4 kỳ quan đặc biệt ai cũng tưởng là hư cấu mà hóa ra tồn tại thực sự

Vũ Huế, Theo Helino 08:10 23/07/2019

Những địa điểm tưởng chỉ tồn tại trong thế giới tiểu thuyết và thần thoại. Nhưng thần thoại hay viễn tưởng hầu hết đều dựa trên địa điểm có thực mà.

Mặc dù thế giới thần thoại là hư ảo, song dẫu sao nó cũng vẫn bắt nguồn cảm hứng từ những địa danh có thật.

Thế nên chính tại điểm giao thoa giữa thần thoại và hiện thực, bạn sẽ gặp những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, mỹ lệ tựa hồ bước ra truyền thuyết.

1. Shangri-la, Tây Tạng: Thiên đường trần gian

Năm 1933, nhà văn James Hilton (Anh) đã cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết mang tên Lost Horizon (Chân trời đã mất). Cuốn sách kể về một thiên đường giữa chốn nhân gian (Shangri-la) mang đậm màu sắc Phật giáo phương Đông.

Trong miêu tả của Hilton, thiên đường này nằm ở tận cùng phía tây của dãy Côn Lôn, là một vùng đất hoàn toàn biệt lập, hạnh phúc vĩnh cửu của văn hóa Tây Tạng. Người trong Shangri-la gần như là bất tử, vừa thọ hàng trăm năm lại vừa vẫn giữ được nét trẻ trung. Họ có già đi nhưng quá trình lão hóa diễn ra cực chậm.

4 kỳ quan đặc biệt ai cũng tưởng là hư cấu mà hóa ra tồn tại thực sự - Ảnh 1.

Shangri-la

Chẳng bao lâu sau khi được xuất bản, Lost Horizon còn được dựng thành phim và nhạc kịch. Cái tên Shangri-la trở thành nỗi hiếu kỳ. Ai nấy tò mò muốn biết vùng đất thần thánh này thực chất nằm ở đâu. Hilton không đưa ra câu trả lời, song phần đông mọi người vẫn đồng tình cho rằng Shangri-la chính là Hương Cách Lý Lạp của Vân Nam, Trung Quốc.

Tên phiên âm của Hương Cách Lý Lạp (香格里拉县) cũng là Shangri-la. Nó là một huyện tự trị của người Tây Tạng, có khí hậu lạnh, mùa hè cũng chỉ lên đến 19C là cùng, còn mùa đông thì xuống thấp hơn -10C. Không chỉ thế, trong và xung quanh Hương Cách Lý Lạp còn có nhiều đình chùa nổi tiếng, đẹp đẽ, rất phù hợp với những gì Hilton phác họa trong "Chân trời đã mất".

2. Đỉnh Olympus: Bàn tròn nghị luận của 12 vị thần Hy Lạp tối cao

Theo thần thoại Hy Lạp thì Olympus, ngọn núi quanh năm mây trắng vờn quanh là "nhà" của 12 vị thần. Họ sống trong các lâu đài bằng pha lê, tiến hành các cuộc đàm đạo quan trọng, liên quan đến sự tồn vong của nhân giới trên bàn mây trắng xóa.

4 kỳ quan đặc biệt ai cũng tưởng là hư cấu mà hóa ra tồn tại thực sự - Ảnh 3.

Nằm giữa biên giới Hy Lạp – Macedonia, đỉnh Olympus của hiện thực có tên thật là Mitikas. Nó thuộc về ngọn núi Olympus, có chiều cao đạt 2917m so với mặt nước biển, nổi danh là đỉnh núi cao nhất Châu Âu.

Trên thực tế thì ngoại trừ đỉnh Mitikas, núi Olympus vẫn còn các đỉnh cao khác, ví dụ như đỉnh Skolio (2912 m). Việc leo núi khá khó khăn vì độ dốc và sự nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu có đủ dũng khí và sự nỗ lực, bạn vẫn có thể lên tới vị trí các vị thần từng hội họp.

