Con trai tôi năm nay 6 tuổi, vì tính chất công việc của bố mẹ nên đếm "sương sương" đã có đến 3 lần chuyển trường. Mỗi khi nhắc đến chuyện trường lớp, bạn bè hay đùa tôi "kinh nghiệm đầy mình". Nhưng thực ra, tiêu chí chọn trường của gia đình tôi chẳng có gì "cao siêu", nếu không muốn nói là cực kỳ đơn giản: Trường gần nhà, sạch sẽ, thầy cô thân thiện và đặc biệt, lan can ở trường phải đủ cao để đảm bảo an toàn.
Năm con được 3 tuổi, bắt đầu đi nhà trẻ, vợ chồng tôi vô cùng ưng ý trường mầm non gần nhà. Sân vườn rộng rãi, có hồ cá, vườn rau, lớp học thoáng mát bốn bề cây xanh lại gần trường tiểu học nơi con gái lớn của tôi đang theo học, rất tiện đưa đón cả hai đứa.
Tôi chấp nhận đi xa hơn chỉ để con được học trường có lan can đủ an toàn.
Thế nhưng, sau khi lên tầng 2 gặp cô hiệu trưởng, đi qua những bậc cầu thang với lan can quá thấp, chỉ nghĩ đến việc giờ ra chơi, con mình nghịch ngợm ngồi lên trên và... trượt là tôi "nổi da gà". Thế là hai vợ chồng góp ý vài câu rồi đành ngậm ngùi xin cho con học một trường khác, phòng học nhỏ hơn, xa nhà hơn. Buổi chiều, để đón cả hai chị em, bố mẹ phải đi vòng thêm gần 4km.
Chị đồng nghiệp của tôi cũng "phải lòng" một trường tiểu học khi đi tìm trường cho con chỉ vì... tấm lưới chắn. Từ hồi lớp 1, xác định cho con học trường tư, chị đi tham khảo một vài trường gần nhà. Đến Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Minh Khai, Hà Nội) bà mẹ này "ưng" ngay vì tuy trường bé, không rộng rãi bằng một số nơi khác đã xem nhưng lại có hệ thống lưới bảo vệ cả hành lang lẫn cầu thang.
"Con từ môi trường mẫu giáo ra, vẫn còn bỡ ngỡ, thêm phần hiếu động và chưa có ý thức về an toàn. Nhìn thấy lưới bảo vệ, mình yên tâm đăng ký cho con vào trường ngay", chị nói.
Chị đồng nghiệp của tôi cũng "phải lòng" một trường tiểu học khi đi tìm trường cho con chỉ vì... tấm lưới chắn lan can.
Thỉnh thoảng lướt vào các hội nhóm phụ huynh trên mạng xã hội, tôi lại bắt gặp các "topic" thảo luận về chuyện chọn trường, chọn lớp cho con, nhất là giai đoạn đầu năm học thì chủ đề này lại càng thêm phần rôm rả. Chuyện cho con học trường công hay tư, song ngữ hay quốc tế... vốn dĩ là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".
Phụ huynh đưa ra đủ loại tiêu chí: Học phí, cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa... Duy chỉ có một yếu tố, thực sự rất quan trọng thì tôi thấy khá nhiều bố mẹ bỏ qua: Đó chính là chuyện an toàn cho con ở trường học.
Người ta thường mặc định với nhau trường học là nơi an toàn. Thế nhưng, dù chưa có báo cáo thống kê nào cho biết hằng năm có bao nhiêu trẻ em mẫu giáo và học sinh các cấp gặp tai nạn trong khuôn viên nhà trường, thì ai cũng có thể biết được con số ấy không hề ít.
Nói đâu xa, chỉ vừa đây thôi, một nam sinh lớp 3 tại Hà Tĩnh trước giờ vào học bất ngờ bị ngã từ lan can tầng hai xuống đất. Hiện cháu bé đang được điều trị tại bệnh viện trong tình trạng tiên lượng xấu. Hay cũng trong tháng 9 này, khi đang trèo qua lan can hành lang của trường tiểu học, một em học sinh lớp 2 ở Quảng Bình cũng bị ngã xuống đất, gãy cả 2 tay.
