Anh Quân sinh năm 1979, năm nay đã 44 tuổi. Sau 40 tuổi cảm giác “thất bại” trong anh càng rõ ràng hơn.
Cuộc sống và sự nghiệp của anh có thể được khái quát thành các giai đoạn như sau: Đầu tiên là đi làm, sau đó khởi nghiệp, tiếp theo là khởi nghiệp thất bại, cuối cùng vẫn tiếp tục tìm việc làm.
Trước năm 35 tuổi, anh Quân làm quản lý dự án trong một công ty phần mềm, thời gian đó công việc của anh rất suôn sẻ.
Những thuận lợi và kinh nghiệm đó khiến anh ấy cảm thấy đủ tự tin, năm 38 tuổi anh từ chức, bắt đầu khởi nghiệp. Nhưng đây dường như là bước ngoặt trong sự nghiệp của anh.
Khởi nghiệp lần thứ nhất, anh cùng vài người bạn làm lập trình viên phát triển một ứng dụng.
Vì giai đoạn đầu không đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng nên sau khi ra mắt ứng dụng hầu như chẳng ai dùng, sau đó bạn bè cũng lần lượt rời khỏi công ty.
Khởi nghiệp lần thứ 2, vẫn là phát triển ứng dụng, ứng dụng này là một ứng dụng dịch vụ.
Sau khi đầu tư rất nhiều chi phí để cho ra mắt ứng dụng thì anh mới phát hiện rất ít người có nhu cầu sử dụng dịch vụ này.
Doanh thu thấp hơn nhiều so với dự kiến, chi phí vận hành lại cao, công ty nhỏ căn bản không thể huy động được nhiều tiền như thế, cuối cùng dự án này cũng không đi đến đâu. Khoản tiền tiết kiệm sau bao năm làm việc của anh tan biến trong chốc lát mà chẳng thu được thành quả gì.
Hai dự án lần lượt thất bại, anh Quân không còn mơ mộng nữa, chuẩn bị tìm việc kiếm tiền nuôi gia đình.
Nhưng 4 năm không đi làm, nay lại tìm việc, anh cảm thấy có chút bất lực.
Công ty nhỏ tiền lương nhiều lắm cũng chỉ 200 triệu đồng một năm. Mà trước kia khi đi làm, lương của anh đã là gần 1 tỷ đồng một năm. Chênh lệch lớn như vậy, không một ai sẵn sàng chấp nhận.
Các công ty lớn thì ngay cả cơ hội phỏng vấn còn không có, ngoài kia đầy rẫy những quản lý dự án tuổi trẻ tài cao, người ta cớ gì phải thuê một người trung niên 7X.
Tìm việc 2 tháng chẳng thấy kết quả khả quan, điều này càng khiến anh Quân cảm thấy thất bại.
Nếu 8X luôn than phiền rằng áp lực cuộc sống quá lớn, phải chăm sóc người già trẻ nhỏ trong nhà, 9X than thở bản thân chưa kịp cố gắng đã gặp khó khăn thì 7X cũng đau đầu tìm cách chứng minh sự tồn tại của mình.
Thực ra, trong môi trường công sở, gặp nhiều khó khăn nhất không phải thế hệ 8X hay 9X mà là thế hệ 7X.
Sau 40 tuổi, dù bạn ở tầng lớp nào, thu nhập, địa vị ra sao, bạn đều sẽ cảm thấy buồn rầu và mơ hồ.
Tuổi tác càng lớn thì cơ hội thay đổi cuộc sống càng nhỏ.
Trạng thái bất lực, không cam tâm nhưng buộc phải chấp nhận hiện thực này thường được gọi là: “Khủng hoảng tuổi trung niên”.
Vậy làm sao để sống thoải mái trong giai đoạn này. Trọng tâm nằm ở 6 chữ: “Giảm mong cầu, bớt kỳ vọng”.
“Thế giới này chẳng gì quan trọng hơn sức khỏe, sống thật tốt mới là thành công lớn nhất trong đời”.
Người trẻ tuổi theo đuổi công danh sự nghiệp, niềm vui với họ rất có hạn.
Nhưng hạnh phúc thật sự không phức tạp đến vậy, hạnh phúc chỉ là ngày đủ ăn ba bữa, được bầu bạn cùng gia đình.
Có sức khỏe và còn sống ở hiện tại, như thế là đã đạt được thành tựu hơn nhiều người rồi.
Cuối cùng chia sẻ cho mọi người một công thức rất hữu ích: “Hạnh phúc = Hiện thực : kì vọng”
Thay đổi kỳ vọng, giảm sự ỷ lại sẽ cảm nhận được hạnh phúc nhiều hơn. Trải qua một tuổi trung niên như thế có lẽ cũng không phải là quá tệ.