Bệnh trầm cảm (Depression), là rối loạn tâm lý vô cùng phổ biến và ngày càng có xu hướng tăng lên về số lượng, trẻ hóa về độ tuổi. Theo thống kê của WHO năm 2023, có khoảng 5% người trưởng thành trên toàn cầu bị trầm cảm. Điều đáng nói là con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều do không phải ai bị trầm cảm cũng được chẩn đoán chính thức.
Theo các chuyên gia, rối loạn trầm cảm được đặc trưng bởi nỗi buồn hoặc khó chịu nghiêm trọng hoặc dai dẳng, đủ để ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi và sức khỏe tổng thể. Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng các thống kê lâm sàng chỉ ra rằng có 4 nhóm người dễ bị trầm cảm “tấn công” nhất, đó là:
Người tự ti, luôn đánh giá thấp bản thân
Nhiều người cho rằng, những người sống khép kín, tự ti, mặc cảm về bản thân sẽ dễ mắc rối loạn tự kỷ. Nhưng trên thực tế, nhóm người này cũng rất dễ bị rối loạn trầm cảm “tấn công”.
Bất cứ ai, ở độ tuổi hay giới tính, điều kiện kinh tế nào cũng có thể bị trầm cảm (Ảnh minh họa)
Trong cuộc sống, có rất nhiều biểu hiện của mặc cảm tự ti như rào cản xã hội, ưa thể hiện, nhạy cảm và hoang tưởng… đều là những biểu hiện điển hình của mặc cảm. Hay những người bị ảnh hưởng bởi những khiếm khuyết về đặc điểm thể chất bên ngoài như: béo phì, chiều cao, ngoại hình… cũng có thể dễ dàng trở thành triệu chứng của mặc cảm tự ti và trầm cảm.
Những người có lòng tự trọng thấp thường có thái độ tiêu cực đối với khả năng của bản thân, đồng thời, họ cũng có thái độ bất mãn mạnh mẽ với môi trường và con người xung quanh nhưng lại không dám bày tỏ thẳng thắn. Lâu dần, những cảm xúc tiêu cực này sẽ làm thay đổi cấu trúc tế bào thần kinh của não và trở thành nguyên nhân tiềm tàng gây ra bệnh tâm thần - bao gồm cả trầm cảm.
Những người bị tổn thương, sang chấn tâm lý, áp lực kéo dài
Tổn thương, sang chấn tâm lý là những nguyên nhân phổ biến dẫn lối cho căn bệnh trầm cảm. Ví dụ như những người phải trải qua biến cố lớn, đột ngột của cuộc đời như: phá sản, bị lừa đảo mất hết tiền của, nợ nần, mất đi người thân, hôn nhân đổ vỡ, con cái hư hỏng, áp lực công việc quá lớn…
Hoặc những người sinh ra, lớn lên trong các gia đình không hạnh phúc, bố mẹ thường xuyên lục đục cũng dễ mắc trầm cảm cũng như nhiều vấn đề sức khỏe tâm khác. Những người nằm trong nhóm học sinh, sinh viên thường bị căng thẳng, stress kéo dài do nhận áp lực từ bài vở, thi cử dồn dập, áp lực từ gia đình và thầy cô cũng dễ nằm trong “tầm ngắm” của trầm cảm.
Người có tiền sử bệnh lý gia đình
Mặc dù hiện tại không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy trầm cảm là do di truyền, nhưng những người có người thân trực hệ bị trầm cảm thực sự có nhiều khả năng tự phát triển các rối loạn tâm lý hơn.
Theo thống kê có liên quan, trẻ em có cả cha và mẹ đều bị trầm cảm có nguy cơ mắc chứng rối loạn trầm cảm cao hơn ít nhất 10% và các triệu chứng liên quan thường nặng hơn. Nghiên cứu cho rằng việc xảy ra tình trạng này có liên quan chặt chẽ đến môi trường giáo dục và không khí gia đình của gia đình ban đầu, nếu bản thân cha mẹ tương đối sống nội tâm và trầm cảm thì con cái sẽ khó có được một tuổi thơ trọn vẹn và hạnh phúc. Trạng thái tiêu cực bắt đầu từ khi còn nhỏ, nó có thể dễ dàng trở thành nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tâm thần.
