Hiện nay, “chữa lành” đã trở thành nhu cầu cấp thiết của người dân thành thị. Nhiều người xem việc “chăm sóc cảm xúc” như một thói quen hàng ngày. "Nó giống như một chiếc xe chạy trên đường, cần tiếp nhiên liệu liên tục".
Cũng giống như hai cô gái dưới đây, họ chọn phương pháp “ôm cây chữa lành”, để tìm lại chính mình và sự bình tĩnh trong cuộc sống. Và họ chỉ là hai trong số rất nhiều người trẻ thời nay đang cố gắng kiếm tìm cách giúp bản thân hạnh phúc trong xã hội vội vả này.
Lục Tử, 26 tuổi, từng làm việc cho một công ty thương mại điện tử, sống ở Nam Kinh
Lục Tử lần đầu tiên ôm một cái cây tại Di Hòa Viên ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Đó là một cây tùng bách có niên đại từ thời nhà Thanh.
Tôi bắt đầu "ôm cây" nghiêm túc vào tháng 5 năm nay, tổng cộng 3 lần. Trước đó, tôi đã trải qua những giai đoạn trầm cảm và lạc lối rất nặng.
Khi ấy, tôi vừa nghỉ việc tại một công ty thương mại điện tử hàng đầu ở Nam Kinh. Mỗi ngày chạy theo guồng quay 9 tiếng làm việc, có khi phải tăng ca đến 2 giờ sáng, 9 giờ sáng hôm sau lại phải đến công ty chấm công.
Mỗi ngày vào buổi trưa, Lục Tử sẽ bắt taxi đến bờ sông Trường Giang.
Tôi học chuyên ngành văn học. Bản thân tôi rất nhạy cảm, nhưng công việc phải đối mặt hàng ngày là dữ liệu hoặc bán hàng, đi ngược lại bản chất của tôi. Trước khi nghỉ việc, sự chán nản đã lên đến đỉnh điểm, trưa mỗi ngày, tôi bắt taxi đến bờ sông Trường Giang.
Đứng trên bờ và nhìn dòng sông chảy xiết, bên cạnh còn có tấm bia đá khắc dòng chữ: "Nghĩ lại đi, bạn không thể chết được". Công dụng của tấm bia này là gì, có lẽ bạn cũng đoán được.
Sau khi nghỉ việc, tôi đã đến gặp bác sĩ trị liệu tâm lý nhưng tình trạng không khá hơn. Tôi có vẻ khó giao tiếp, vì lâu ngày đã dựng lên một rào cản vô hình giữa bản thân và mọi người. Mỗi người có một môi trường và bản chất trưởng thành khác nhau, trên đời này lại không có sự đồng cảm thực sự, nên tôi thích hòa mình vào thiên nhiên hơn để tìm kiếm sự vỗ về và gửi gắm.
"Ôm cây chữa lành" có nguồn gốc từ Bắc Âu. Phần Lan tổ chức "Cuộc thi ôm cây" vào mỗi mùa hè. Một số nghiên cứu nói rằng cây cối tiết ra một loại hóa chất thực vật, có thể giúp chúng ta giải tỏa áp lực.
Nó có lớp vỏ ấm nóng, như thể bị nắng nung. Tôi cố áp cả người vào thân cây, rồi bình tĩnh lại và cảm nhận hơi thở của mình. Tôi thậm chí có thể nghe thấy nhịp tim vì cái ôm này rất chặt, giống như đang ôm bạn trai vậy.
Nhưng toàn bộ quá trình chỉ diễn ra trong 5 phút. Nhiều người đi ngang dừng lại nhìn tôi lấy làm lạ, nhưng tôi không quan tâm lắm. Có một cặp đôi, bạn nữ nói rằng cô ấy muốn tham gia, còn anh bạn trai lại nói cái cây rất bẩn. Riêng tôi chỉ cảm thấy phút yên lặng của mình đã bị quấy rầy. Tôi chưa bao giờ cảm thấy những thứ liên quan đến tự nhiên, như bùn đất, cát bụi bẩn một chút nào.
Bạn bè nằm suối cảm nhận thiên nhiên.
