4 giai đoạn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ: Nếu cha mẹ chú trọng, con sẽ thông minh vượt bậc

Ứng Hà Chi, Theo Phụ nữ Việt Nam 16:10 21/12/2022

Đây là những giai đoạn "vàng" phát triển ngôn ngữ cho trẻ mà cha mẹ nhất định phải lưu ý.

Kỹ năng ngôn ngữ thực sự đóng vai trò to lớn trong trí thông minh của trẻ. Nếu trẻ có vốn từ vựng phong phú, cha mẹ nên khuyến khích trẻ đọc thêm sách và cùng trò chuyện nhiều hơn. Việc sử dụng ngôn ngữ sớm và thành thạo là đặc điểm điển hình ở những đứa trẻ có tài năng, có khả năng lãnh đạo, diễn thuyết trước đám đông.

Vì thế, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần chú ý trau dồi vốn ngôn từ qua 4 giai đoạn đặc biệt quan trọng sau đây.

Trước 1 tuổi: Giai đoạn tiền ngôn ngữ

Giai đoạn tiền ngôn ngữ là giai đoạn chuẩn bị cho lời nói được phát ra, trước khi trẻ làm chủ được ngôn ngữ. Trong giai đoạn này, nhiều cha mẹ nghĩ rằng trẻ không hiểu gì bởi còn quá nhỏ nên không trò chuyện nhiều với trẻ. Đây là suy nghĩ cực kỳ sai lầm. Trước 1 tuổi là giai đoạn tuyệt vời để trẻ tích lũy tư liệu ngôn ngữ.

4 giai đoạn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ: Nếu cha mẹ chú trọng, con sẽ thông minh vượt bậc - Ảnh 1.

Trước 1 tuổi, cha mẹ nên giao tiếp nhiều với trẻ qua các chủ đề đơn giản. (Ảnh minh họa)

Trước 1 tuổi, cha mẹ cần liên tục tạo ra những chủ đề đơn giản để giao tiếp với trẻ. Trên thực tế, cha mẹ chỉ cần mỉm cười, thủ thỉ trò chuyện hoặc có bất kỳ cử động cơ thể nào để giao tiếp với trẻ. Bằng cách này, mặc dù trẻ chưa thể nói nhưng chức năng ngôn ngữ sẽ bắt đầu phát triển. Trẻ sẽ cố gắng bập bẹ phát ra âm thanh để giao tiếp với mọi người.

Trong quá trình giao tiếp với trẻ, cha mẹ cần giữ giọng điệu điềm tĩnh, dễ chịu, vui vẻ, thường xuyên nhìn vào mắt trẻ để bày tỏ sự quan tâm. Như vậy mới kích thích trẻ phát triển ngôn ngữ, sớm có thể giao tiếp với mọi người.

Từ 1 - 1,5 tuổi: Giai đoạn phát âm từ đơn

Trẻ mất gần 1 năm để đi từ quá trình chỉ biết khóc đến bày tỏ nhu cầu bản thân thông qua việc phát âm những từ đơn. Sau khi trẻ thực sự bắt đầu biết nói, trẻ cần tiếp tục tích lũy vốn từ. Đến khoảng 1,5 tuổi, trẻ vẫn tiếp tục dùng một vài từ đơn giản để diễn đạt một câu, thậm chí là diễn đạt trọn vẹn nội dung muốn nói.

Trong giai đoạn này, cha mẹ cần đơn giản hóa ngôn ngữ và dạy trẻ thêm nhiều khái niệm dễ hiểu để trẻ có thể tiếp thu. Điều này giúp trẻ tích lũy thêm cho mình vốn từ vựng và nâng cao khả năng tư duy thông qua việc quan sát, khám phá, lắng nghe. Hãy cùng trẻ giao tiếp thật nhiều về các chủ đề xung quanh cuộc sống để trẻ thiết lập ý thức về ngôn từ, qua đó có sự phát triển ngôn ngữ nhanh chóng.

Từ 1,5 - 2 tuổi: Giai đoạn phát triển câu đơn

Trẻ từ 1,5 - 2 tuổi nếu đã tích lũy được các khái niệm ngôn từ phong phú ở các giai đoạn trước thì đến giai đoạn này, trẻ có thể nói được những câu đơn giản từ 2-3 từ trở lên.

Thời gian đầu, các câu nói có thể không tuân theo ngữ pháp. Để biểu đạt cảm xúc, mong muốn của mình, trẻ chỉ có thể nhấn mạnh vào các danh từ, động từ. Vì thế, trong giai đoạn này, khi giao tiếp với con, cha mẹ cần gọi đích danh tên bởi trẻ chưa nắm vững các ngôi xưng. Ngoài ra, cha mẹ cần giúp con phát triển ngôn ngữ qua các hình thức như: Dành nhiều thời gian trò chuyện, đọc sách cho trẻ nghe, dạy trẻ các bài hát đồng dao…

Giai đoạn trẻ từ 1,5 - 2 tuổi, nhiều cha mẹ lầm tưởng trẻ có thể hiểu nội dung phim hoạt hình nên cho con xem tivi cả ngày. Tuy nhiên, điều này không mang lại lợi ích cho quá trình phát triển ngôn ngữ, chỉ khiến thị giác của trẻ bị suy giảm.

4 giai đoạn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ: Nếu cha mẹ chú trọng, con sẽ thông minh vượt bậc - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Từ 2 - 5 tuổi: Giai đoạn học ngôn ngữ mầm non

Trong giai đoạn từ 2 - 5 tuổi, trẻ dần dần học được nhiều câu phức tạp. Lúc này, trẻ đã phát triển thuần thục các kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, đồng thời tích lũy sự tự tin, dạn dĩ. Vì vậy, cha mẹ cần tạo cho trẻ môi trường ngôn ngữ phong phú và đa dạng để trẻ có nhiều cơ hội thực hành.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ cách sử dụng ngôn ngữ để đạt được mục đích, mong muốn của bản thân. Chẳng hạn như hãy thảo luận với trẻ về những trò chơi, việc làm mà trẻ thực hiện trong một ngày bằng "ngôn ngữ người lớn". Trẻ sẽ rất háo hức, hứng khởi chia sẻ những câu chuyện thường ngày cho cha mẹ. Đây chính là cách gián tiếp giúp trẻ trau dồi ngôn từ, nâng cao khả năng giao tiếp.

Quá trình giúp trẻ phát triển ngôn ngữ đòi hỏi kiến thức, kỹ năng cùng sự kiên trì. Ngoài ra, cha mẹ càng tạo cho trẻ môi trường phù hợp, phong phú thì trẻ càng tiếp thu ngôn ngữ nhanh chóng và tạo cho bản thân sự tự tin.