Người trải qua sinh nở, tổn thương cơ thể
Phụ nữ trong khi mang thai và nhất là sau khi sinh con rất dễ bị bệnh trầm cảm “tấn công”. Bởi đây là giai đoạn nhạy cảm, và nhiều nguy cơ đối với phụ nữ, những thay đổi nhanh chóng về hormone, vai trò trong gia đình, thay đổi lối sống (thiếu ngủ, ăn uống…) hoặc những bất ổn trong cuộc sống trước đó cũng góp phần làm tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ sau sinh.
Sau khi sinh nở là giai đoạn chị em phụ nữ rất dễ có tâm lý tiêu cực, rơi vào trầm cảm (Ảnh minh họa)
Hay những người bị tổn thương cơ thể như bị tai nạn phải cắt bỏ bộ phận cơ thể, chấn thương sọ não, ung thư, mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm… cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm cùng nhiều rối loạn tâm thần khác.
Ngoài ra, những người hút thuốc lá, rượu bia, sử dụng chất kích thích tổn hại thần kinh như ma túy, ma túy đá… lâu ngày cũng dễ bị trầm cảm hơn.
Vẫn còn không ít người xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, trên thực tế căn bệnh này ngoài “hút cạn năng lượng”, ảnh hưởng tới tinh thần, giao tiếp xã hội, công việc… thì còn có thể tác động tiêu cực tới thể chất, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật khác. Thậm chí, nó còn có thể thúc đẩy những hành vi nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của bản thân và mọi người xung quanh.
Vì vậy, các chuyên gia nhắc nhở rằng nếu các cảm xúc tiêu cực, rối loạn kể dưới đây ở mức độ trầm trọng hoặc kéo dài qua 2 tuần thì hãy nhanh chóng đi thăm khám.
- Tâm lý tiêu cực: Thông thường, các bệnh nhân trầm cảm sẽ trở nên nhạy cảm, bức bối, dễ khóc... Sau đó cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, thấy mình vô dụng, tự ti... dẫn đến cảm giác tuyệt vọng. Lúc này, họ có thể tự gây thương tích cho bản thân, nguy hiểm hơn là suy nghĩ đến cái chết và tự sát. Ngược lại, tâm lý tiêu cực ở 1 số bệnh nhân trầm cảm lại sinh ra cáu kỉnh, dễ kích động, thù hằn.
- Mất hứng thú với mọi việc: Thực tế cho thấy, người trầm cảm thường có biểu hiện suy giảm, thậm chí không còn hứng thú với công việc, cuộc sống hay những thú vui, sở thích trước đây. Họ luôn có cảm giác mỏi mệt, trống rỗng, mất động lực sống, không quan tâm đến mọi người xung quanh, kể cả gia đình. Phần lớn nam hay nữ đều giảm mạnh hoặc mất ham muốn tình dục.
- Khó tập trung: Bệnh nhân trầm cảm còn rất khó tập trung. Dù là trong công việc, học tập hay thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Những triệu chứng trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Họ thường gặp khó khăn khi đưa ra quyết định giải quyết vấn đề, thậm chí dù là những việc đơn giản.
- Rối loạn giấc ngủ: Theo các chuyên gia, mất ngủ là dấu hiệu trầm cảm đầu tiên và phổ biến ở nhiều người. Có đến 95% bệnh nhân trầm cảm gặp tình trạng mất ngủ kéo dài và hình thành bệnh. Nói cách khác, mất ngủ và bệnh trầm cảm tác động qua lại, mất ngủ lâu ngày dễ gây trầm cảm và trầm cảm sinh ra mất ngủ, bệnh càng trầm trọng hơn.
- Đau nhức cơ thể hoặc tăng cân nhanh: Trầm cảm cũng có những biểu hiện rõ ràng về mặt thể chất. Trong 1 nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dialogues in Clinical Neuroscience, 69% những người trầm cảm đã có cảm giác đau nhức cơ thể dù có kết quả bình thường khi khám sức khỏe. Rối loạn tâm trạng có thể xuất hiện kèm với các triệu chứng khác như đầy hơi, đau lưng, đau khớp. Một số người cũng bị tăng cân nhanh do ăn uống thay đổi.
Ngoài mất ngủ hay tâm lý tiêu cực, trầm cảm cũng có thể gây rối loạn về ăn uống (Ảnh minh họa)
- Rối loạn ăn uống: Thay đổi thói quen ăn uống một cách đột ngột cũng là biểu hiện hay gặp ở giai đoạn đầu của bệnh. Một số người trở nên ăn nhiều hơn khi họ mắc trầm cảm nhưng số khác lại đột nhiên chán ăn, ăn gì cũng không ngon miệng.
Nguồn và ảnh: Sohu, MSN, Top 1 Health