4 kỳ quan đặc biệt ai cũng tưởng là hư cấu mà hóa ra tồn tại thực sự - Ảnh 4.

Đỉnh Olympus ngoài đời thực

3. Thành Trojan (Troy: Vẫn còn tàn tích tại Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ)

Suốt dọc chiều dài của lịch sử nhân loại, trận chiến thành Troy là đề tài liên tục được nhắc đi nhắc lại. Nếu đã từng đọc "Odyssey" hay "Iliad", bạn chắc chắn cũng thấy tòa thành thiên về phòng thủ này quan trọng đến mức nào.

Theo thần thoại Hy Lạp, trận chiến thành Troy xoay quanh "quả táo vàng" của nữ thần bất hòa Eris, khiến Hoàng tử Paris và hoàng hậu Helen của vua Menelaus si mê nhau rồi bỏ về Troy và mọi thứ trở nên hỗn loạn.

4 kỳ quan đặc biệt ai cũng tưởng là hư cấu mà hóa ra tồn tại thực sự - Ảnh 5.

Nhưng khác với nguyên nhân lãng mạn trong thần thoại, trận chiến khiến thành Troy đời thực chìm trong bể huyết là vì lý do lợi nhuận. Nó nổ ra bởi tranh chấp về thông thương và tiền bạc.

Thành Troy được xây dựng trong khoảng 3000-2600 TCN đích thực là một thành phòng thủ. Toàn bộ thành được bao bọc bởi tường cao trên 5m, hiện vẫn còn tàn tích tại Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ.

4. Giant's Causeway, Ireland: Đê đá lục giác lấn biển

Chuyện xưa kể rằng, ở Ireland có một chiến binh cực kỳ mạnh mẽ, thiện chiến. Tên của ông là Finn McCool. 

McCool rất khoái chiến đấu nên trên lục địa sớm không còn đối thủ. Nghe đồn bên kia bờ biển, ở quốc gia Scotland đối diện cũng có một chiến binh to khỏe hơn người là Benandonner, McCool nóng lòng muốn thử sức.

Vì bị biển cả cách ngăn nên McCool không thể nào nhìn thấy Benandonner. Ông bèn gào rú khiêu chiến, hy vọng Benandonner cũng nghe thấy được.

Benandonner nghe thấy thật, nhưng đáp lại bằng lời lẽ chẳng lịch thiệp gì. McCool cáu tiết bê đá xuống biển, tự đắp đê để vượt sóng nước, quyết tâm chạy sang "dạy dỗ" đối thủ khiếm nhã bên kia bờ.

Hăm hở là thế nhưng khi vừa thấy bóng Benandonner trên đất Scotland, McCool đã rụng rời hết tứ chi. Benandonner không phải to lớn mà là siêu khổng lồ. Lão cũng đang điên cuồng quét đôi mắt giận dữ muốn tóe lửa để tìm kiếm kẻ dám lớn tiếng đòi bảo ban mình.

4 kỳ quan đặc biệt ai cũng tưởng là hư cấu mà hóa ra tồn tại thực sự - Ảnh 7.

McCool âm thầm rút lui. Nhưng xui cho ông là Benandonner lại "tia" trúng. Lão lập tức lao ra đuổi theo. McCool chạy trối chết, không quên phá đê đá mới đắp để ngăn chân Benandonner. Song Benandonner vẫn thành công "săn" McCool đến tận quê nhà. May nhờ có vợ McCool nhanh trí hóa trang cho ông thành đứa trẻ, Benandonner mới e ngại cha của "đứa bé" ấy chắc còn "khủng" hơn cả mình mà thôi truy sát, quay lại Scotland.

Đến Ireland ngày nay, bạn sẽ vẫn thấy con đê McCool đắp để vượt biển, nằm ở hạt Altrim. Có điều trong thế giới hiện thực, Giant's Causeway (Đê của người khổng lồ) có từ 50-60 triệu năm trước. Nó bao gồm 40.000 trụ đá màu đen, hình lục giác, là một kỳ quan tuyệt sắc, thu hút nhiều du khách ghé thăm nhất Ireland.

Tham khảo Mnn