Thế giới hiện tại rất khó khăn đối với những người trẻ đang cố gắng tiết kiệm tiền. Giá thực phẩm và tiền thuê nhà liên tục tăng, và ngay cả những người thuộc thế hệ Z khá ổn định về mặt tài chính cũng có thể cảm thấy tuyệt vọng và tệ hơn thực tế, do "rối loạn tiền bạc".
Nhiều người "chỉ đang cố gắng giữ cho đầu mình không chìm xuống nước", Kate Norris, một nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận tại Sun Life, chia sẻ với Business Insider.
"Đôi khi vào cuối tháng, bạn đã thanh toán hết các hóa đơn, tiền tạp hóa và không còn nhiều tiền nữa", cô nói. "Thật khó khăn, tôi hiểu mà".
Cô Norris cho biết tình trạng thiếu hiểu biết về tài chính đang lan rộng ở tất cả các thế hệ, không chỉ riêng thế hệ Z.
Khi nói đến việc những người trẻ tuổi tìm hiểu về tương lai của mình, cô có bốn lời khuyên chính sau.
1. Trả tiền cho bản thân trước
Cô Norris cho biết lời khuyên đầu tiên của cô là thiết lập thanh toán tự động vào tài khoản tiết kiệm vào đầu mỗi tháng.
"Khi đã hết tiền trong tài khoản, bạn sẽ ít bị cám dỗ chi tiêu số tiền thặng dư đó hơn. Đừng suy nghĩ quá nhiều, chỉ cần kiếm tiền ở đâu đó. Bạn có thể cần đến nó trong trường hợp khẩn cấp sớm hay muộn", Cô Norris cho hay.
Với việc tự động chuyển một phần lương vào tài khoản tiết kiệm ngay khi nhận lương, cô Norris cho rằng điều này có thể giúp giảm nguy cơ chi tiêu tùy hứng và đảm bảo việc tiết kiệm đều đặn.
2. Theo dõi ngân sách của bạn
Theo Norris, mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể không theo dõi được dòng tiền vào và ra khỏi tài khoản của họ, đó là lý do tại sao việc lập ngân sách là điều cần thiết.
"Bạn có 500 USD đi mua hàng nhưng lại tiêu đến 800 USD. Như vậy bạn chẳng thể lập kế hoạch tài chính nào nếu không biết rõ mình còn bao nhiêu tiền", cô Norris cho hay.
Vị chuyên gia tư vấn này cho biết nhiều ngân hàng có các dịch vụ giúp bạn lập ngân sách và phân loại chi phí của bạn, điều này có thể giúp bạn cảm thấy kiểm soát được nhiều hơn.
"Hãy dành thời gian để xem xét các khoản chi tiêu trong 3 đến 6 tháng và tự hỏi tiền đã đi về đâu? Mình đã chi tiêu những gì. Một khi bạn đã tạo được thói quen đó ngay từ đầu thì mọi chuyện sẽ dần suôn sẻ", cô Norris cho biết.
3. Đánh giá toàn diện các khoản nợ
Chuyên gia Norris cho rằng mọi người nên nhận thức rõ về nợ tiêu dùng thay vì chỉ coi đó là một con số không liên quan.
Ví dụ, mọi người đang chìm trong nợ mua ô tô mà không nhận ra họ phải trả bao nhiêu tiền lãi theo thời gian.
Mọi người không nên chỉ nhìn vào nghĩa vụ thanh toán hàng tháng mà cần tính toán lãi suất và tổng chi phí vay để đưa ra quyết định vay hay trả nợ sớm.
"Không chỉ nhìn vào khoản lãi vay thanh toán hàng tháng mà bạn cần hỏi khoản nợ đó là gì? Khoản nợ đó có ý nghĩa gì đối với giá trị tài sản ròng của bạn?", Norris cho hay.
Việc đánh giá khoản nợ trông như thế nào theo thời gian đối với tình hình dài hạn của bạn, thay vì nghĩ về các khoản thanh toán hàng tháng riêng lẻ sẽ giúp mọi người tiết chế hơn trong việc vay nợ chi tiêu.
4. Bắt đầu từ những khoản nhỏ
"Không ai có thể nhìn thấy tương lai nên chúng ta thường tự thỏa mãn với những gì mình có. Đây là lý do mọi người vay nợ tiêu dùng quá nhiều và lâm vào cảnh nợ nần", cô Norris nói.
Thay vì vay nợ, mọi người có thể thực hiện những bước tiết kiệm kể cả con số rất nhỏ, qua đó chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng lên hàng tháng.
Cô Kate Norris
"Phép màu của lãi kép và tăng trưởng kép cho thấy nếu bạn chỉ để dành 100 USD ngày hôm nay thì đó có thể biến thành số tiền rất lớn khi nghỉ hưu. Điều này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc bạn bắt đầu muộn sau 20 năm nữa dù tiết kiệm được 1.000 USD mỗi tháng", cô Norris khuyến nghị.
Cũng theo Norris, nếu thực hiện những thay đổi nhỏ này thì bạn có thể chi tiêu phần tiền lương còn lại của mình "mà không cảm thấy tội lỗi".
"Tôi nghĩ rằng rất nhiều người đang cảm thấy hơi tuyệt vọng với thế giới, lãi suất và nền kinh tế. Nhưng ông bà chúng ta đã trải qua điều này, và đó là một chu kỳ, vì vậy hãy tiếp tục tiến về phía trước", Norris cổ vũ.
*Nguồn: BI