Chúng ta lao đầu vào những sản phẩm giảm cân với hi vọng giảm cân nhanh. Cứ sản phẩm nào được quảng cáo giảm cân càng nhanh, chị em lại càng thích thú muốn mua dùng. Thế nhưng, có một sự thật là bất cứ cách giảm cân nào, nếu giảm cân quá nhanh đều có những tác dụng phụ đi kèm.
Các sản phẩm thuốc giảm cân, trà giảm cân hay kẹo giảm cân cũng vậy. Chúng có thể được bổ sung thêm chất cấm giúp giảm cân nhanh làm chị em thích thú, song đi kèm là loạt nguy hại sức khỏe. Trong các sản phẩm giảm cân bị cơ quan chức năng thu hồi trong thời gian qua thường có chứa những chất cấm sau:
1. Sibutramine
Thời gian qua, Sibutramine được phát hiện có sử dụng trong các sản phẩm giảm cân 365 SKINNY High Intensity, MONE Macha Cocoa, trà thảo mộc Vy&Tea, trà giảm cân Hoa Sâm Đất, thuốc tăng, giảm cân Đông y Tiến Hạnh, trà giảm cân mang nhãn hiệu Cường Anh... khiến người tiêu dùng không khỏi kinh hãi.
Vào năm 2010, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo không nên tiếp tục kê đơn và sử dụng sản phẩm có chứa Sibutramine vì có thể gây ra những rủi ro cho sức khỏe tim mạch. Khuyến cáo của FDA dựa trên dữ liệu từ thử nghiệm sibutramine về kết quả sức khỏe tim mạch (SCOUT), cho thấy nguy cơ mắc các biến cố tim mạch lớn tăng 16% (bao gồm đau tim , đột quỵ, tử vong do liên quan vấn đề tim mạch).
Theo Nih, Sibutramine là một loại thuốc chống béo phì kết hợp với điều chỉnh lối sống làm giảm lượng thức ăn và trọng lượng cơ thể. Điều này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như ức chế tái hấp thu chất dẫn truyền thần kinh trong hệ thần kinh trung ương, từ đó ngăn chặn sự thèm ăn, tăng cảm giác chán ăn, tiêu thụ năng lượng nhanh mạnh hơn. Tuy nhiên, Webmd nhận định, chất này còn gây ra các tác dụng phụ đáng sợ như đau đầu, đau lưng, dị ứng, cảm cúm, suy nhược, đau bụng, đau ngực, đau nhức cổ vai gáy.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia), Sibutramine là một hợp chất được sử dụng để giảm sự thèm ăn nhưng sau khi xuất hiện những trường hợp tử vong do tim mạch có liên quan, chất này đã bị cấm sử dụng từ tháng 10/2010. Chất này đặc biệt nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch hay huyết áp, làm gia tăng trung bình huyết áp tâm thu và tâm trương khoảng 1-3 mmHg, nhịp tim tăng khoảng 4-5 nhịp mỗi phút, có thể gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và nguy hiểm hơn là có thể gây ngừng tim, đột quỵ.
2. Phenolphthalein
Phenolphthalein là một chất cấm tiếp có trong nhiều sản phẩm giảm cân và được giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo. Một số sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm Phenolphthalein bị phanh phui trong thời gian qua là trà thảo mộc Vy&Tea.
Theo FDA, Phenolphtalein là chất chỉ thị màu, thường dùng để đo độ pH. Phenolphtalein từng được sử dụng trong hơn một thế kỷ như thuốc nhuận tràng , nhưng hiện nay đã bị gỡ bỏ khỏi danh mục thuốc nhuận tràng vì những lo ngại về khả năng gây ung thư.
3. Dexamethasone
Dexamethasone được Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) phát hiện có trong trà giảm cân Cường Anh. Theo Nih, đây là một loại thuốc kháng viêm corticoid với khả năng mạnh nhất, đồng thời có tác dụng phụ nhiều nhất mà dân gian hay gọi là thuốc hạt dưa.
Đây là loại thuốc được một số người chăn nuôi dùng để tăng trọng cho lợn nhờ tính chất giữ muối và nước, kích thích ăn uống. Khi sử dụng sang cho con người dễ gặp một loạt các tác dụng phụ như viêm loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết dạ dày, trong tình trạng xuất huyết nặng có thể dẫn tới tử vong.
Ngoài ra thuốc còn vô số tác dụng phụ nguy hiểm khác như loãng xương, tăng huyết áp, tạo huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu, gây tích tụ mỡ ở mặt, lưng, làm mỏng da, teo cơ, giảm sức đề kháng của cơ thể...
4. Clenbuterol
HLV Mai Chi (HLV được cấp bằng NCSF Hoa Kỳ) từng chia sẻ, học viên của cô từng được huấn luyện viên trước đó kê cho một loại thuốc để hỗ trợ giảm mỡ tăng cơ nhưng nhìn hình ảnh, cô xác nhận ngay đó là Clenbuterol.
Theo HLV Mai Chi, Clenbuterol là một loại thuốc bị cấm trong hành trình giảm mỡ, giảm cân. Trích nguyên văn từ trang web chính phủ: "Thuốc được sử dụng như một chất giãn phế quản trong điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị hen và sử dụng ở bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Do tác dụng đi kèm của Clenbuterol lên người là tăng cường trao đổi chất và khả năng sử dụng chất béo của cơ thể nên một số vận động viên và huấn luyện viên sử dụng chúng để làm quá trình giảm mỡ diễn ra nhanh chóng hơn bất chấp các nguy cơ đi kèm. Rõ ràng, không có huấn luyện viên nào có quyền kê thuốc cho học viên sử dụng, chưa kể những loại thuốc được dán nhãn mập mờ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế, Clenbuterol là thuốc kê đơn, sử dụng cần phải có chỉ định của bác sĩ và bệnh nhân phải tuân thủ theo hướng dẫn về liều lượng, thời gian điều trị của bác sĩ. Nếu tuân thủ liều lượng và thời gian điều trị theo chỉ định của thầy thuốc thì sẽ đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho bệnh nhân.
Còn trong ngành thú y, tại Quyết định số 54/2002/QĐ-BNN ngày 20/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quy định cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng Clenbuterol trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Tóm lại
Giảm cân an toàn, chuẩn khoa học là cả một hành trình thay đổi lối sống, bao gồm thói quen ăn uống và vận động, không phải chuyện đơn giản trong ngày một ngày hai. Sử dụng các sản phẩm giảm cân có chất cấm có thể khiến bạn giảm cân siêu nhanh nhưng nguy hại sức khỏe cũng vô cùng khôn lường.
Do đó, không tự ý sử dụng các sản phẩm giảm cân mà nên tham khảo thêm ý kiến chuyên gia. Tuyệt đối không dùng những sản phẩm giảm cân trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ ngoài thị trường, tránh hậu quả không đáng có.