Lần thứ hai tôi ôm cây là ở Cửu Tây, Hàng Châu. Tôi và những người bạn của mình cùng nhau ôm một cây đại thụ. Một người bạn của tôi là thủy thủ, cậu ấy nằm dưới suối cảm nhận thiên nhiên. Lần thứ ba là ở sa mạc Taklamakan (Tân Cương), tôi đã ôm một cây hồ đồng có sức sống đặc biệt ngoan cường ở vùng sa mạc nóng cháy.
Tôi nghĩ ôm cây rất giống với thiền, về cơ bản đều là một quá trình nhận thức. Loại cảm giác nào bạn có thể nhận được từ nó đều phụ thuộc vào việc bạn có đắm chìm và hoàn toàn nhận thức được bản thân của hiện tại hay không.
Lục Tử ôm cây hồ đồng ở sa mạc Taklamakan (Tân Cương).
Đối với tôi, ôm một cái cây đưa tôi trở lại trạng thái của một kẻ hoang dã, rất tự do, và trong vô thức, lòng dũng cảm của tôi dường như lớn mạnh hơn rất nhiều.
Một điều rất quan trọng, tôi nghĩ chúng ta không thể chỉ coi cây là “công cụ” để chữa lành cho con người. Tự nhiên có tính chủ thể của riêng nó, thậm chí là còn có cả “linh tính”.
Hiện tại, ôm cây đã trở thành thói quen, tôi sẽ ôm chúng khi đi du lịch hoặc mỗi cuối tuần, giống như một chiếc ô tô đang chạy trên đường cần phải tiếp nhiên liệu liên tục.
Arwen, 26 tuổi, đang học thạc sĩ, sống ở Hàng Châu
Năm nay là năm cuối quá trình lấy bằng thạc sĩ, dù chưa đi làm nhưng tôi đã cảm nhận được những áp lực mà mình sẽ phải đối mặt ở nơi làm việc. Ôm cây là cách giúp tôi giải tỏa mọi lo lắng.
Trước năm 18 tuổi, tôi là một đứa trẻ sống ở thành phố điển hình, quanh năm ngồi trong phòng máy lạnh và không cảm nhận được mối liên hệ nào giữa động vật và thực vật. Khi học cấp hai, tôi rất buồn vì bố mẹ luôn giúp tôi đưa ra mọi lựa chọn, nên học trường nào, học văn hay khoa học, tôi cảm thấy rất chán nản.
Sau khi tiếp xúc với thiên nhiên, thế giới của Arwen bắt đầu rộng mở hơn.
Sau đại học cũng là thời điểm bắt đầu tiếp xúc với thiên nhiên, thế giới của tôi to lớn hơn rất nhiều, trạng thái tinh thần cũng tốt hơn. Năm 2015, tôi đang học đại học ở New Zealand, nơi tôi ở trong một thị trấn rất nguyên sơ, dễ dàng tiếp cận với rừng và thiên nhiên.
Một lần, tôi và một vài người bạn đi leo núi trong Rừng gỗ đỏ Whakarewarewa. Chúng tôi phát hiện một cây sequoia cao hơn 70 mét, phải hai hoặc ba người mới ôm hết. Tôi cởi giày và bước chân trần lên đất, không khí ẩm ướt và mùi cây cỏ thoảng qua khiến tôi lần đầu tiên được hòa mình vào đại ngàn.
Trong khu rừng nguyên sinh của New Zealand, tôi cảm thấy mình như đang ôm lấy một sinh vật lớn tuổi hơn trên Trái đất. Trước mặt nó, tôi có thể thoát khỏi “đồng hồ của xã hội” và được phép lãng phí thời gian, cảm thấy mình như được tha thứ và thấu hiểu bản thân hơn.
Khi “kết thân” với những loại cây khác nhau, bạn sẽ cảm nhận được những cảm xúc khác nhau. Đối với tôi, cây nhỏ mang lại sự gần gũi, cũng giống như bạn bè đồng trang lứa; cây to thì thông minh hơn, như bước vào giáo đường cao lớn uy nghiêm, nó sẽ làm tôi sợ hãi.
Ở thành phố, ôm một cái cây giống như một kiểu “chủ động mất liên lạc”, ngắt kết nối với điện thoại di động, Internet và công việc, để tạo ra không gian cá nhân thuần túy cho chính bạn. Khoảnh khắc ôm cây, chỉ còn lại tôi và thế giới, không liên quan đến bất kỳ ai.
Nguồn: Zhihu