4 "quá" khi ăn uống gián tiếp "bào mòn" đường tiêu hoá, tăng nguy cơ mắc ung thư

Ngọc Minh, Theo Đ 18:55 03/02/2024
Chia sẻ

Theo chuyên gia việc ăn uống không hợp lý là nguyên nhân khởi phát các bệnh ở đường tiêu hoá, tăng nguy cơ mắc ung thư.

Tại Việt Nam bệnh lý tiêu hóa chiếm khoảng 10% dân số. Trong đó những bệnh lý thường gặp là: táo bón, tiêu chảy, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng, ung thư như đại tràng, trực tràng, dạ dày...

4 thói quen ăn uống "bào mòn" hệ tiêu hóa

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Phạm Thị Quế, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết câu nói của người xưa "bệnh vào từ miệng" không hề sai. Ngày nay thói quen ăn uống thiếu khoa học khiến cho người Việt gia tăng nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hoá.

Bác sĩ Quế cho biết thói quen ăn uống thiếu khoa học hàng ngày có thể kể tới như:

- Ăn quá nhiều đồ muối (dưa muối, cà muối) có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm loét dạ dày;

- Ăn quá cay;

- Ăn quá nóng;

- Uống quá nhiều rượu…

Ngoài ra, theo bác sĩ Quế, việc ăn thực phẩm chưa được nấu chín; thực phẩm không đảm bảo vệ sinh cũng"vô tình" trở thành hiểm họa khôn lường đối với hệ tiêu hóa.

Bác sĩ Quế lưu ý vào dịp Tết đến xuân về, việc ăn uống không kiểm soát như: ăn nhiều đồ chua, cay, ăn nhiều thịt, uống rượu – bia cũng tạo ra gánh nặng, "bào mòn" dạ dày và tăng nguy cơ mắc bệnh lý tiêu hoá.

Mới đây, bác sĩ Quế cũng đã tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân (60 tuổi, ở Nam Định) đến khám do rối loạn tiêu hóa.

10 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau âm ỉ ở bụng và vùng hạ vị, đi ngoài phân nát. Quá trình thăm khám ban đầu không xuất hiện thêm triệu chứng bất thường nào.

4 quá khi ăn uống gián tiếp bào mòn đường tiêu hoá, tăng nguy cơ mắc ung thư - Ảnh 1.

Hình ảnh khối u tại đại tràng (ảnh BSCC)

Tuy nhiên, để tìm nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm máu cơ bản, thực hiện kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng.

Kết quả thăm khám và hình ảnh nội soi đại trực tràng cho thấy: Đại tràng sigma có polyp loại cuống ngắn kích thước xấp xỉ 2cm, bề mặt có vùng biến đổi cấu trúc (NICE 2), bác sĩ đã tiến hành thực hiện thủ thuật tiêm nâng chân, sau đó cắt polyp qua nội soi và kẹp 05 qua nội soi.

Bác sĩ Quế cho hay, để chẩn đoán xác định tính chất của khối polyp, ngay sau khi lấy ra, mẫu polyp được chuyển đến Trung tâm Giải phẫu bệnh.

Kết quả giải phẫu cho thấy, bệnh nhân mắc ung thư đại tràng. Khi nhận kết quả này bệnh nhân đã rất sốc. Tuy nhiên, sau khi nghe bác sĩ giải thích khối u được phát hiện ở giai đoạn sớm nên có thể phẫu thuật triệt căn nên tâm lý bệnh nhân đã ổn định.

Theo Thống kê của Tổ chức Ung thư Thế giới (Globacan 2020), tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 17.000 ca mắc ung thư dạ dày mới; 14.000 ca ung thư đại tràng; 3.200 ca ung thư thực quản. Điều đáng lo lắng là đa số người dân chỉ đi khám khi có dấu hiệu hay triệu chứng bất thường, nên thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Điều này làm giảm hiệu quả điều trị, gây tốn kém chi phí và thời gian chữa trị.

Cách để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, các chuyên gia tiêu hóa nhấn mạnh người dân nên thực hiện lối sống lành mạnh như:

- Ngủ đủ giấc;

- Ăn đúng giờ;

- Tránh lạm dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, cà phê...);

- Tránh ăn đồ ăn chứa quá nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nhiều đạm và thực phẩm chế biến sẵn;

- Tăng cường trái cây, rau xanh, uống đủ nước;

- Tập thể dục đều đặn, vừa sức.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần, hoặc đi khám ngay nếu thấy cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày