Helen Zhao là cựu biên tập viên tại CNBC, một kênh tin tức kinh doanh uy tín tại Mỹ. Vào tháng 8 năm 2022, cô đưa ra quyết định mạo hiểm là từ bỏ công việc mơ ước của mình ở tuổi 32. Helen xách vali lên và dành 18 tháng du lịch vòng quanh thế giới để chữa lành sự kiệt sức của mình và tìm thấy hạnh phúc ngoài công việc.
Sau khi tiêu hết gần 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm để khám phá Nam Mỹ và Châu Á, Helen quay về quê nhà Los Angeles vì cô cảm thấy mình còn suy sụp hơn trước. Dưới đây là chia sẻ của cô về lý do tại sao chuyến du lịch thế giới trong mơ đã không thể “chữa lành” cho mình.
Trong vài tháng đầu tiên, tôi đã đi bộ trên những đỉnh núi phủ tuyết và hồ băng ở Patagonia và tắm trong làn nước ấm ở Thái Lan. Nhưng cảm giác hồi hộp nhanh chóng vụt tắt. Tôi đứng trên bờ biển của đảo Jeju, Hàn Quốc và cảm thấy thờ ơ. Khi đi du lịch Nhật Bản, tôi nhìn những người đang làm việc trên laptop của họ ở Starbucks với vẻ ghen tị.
Tôi đang sống trong giấc mơ của mình nhưng cảm thấy kiệt sức và trống rỗng. Đó là lúc tôi nhận ra mình đã phạm một sai lầm lớn: Tôi đã thay đổi hoàn cảnh bên ngoài nhưng không thay đổi được tâm trạng bên trong của mình. Tôi không thay đổi cách phản ứng của mình. Tôi trải qua kỳ nghỉ dài bằng cái cách tôi đã tiếp cận công việc của mình trước đây.
Ngày trước, tôi làm việc miệt mài để theo đuổi thành công và địa vị xã hội. Nhịp sống bận rộn đã khiến tôi trở thành một người hỗn độn, chỉ liên tục lo lắng mình không thể sống trong hiện tại. Bây giờ tôi đang mắc phải những sai lầm tương tự khi đi du lịch.
Tôi lên một lịch trình nghiêm ngặt với kế hoạch tỉ mỉ. Tôi đánh dấu các điểm đến để có thể đeo số lượng địa điểm như những huy hiệu danh dự. Khi đó cuộc sống của tôi sẽ đáng giá như những KOL du lịch mà tôi ghen tị, tôi nghĩ vậy.
Tôi chợt nhận ra phải có điều gì đó thay đổi nếu tôi muốn tận hưởng thời gian “chữa lành” của mình. Đây là 3 bước quan trọng mà tôi đã thực hiện để thay đổi chuyến đi, và quan trọng là thay đổi cuộc sống của mình. Đồng thời, chúng cũng dạy tôi về việc cân bằng giữa hạnh phúc và tham vọng.
Khi nằm trên giường trong một khách sạn ở Tokyo, tôi cảm thấy thất bại và mông lung về cuộc đời mình. Và tôi quyết định loại bỏ kế hoạch tới tất cả 34 quốc gia còn lại trong danh sách ban đầu.
Sự kiệt sức khi du lịch cho tôi biết mình cần tập trung vào chất lượng, chứ không phải số lượng. Đi tham quan nhiều nơi như vậy có ích gì nếu tôi không thực sự thích chúng?
Tôi từ bỏ mong muốn được khoe với mọi người rằng tôi đã đến hơn 50 quốc gia. Tôi chấp nhận rằng tôi vẫn sẽ tiếp tục đi du lịch sau này nếu muốn, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc có ít thời gian hơn để theo đuổi các mục tiêu nghề nghiệp.
Học cách ưu tiên cho sức khỏe tinh thần của mình đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền kiểm soát và các thước đo xác định giá trị bản thân mà xã hội đã khiến tôi tưởng là đúng. Tôi bắt đầu đo lường thành công thông qua những khoảnh khắc tôi cảm thấy thực sự sống, sự bình yên và kết nối với những người khác, thay vì những thành tích có thể định lượng được như mức thu nhập, vị trí trong công việc.
Tôi đã học cách vượt qua FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ) để lắng nghe nhu cầu của mình, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tôi “bỏ lỡ” nhiều điều được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.
Thay vì đi du lịch 2 giờ đồng hồ đến thiên đường du lịch bụi núi Pai, Thái Lan, tôi ở lại Chiang Mai để đọc các bài báo và xem tài liệu trong các quán cà phê địa phương yên tĩnh. Thay vì bắt đầu chuyến du lịch đảo Caribe từ Cartagena, Colombia, tôi chọn ngủ nướng sau một đêm khiêu vũ với bạn bè.
Tôi bắt đầu thực sự tận hưởng mọi thứ tôi làm nhiều hơn, một khi tôi ưu tiên việc theo đuổi niềm vui hơn là cảm giác được người khác công nhận và ngưỡng mộ.
Trong vài tháng đầu tiên đi du lịch, tôi thường xuyên thức khuya để xây dựng và đưa ra ý tưởng làm việc tự do, kiếm tiền khi đi du lịch. Tôi đã cố gắng hết sức để duy trì mối liên hệ với công việc, vẫn làm freelancer, vì lòng tự tôn của tôi phụ thuộc rất nhiều vào công việc. Việc hoàn toàn không làm gì khiến tôi thấy mình thất bại.
Nhưng cố gắng làm nhiều việc cùng lúc khiến tôi kiệt sức nhanh hơn.
Rồi tôi cũng hoàn toàn từ bỏ các công việc tự do của mình. Thay vào đó, tôi tập trung vào việc học. Tôi nghiên cứu các môn mà mình không có đủ sức lực để học khi đang làm việc toàn thời gian, chẳng hạn như lịch sử, địa chính trị và đầu tư bất động sản. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi cảm thấy mình giống như một con người tò mò tìm hiểu về thế giới, thay vì một con ong thợ được xác định bởi năng suất của tôi.
Việc phát triển một bản sắc trọn vẹn, hoàn toàn không liên quan đến công việc đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Bây giờ tôi dành thời gian để nghỉ ngơi và vui chơi mà không cảm thấy tội lỗi. Và tôi có thể tiếp cận công việc với nhiều sức sống và ý tưởng mới mẻ hơn.
Trở về nhà ở Los Angeles vào cuối tháng 2, tôi cảm thấy những bài học tôi học được trong kỳ nghỉ đang dần trôi đi. Tôi lại bị nuốt chửng bởi sự lo lắng và tham công tiếc việc, quay trở lại môi trường cũ và tìm kiếm một công việc mới.
Để dần dần kết nối lại với con người mà tôi đã trở thành trong thời gian du lịch, tôi bắt đầu thiền, viết nhật ký về những điều tôi biết ơn và đi dạo mỗi ngày .
Tôi luôn muốn làm vậy, nhưng trước đây tôi chưa bao giờ dành thời gian cho những việc này vì tôi lo lắng chúng sẽ làm giảm năng suất của tôi. Giờ đây, những thói quen này giúp tôi duy trì và xây dựng những cảm xúc mà tôi đã thực hiện trong chuyến đi.
Thay vì rơi vào trạng thái kiệt sức hoặc cảm giác không xứng đáng, tôi dành thời gian để tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tôi đang học cách trau dồi bản sắc và cuộc sống trọn vẹn ngay cả khi tôi không làm công việc mơ ước hay đi du lịch khắp thế giới.
Nguồn: CNBC