Năm 2020, nam học sinh lớp 9 ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã tử vong sau khi tuột lan can cầu thang và té ngã. 4 năm trước, đang chơi đùa với bạn ở ban công, một học sinh lớp 1 ở Đà Nẵng cũng bị ngã từ tầng 2 xuống đất.
Ngoài những chiếc lan can thiếu an toàn, những hiện tượng thường thấy nhất là trẻ em bị ngã dẫn đến thương tật trong nhà vệ sinh vì sàn gạch quá trơn, bị đau do các thiết bị và các công trình xây dựng có cạnh sắc, hơn nữa là bị thiệt mạng do trượt cầu thang; khoảng cách giữa các song lan can quá thưa, các cháu nhỏ chơi đùa có thể lọt xuống đất... Những chuyện này khiến cha mẹ bất an bởi nhà trường không còn là nơi trú ngụ an toàn nữa.
Trẻ em hiếu động không phải là tai họa, mà thảm họa là nếu tất cả con cháu chúng ta đến lớp học chỉ biết ngồi yên và không dám chạy nhảy chỉ vì sợ thiếu an toàn. Vấn đề là ở chỗ người lớn thiết kế một trường học làm sao để các cháu hiếu động nhất cũng không phải bị nhận hậu quả xấu nhất. Và bố mẹ, những người đóng vai trò quyết định trong việc chọn trường cho con, cũng hoàn toàn có thể lựa chọn môi trường đủ an toàn để gửi gắm con cả ngày dài, yên tâm ra ngoài làm việc.
Một chiếc lưới chắn cầu thang, chuyện tưởng nhỏ mà không hề nhỏ (Ảnh minh họa)
Trường hợp bất khả kháng, không thể thay đổi môi trường học tập cho con, bố mẹ cũng nên trang bị cho con những kỹ năng an toàn cần thiết. Ở giai đoạn từ 4-12 tuổi, trẻ được cha mẹ cho đi đến trường học để học tập và vui chơi với bạn bè. Lúc này bé rất dễ gặp nguy hiểm bởi trẻ thích khám phá mọi thứ xung quanh nhưng lại chưa có những kỹ năng cơ bản để đối phó với các tình huống xảy ra.
Cha mẹ nên dạy trẻ những nơi an toàn mà bé có vui chơi thoải mái nhưng không gây hại, tổn thương đến bé. Dạy con trẻ về sự an toàn và đặt ra các quy tắc đơn giản nhưng nghiêm ngặt. Chẳng hạn như không được ra ban công khi không có người lớn; Không được trèo lên lan can, không được xô đẩy, đùa nghịch nhau sát lan can; Vào nhà vệ sinh cần đi chậm để tránh trơn trượt....
Đội ngũ cán bộ, giáo viên các nhà trường cần chủ động loại bỏ nguy cơ gây tai nạn thương tích; đồng thời trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình. Bằng cách phát triển những thói quen này, trẻ sẽ dần có trách nhiệm với sự an toàn của bản thân.
Năm 2008, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam- Nhà ở và công trình công cộng- an toàn sinh mạng và sức khoẻ (QCXDVN 05 : 2008/BXD).
Theo quy chuẩn này, lan can phải đạt tiêu chuẩn: Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cần đảm bảo các yêu cầu sau: Khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.
Đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng thì tại lô- gia và sân thượng ở những vị trí cao từ 9 tầng trở lên thì chiều cao tối thiểu là 1,4 mét. Lan can ở cầu thang và các vị trí khác là từ 0,9 mét đến 1,1 mét.
Ngoài ra, Quy chuẩn còn quy định: Lan can phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang quy định trong Quy chuẩn liên quan. Không làm lan can có mặt trên rộng để tránh người ngồi hoặc nằm. Nếu sử dụng kính ở các lan can, còn cần tuân thủ: Không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75 mm; lan can phải chắc chắn và khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã.
Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua (không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can) và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm.
Ngoài ra, khi nhà có trẻ em dưới 5 tuổi phải bỏ kết các vật dụng không cần thiết, cần sử dụng lưới thép để rào chắn lan can, cửa sổ.