Mùa đông tới cũng là lúc các hàng lẩu đông đúc nhất, trời se se khiến dân tình có nhu cầu ăn lẩu cao hơn vì vừa ấm cúng lại vừa no bụng. Ngày nay ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác, lẩu là món rất phổ biến và được bán rộng rãi với đủ hình thức, đủ mức giá, đặc biệt có những hàng buffet lẩu với giá siêu rẻ khiến thực khách hoài nghi không ít.
Tuy lẩu ngon và bạn có thèm đến đâu nhưng hãy xin nhớ câu ông bà ta thời xưa dạy: “Tiền nào của nấy”, “của rẻ là của ôi”. Không có sai đâu! Ở những hàng buffet lẩu giá rẻ, có những loại nguyên liệu được nhập từ nguồn không rõ, chất lượng kém, được “làm giả” để giảm giá đầu vào, từ đó dẫn đến những hệ quả xấu cho sức khoẻ khách hàng. Thậm chí có cả những nhà hàng lẩu lớn cũng sử dụng thực phẩm không đạt chất lượng để tăng lợi nhuận.
Theo thống kê từ nhiều nguồn, dưới đây là 4 món bạn nên tránh gọi khi đi ăn lẩu nhất. Tất nhiên không phải ở đâu cũng là hàng giả, hàng kém chất lượng, nhưng bạn nên có sự cân nhắc và quan sát kỹ, tránh rước hoạ vào thân vì ham rẻ, ham ăn.
1. Viên thả lẩu các loại
Lẩu tok - loại lẩu cốt bánh gạo cay Hàn Quốc (tokbokki) với vô vàn các loại viên thả lẩu đang rất hot thời gian trở lại đây, có đủ vị như bò, mực, cua, tôm, phô mai, chả cá, mai cua… Nhưng gần như chúng được làm từ các loại thịt vụn, hoặc bột, trộn thêm phụ gia, tạo hình bắt mắt để làm hấp dẫn hơn. Hàm lượng tinh bột của những viên thả lẩu cũng rất cao, dễ có hại khi ăn quá nhiều.
Bên cạnh đó, một số quán còn nhập viên thả lẩu giá rẻ theo từng thùng, từng lô lớn, tất nhiên là không có nhãn mác, thậm chí còn không có bao bì… Vậy nên để tìm ra “dinh dưỡng” bên trong những viên thả lẩu gần như là mò kim đấy bể.
2. Thanh cua
Thanh cua không làm từ cua mà được làm từ thịt cá thì ai cũng biết rồi, người Nhật thậm chí còn thừa nhận chuyện này. Nhưng thanh cua từ cá phiên bản chất lượng cao có giá thành không quá rẻ, nên nếu hàng buffet lẩu bình dân cho gọi thanh cua thoải mái thì bạn phải cân nhắc. Tương tự như viên thả lẩu, thanh cua có thể làm từ bột rồi thêm phụ gia.
3. Hải sản
90% hải sản trong các quán buffet lẩu quy mô nhỏ, bình dân đều là hàng đông lạnh. Chưa bàn đến độ tươi ngon không còn thì “tuổi thọ” của hải sản đông lạnh cũng rất khó xác định, ngay cả chủ quán cũng… chưa chắc đã biết. Bạn có thể kiểm tra bằng mực, nhúng mực trong nước lẩu, nếu mực không dai, bở/ nhũn, đầu/ râu rụng thân… thì chứng tỏ đã bị ươn do để quá lâu.
Thực chất, hải sản bảo quản đông lạnh vẫn hoàn toàn có thể ăn được và giữ được độ dai, độ ngon, nhưng miễn là có cách trữ đông đúng và thời gian tiêu thụ trong khoảng cho phép (thường những hàng lẩu chuyên về hải sản sẽ có hải sản chất lượng tốt hơn hàng không chuyên).
4. Nước lẩu quá trong
Nước lẩu có nhiều cách chế, tuỳ thuộc vào công thức của quán, nhưng ở các quán bình dân, để tiết kiệm chi phí, đây sẽ là khâu được tối giản nhất. Thay vì ninh xương to, xương gà…, nước lẩu sẽ được pha từ nước sôi với gói gia vị/ sốt sẵn rồi hoà tan, thêm bột ngọt, hạt nêm và các loại gia vị chua - cay - mặn… Nước lẩu càng trong, tới mức nhìn được thấy đáy nồi thì càng có khả năng cao là được pha từ gia vị chứ không phải vị ngọt tự nhiên.
Nguồn: Tổng hợp