TP.HCM là thành phố không bao giờ ngủ, nơi tốc độ phát triển luôn khiến người ta choáng ngợp. Các công trình mới mọc lên, những điểm check-in hiện đại liên tục ra đời. Nhưng đâu đó, trong lòng nhiều người dân nơi đây, vẫn âm ỉ một nỗi tiếc nuối dành cho những nơi từng là thanh xuân, là kỷ niệm, là thời tuổi trẻ hồn nhiên nhất.
Dưới đây chính là 4 địa điểm đã từng rất đỗi quen thuộc với giới trẻ TP.HCM một thời. Ngày nay, dù chúng đã lặng lẽ rời khỏi bản đồ thành phố, nhưng vẫn sống mãi trong ký ức của bao người.
Với thế hệ 8x, 9x đời đầu, nhắc đến mùa hè là nghĩ ngay đến Công viên nước Sài Gòn (Saigon Water Park) - nơi từng "làm mưa làm gió" suốt những năm cuối 90 đầu 2000. Đây là công viên nước đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam vào ngày 13/12/1997. Nằm bên bờ sông cách trung tâm khoảng 10km, giữa vùng đất Thủ Đức còn nhiều cây cối khi xưa, công viên là thế giới tuổi thơ thu nhỏ với dòng sông lười, ống trượt uốn lượn, máng nước cao ngất, tiếng reo hò vang vọng suốt cả buổi chiều... Không chỉ thế, Saigon Water Park còn có các bể bơi, sân khấu ca nhạc phục vụ khách tham quan.
Khung cảnh đông nghịt ở Công viên nước Sài Gòn một thời (Ảnh: Made in Sài Gòn)
Thời điểm mới mở cửa, tấm vé vào cổng công viên nước Sài Gòn có giá khoảng 35.000 đồng - một con số không hề nhỏ so với mặt bằng chung lúc bấy giờ. Đến năm 2007, mức giá tăng lên 60.000 đồng cho người lớn và 50.000 đồng với trẻ em cao dưới 1,1m. Dù vậy, với danh xưng là công viên nước đầu tiên của Việt Nam, nơi đây nhanh chóng trở thành "giấc mơ hè" của nhiều gia đình, đặc biệt là với đám học trò suốt ngày mong chờ kỳ nghỉ để được trượt nước, tung tăng dưới làn sóng mát.
Trượt ống xoắn tại Saigon Water Park (Ảnh: Wikipedia)
Biển nhân tạo Saigon Water Park (Ảnh: Wikipedia)
Ấy thế mà đến năm 2006, công viên bất ngờ ngừng hoạt động. Không thông báo rầm rộ, không buổi chia tay chính thức, chỉ lặng lẽ đóng cửa giữa sự ngỡ ngàng của biết bao người. Sau đó, người ta mới biết khu đất ấy được quy hoạch lại cho một dự án bất động sản. Từ đó đến nay, nơi từng đầy ắp tiếng cười ấy trở thành kỷ niệm khó quên trong ký ức mà mỗi lần nhắc lại, ai cũng không khỏi thấy tiếc cho một "tọa độ tuổi thơ" đã đi vào dĩ vãng.
Được xây dựng vào năm 1880 và khánh thành năm 1924, thương xá Tax từng là "thiên đường" mua sắm, giải trí của người dân ở TP.HCM suốt hơn một thế kỷ. Thương xá có diện tích 9.200 m2, nằm ngay trung tâm Quận 1, tiếp giáp với 3 đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur. Từ cái tên Grands Magasins Charner thời Pháp thuộc đến Thương xá Tax sau năm 1975, nơi đây là biểu tượng cho sự nhộn nhịp và hiện đại bậc nhất của thành phố.
Thương xá TAX về đêm trong những ngày áp Tết Canh Dần năm 2010 (Ảnh: Wikipedia)
Thương xá Tax nhộn nhịp những ngày thường
Điều khiến người ta nhớ nhất có lẽ là chiếc cầu thang xoắn lát gạch mosaic rực rỡ sắc màu, mỗi bước chân đều như in lại một phần thanh xuân. Những gian hàng bán hàng nhập khẩu, đèn vàng hắt sáng dịu nhẹ, mùi cà phê thoảng nhẹ từ góc quán tầng trệt... tất cả là những mảnh ghép ký ức khó thể tìm lại ở một nơi nào khác.
Đến 17h ngày 25/9/2014, sau bao lần bàn luận, thương xá chính thức đóng cửa để xây dựng tòa nhà mới mang tên Satra Tax Plaza cao 40 tầng. Một biểu tượng đã khép lại nhưng cũng đã trở thành một phần rất đẹp trong trái tim người dân thành phố.
Bên trong thương xá Tax (Ảnh: Wikipedia)
Trước khi rạp CGV hay Galaxy trở thành thói quen của giới trẻ, thì với người dân ở TP.HCM những năm 60-80, Đại Đồng là "thiên đường điện ảnh".
Năm 1954, ông Nguyễn Thiên - một người kinh doanh giày dép nhưng mang trong mình tâm hồn nghệ sĩ - đã sáng lập nên chuỗi rạp chiếu phim mang tên Đại Đồng. Khi ấy, rạp nằm khiêm tốn ở quận Bình Thạnh, không hoành tráng, cũng chẳng chuyên chiếu phim mới nhưng vẫn trở thành điểm hẹn quen thuộc của nhiều người yêu điện ảnh. Với người dân TP.HCM thuở ấy, nói đến chuyện đi xem phim, cái tên Đại Đồng gần như là điều đầu tiên bật ra trong trí nhớ.
Nơi từng là "huyền thoại" một thời
Với nhiều gia đình, được dẫn con đi xem phim tại Đại Đồng là niềm vui rất lớn. Với thanh niên, từng nhóm ngồi phía ngoài "nghe ké" tiếng phim vọng ra cũng đủ vui cả buổi tối. Có người còn kể lại chuyện... trốn vé và bị bắt, nhưng ông chủ không hề la mắng mà mời vào xem hẳn hoi.
Ngày nay, cái tên ấy vẫn còn, nhưng ánh đèn sân khấu thì đã mờ dần. Rạp Đại Đồng giờ chỉ còn là nơi tập luyện của sân khấu kịch Sài Gòn. Không còn cảnh người ra người vào, không còn tiếng cười hay hồi hộp trong bóng tối rạp chiếup Rạo Đại Đồng giờ đây chỉ còn lại sự im lặng của những bức tường cũ, mùi ẩm mốc và bóng dáng hoài niệm.
Giờ chỉ còn lại ký ức
Hồ Kỳ Hòa từng là cái tên nằm trong "top 3 địa điểm giải trí" của TP.HCM, bên cạnh Đầm Sen và Thảo Cầm Viên. Nhưng nếu Đầm Sen là thế giới cổ tích, Thảo Cầm Viên là thiên nhiên xanh mát, thì Hồ Kỳ Hòa là tuổi thơ bụi bặm, náo nhiệt và "đậm chất khu phố". Với chiếc vòng đu quay lớn - biểu tượng của công viên - nơi đây thu hút đông đảo người dân đến tham quan và vui chơi.
Giờ đây, địa điểm ấy đã bị thay thế bởi các công trình mới, chẳng còn dấu tích nào của chiếc đu quay huyền thoại. Nhưng với ai đã từng có tuổi thơ ở đó, Hồ Kỳ Hòa vẫn luôn là cái tên gợi nhớ về những chiều rong chơi, những mùa hè không lo âu, chỉ có tiếng cười và ánh hoàng hôn.
Công viên Hồ Kỳ Hoà một thời