Trong quá trình trưởng thành của trẻ, những kỹ năng mềm đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển cá nhân. Chúng sẽ giúp trẻ trở nên tự tin, giao tiếp tốt, có bản lĩnh và trở thành người có trách nhiệm với gia đình, xã hội. Do đó, cha mẹ nên rèn luyện cho trẻ những kỹ năng sau ngay từ khi còn nhỏ.
1. Đọc sách để nâng cao hiểu biết
Theo con số thống kê của Tổ chức NOP World Culture Score, mỗi tuần người Ấn Độ đọc sách 10,7 giờ; Thái Lan 9,4 giờ; Trung Quốc 8 giờ; Nga 7,1 giờ; Mỹ 5,7 giờ; Nhật Bản 4,1 giờ; Hàn Quốc 3,1 giờ. Đọc sách mang lại rất nhiều lợi ích mà cha mẹ cần biết để sớm hình thành thói quen tốt này cho con.
Ngay từ khi con còn nhỏ, hãy hình thành cho con thói quen đọc sách. (Ảnh minh họa)
Khi trẻ đọc những cuốn sách bổ ích sẽ mở rộng tầm nhìn, nâng cao kiến thức, tăng cường khả năng khám phá thế giới bên ngoài. Chỉ với một cuốn sách, chúng ta hoàn toàn có thể "biết tuốt" từ lịch sử, văn hóa, phong tục các nước trên thế giới đến khoa học công nghệ, kỹ thuật mà chẳng cần phải bước chân ra khỏi nhà. Vì thế, rèn luyện cho trẻ thói quen, niềm yêu thích đọc sách ngay từ khi còn nhỏ sẽ đem lại nhiều lợi ích cho trẻ đến suốt đời.
Cha mẹ hãy hình thành thói quen tốt này cho con bằng việc trở thành tấm gương sáng để con noi theo. Hãy chăm chỉ đọc sách mỗi ngày để kích thích sự tò mò và truyền cảm hứng yêu sách cho con. Bên cạnh đó, trước khi đi ngủ, cha mẹ nên cùng con đọc vài trang sách hay thảo luận những tình tiết câu chuyện trong bữa cơm.
Đặc biệt, hãy cùng con tạo một kệ sách đẹp, đặt ở nơi trang trọng và cho phép con bổ sung những cuốn sách mới hàng tuần, hàng tháng. Có sách đúng chủ đề yêu thích sẽ khiến trẻ thích đọc hơn mỗi ngày.
2. Khi đối mặt với thất bại không ngại bắt đầu lại từ đầu
Đừng tìm lý do thất bại, hãy tìm cách để thành công. Không thể để một đứa trẻ sống mà không trải qua khó khăn, thử thách hay chưa từng vấp ngã. Trong quá trình lớn lên của trẻ, cha mẹ nên cho trẻ cơ hội làm việc nhà, đỡ đần một số công việc, tập thể dục thể thao. Đây là cách giúp trẻ trưởng thành hơn, trở nên dũng cảm, giàu ý chí nghị lực và nâng cao khả năng chịu thất bại. Với sự chuẩn bị như vậy, đứa trẻ sẽ đỡ chông chênh, vất vả trên đường đời mai sau.
Cha mẹ hãy nói với con rằng: "Khi con gặp thất bại, hãy đứng lên và đối mặt. Hãy là một người lạc quan, không bao giờ nhượng bộ hay lùi bước. Con cũng không nên than phiền, trách móc mà cần dũng cảm vượt qua mọi thử thách của cuộc sống".
Trong cuộc đời khó tránh khỏi những vấp ngã, thất bại, cha mẹ nên dạy con cách đối mặt và vượt qua nó. (Ảnh minh họa)
3. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân
Khi trẻ đi học tại các trường mầm non, tiểu học sẽ phải tập làm quen với nhiều bạn mới và không có cha mẹ bên cạnh. Vì thế, các bậc phụ huynh cần sớm dạy trẻ kỹ năng chăm sóc bản thân từ những việc nhỏ nhất. Chẳng hạn như hãy rèn luyện để con có thể tự ăn cơm, tự rửa chén bát, biết mặc quần áo và vệ sinh thân thể, biết dọn dẹp đồ chơi,… Nếu ban đầu con chưa làm được, cha mẹ nên khuyến khích, động viên và khen ngợi để trẻ cố gắng hơn.
Khi nắm được kỹ năng chăm sóc cho bản thân, trẻ sẽ hình thành được tính tự giác, kỷ luật và có trách nhiệm trước mọi việc. Như vậy, trẻ mới có cơ hội thành công trong học tập cũng như trong công việc sau này.
Ảnh minh họa.
4. Kỹ năng lập kế hoạch và quản lý thời gian
Ngay khi con còn nhỏ, cha mẹ nên dạy con cách lập kế hoạch và quản lý thời gian. Cha mẹ có thể hướng dẫn con tự sắp xếp thời gian biểu của bản thân như cách tự đặt đồng hồ báo thức để dậy sớm đi học và tự giác làm bài tập về nhà trong một khung giờ nhất định mỗi ngày. Sau khi trưởng thành, trẻ sẽ biết cách lập kế hoạch và quản lý thời gian sao cho hiệu quả, hợp lý.