Đầu năm 2022, chị T.B (34 tuổi, hiện sống tại Singapore) bất ngờ nhận được kết quả xét nghiệm mắc bệnh ung thư đường mật vùng rốn gan (còn gọi u Klatskin). Do đang sống và làm việc tại Singapore nên chị T.B được các bác sĩ bản địa cấp cứu bằng phương pháp đặt stent, và được chẩn đoán tiên lượng thời gian sống còn lại khoảng 5 tháng.
Ảnh: BVCC
Với mong muốn đưa con gái về Việt Nam điều trị, mẹ chị T.B - bà B.Đ - đôn đáo thăm hỏi khắp nơi, vừa lên mạng internet tìm hiểu thông tin về bệnh lý ung thư đường mật, vừa tìm kiếm bác sĩ chuyên khoa và bệnh viện để điều trị cho con.
Bà B.Đ nhanh chóng đưa chị T.B về nước điều trị. Ngày 26/6, chị T.B nhập Bệnh viện Gia An 115 (quận Tân Bình, TP HCM) trong tình trạng vàng da, vàng mắt kèm sốt cao 39 độ, khó thở, cơ thể suy kiệt vì nôn ói. Bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Cấp cứu giúp ổn định tình trạng sức khỏe, ghi nhận bệnh sử đã 2 lần nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) để đặt stent, 6 lần hóa trị,… đồng thời thực hiện các chẩn đoán hình ảnh cần thiết.
Bác sĩ Nguyễn Thế Toàn, Chuyên gia can thiệp đường mật – Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115, nhận định đây là ca bệnh đặc biệt. Bệnh nhân mắc bệnh ung thư đường mật vùng rốn gan (u Klatskin) ở độ tuổi rất trẻ, 34 tuổi (khác với đa số người mắc bệnh trên 60 tuổi). Do vậy, bệnh tiến triển nhanh, dễ tắc mật, hư hại tế bào gan, tiên lượng thời gian sống từ 6 tháng đến 1 năm. Tình trạng bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật do tắc nghẽn vị trí từng đặt stent trước đó, kích thước stent cũ khá nhỏ nên gây khó khăn cho lần can thiệp này.
Sau khi rà soát lại toàn bộ thông tin bệnh án của bệnh nhân từ lúc khởi phát bệnh đến hiện tại, bác sĩ Nguyễn Thế Toàn tự tin với phương hướng điều trị nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) để đặt stent mới với kích thước lớn hơn, đồng thời bác sĩ cũng trấn an bệnh nhân và người thân.
Ngày 28/6, bệnh nhân T.B được đưa vào phòng can thiệp. Sau gần 60 phút căng thẳng, ca can thiệp đã thành công tốt đẹp. Stent cũ được thay mới rộng hơn, lưu thông đường mật trở lại bình thường.
Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, có thể giao tiếp, tình trạng đau bụng và nôn ói dần được cải thiện. Ngày hôm sau, bệnh nhân đã có thể ăn uống theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt và được xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Theo BS Thế Toàn, u Klatskin hay còn gọi ung thư đường mật vùng rốn gan là bệnh lý nguy hiểm và ít gặp, đặc biệt hiếm gặp ở người trẻ tuổi. Bệnh khó chẩn đoán và điều trị. Bệnh cũng gây ra các biến chứng nguy hiểm trong một khoảng thời gian ngắn.
Ung thư đường mật vùng rốn gan, còn gọi là u Klatskin (Ảnh minh họa bệnh viện cung cấp)
Nội soi mật - tụy ngược dòng (ERCP) là phương pháp hữu hiệu và ít nguy cơ tử vong, giúp người bệnh u Klatskin có được cuộc sống gần với lúc khoẻ mạnh. Đây là kỹ thuật thường được chỉ định trong các trường hợp: sỏi ống mật chủ, ống gan chung, sỏi đường mật chính kèm với sỏi túi mật; giun chui đường mật; nhiễm trùng đường mật; viêm tụy cấp do sỏi kẹt nhú Vater; ung thư đầu tụy; u nhú Vater (cả lành tính lẫn ác tính); ung thư đường mật; ung thư cơ quan khác di căn xâm lấn gây tắc mật; chẩn đoán và điều trị các tổn thương đường mật lành tính sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật (chụp hình đường mật cản quang, cắt cơ vòng Oddi, đặt stent nhựa...); lấy sỏi ống tụy và đặt stent ống tụy. ERCP là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nên vẫn có thể thực hiện được ở những bệnh nhân suy kiệt nặng, rất cao tuổi (80-90 tuổi) hoặc nhiễm trùng đường mật nặng có suy đa tạng.
U Klatskin đặc trưng bởi 3 triệu chứng chính bao gồm: ăn uống khó tiêu, vàng da và thiếu máu. Ban đầu, người bệnh sẽ có triệu chứng khó tiêu khi ăn uống do dòng mật bị hẹp hoặc tắc nghẽn, khiến dịch mật không đủ hỗ trợ cho vấn đề tiêu hóa. Tuy nhiên, thực tế đa số bệnh nhân nhập viện khi bệnh đã vào giai muộn, khối u đã xâm lấn vào mạch máu hoặc lan xa vào đường mật trong gan với biểu hiện vàng da hoặc thiếu máu.
Bác sĩ Nguyễn Thế Toàn cho biết có thể khống chế, kiểm soát những biến chứng của bệnh và dự phòng những biến chứng tiếp theo để có tiên lượng tốt hơn cho người bệnh. Nhờ đó, bệnh nhân có thể sống được 1,5 đến 2 năm, thậm chí là đến 3,5 năm sau đó tùy theo mức độ đáp ứng điều trị của mỗi bệnh nhân.
Để ngăn ngừa và phát hiện sớm u Klatskin, mỗi người cần chú ý theo dõi tình trạng sức khoẻ của bản thân. Nếu cơ thể xuất hiện những biểu hiện bất thường khi ăn, ngủ, vận động, có biểu hiện sốt, vàng da hoặc những cơn đau thoáng qua, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám. Việc quan tâm và thăm khám kịp thời có thể giúp phát hiện sớm và tăng hiệu quả điều trị bệnh 50% - 80%.