Tiền mặt thì có ngay, nhưng đừng vội mừng...
Cạm bẫy này không khó để tránh, khi hầu như các nhà hàng, shop quần áo, cafe... đều chấp nhận thanh toán qua thẻ.
4. Quá nhiều chi phí bất ngờ
Phí thường niên chỉ là một khoản tiền nhỏ nhoi, nếu bạn biết đến những chi phí bất ngờ có thể ập đến khi dùng thẻ tín dụng. Bạn trả chậm? Ăn phạt! Chi tiêu vượt quá hạn mức cho phép? Phạt! Làm mất thẻ tín dụng phải làm lại? Cũng chịu tiền phạt!
Sử dụng thẻ tín dụng, đồng nghĩa với những khoản tiền bất ngờ
Ngoài ra, các ngân hàng có quyền tăng lãi suất trong quá trình sử dụng, và họ có thể làm điều đó mà không báo trước, hoặc có thông báo mà... ít người để ý. Hệ quả đến khi bạn nhận ra tiền lãi tăng vùn vụt thì cũng đã muộn.
Chưa kể, các ngân hàng có rất ít hỗ trợ trong trường hợp thẻ tín dụng bị mất trộm và chi tiêu bất hợp pháp. Đa số trường hợp bị trộm thẻ tín dụng, nếu không khóa kịp thẻ đều phải chịu mất tiền mà không cách nào đòi lại.
Riêng đối với tiền lãi, bạn có thể cân nhắc chuyển đổi ngân hàng để nhận được mức lãi suất cạnh tranh hơn.
Kết
Nhìn chung, thẻ tín dụng vẫn là một công cụ đem lại nhiều tiện ích, và dù mang lại những rủi ro không nhỏ thì cũng không nhất thiết bạn phải từ bỏ nó. Thay vào đó, hãy sử dụng thẻ tín dụng một cách có trách nhiệm và tính toán, để vừa tận dụng được tiện ích của thẻ, vừa không vướng phải thứ "cạm bẫy ngọt ngào" mà các ngân hàng đã giăng ra.