30 tuổi chưa chồng sao lại bị coi là ế, sao bố mẹ lại nghĩ đó là nỗi bất hạnh?

Hik Hik, Theo Trí Thức Trẻ 00:21 03/03/2017
Chia sẻ

Phụ nữ ế - trong mắt những người xung quanh – là một thứ gần với sự bất hạnh và cô đơn. Người ta tự kết luận rằng, hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ không phải là một sự nghiệp oanh liệt mà chính là việc được ở nhà và chăm sóc người chồng của mình và những đứa con.

"Phụ nữ sướng khổ - là nhờ tấm chồng".

Tôi vẫn thường gặp câu nói này khi đọc các bài viết hay chia sẻ của các phụ nữ về chuyện chồng con. Sự ghen tị trước một cô gái may mắn sở hữu người chồng "tử tế", và nỗi thấu cảm phi thường của chị em với nhau khi thấy những dòng thổn thức về người chồng chẳng ra sao đang đi lăng nhăng ngoại tình thế nào. Một tuyên ngôn ưa thích của phái đẹp mang đầy màu sắc chiêm nghiệm và quả quyết.

Thôi được, tôi sẽ không ở đây để tranh cãi với việc phụ nữ trở thành một đối tượng bị động trong hôn nhân. Tôi chỉ có một băn khoăn, đó là nếu phụ nữ sướng vì lấy chồng tốt, hay khổ vì lấy chồng chẳng ra gì, vậy… phụ nữ mãi mà chưa lấy chồng, chúng ta nên định nghĩa họ thế nào?

Tôi tin rằng ngay sau câu hỏi này, các bạn sẽ dành cho tôi câu trả lời duy nhất: Ế.

"Bao giờ lấy chồng" đã từ hàng thập kỷ nay – trở thành slogan của hội các bà bác – cô – dì – chú – ông – bà- bà hàng xóm của bất cứ cô gái trẻ nào và nó có đủ sức gây hoang mang lẫn ức chế khi được đai đi đai lại, hỏi đi hỏi lại trong nhiều ngày trời, nhiều năm trời bằng một sự kiên nhẫn, bền bỉ đến khó hiểu. Không phải tự nhiên mà nó trở thành tên bài hát của Bích Phương và được share một cách khẳng khái trên Facebook như một khúc đoản ca hùng tráng của hội FA sắp về nhà ăn Tết. Mà thậm chí, chẳng cần đến Tết, chỉ ngày thường thôi bạn cũng có nguy cơ bị bố mẹ cằn nhằn, thở ngắn than dài, thậm chí là trút bực vào người vì xấu hổ trước mấy lời mát mẻ, hỏi han của mấy nhà hàng xóm. 

Nguồn gốc sự lo lắng này của những người thân (và tưởng là thân) quanh ta đến từ nỗi ám ảnh phụ nữ ế. Tôi nhớ như in ánh mắt lo lắng và chán nản của cô họ mình, khi nhìn thấy tôi thất bại trong việc cuốn 1 cái nem mà không bị rách. Trong giây phút ấy, cô tôi đã chép miệng và nói: "Kiếm được tiền nhưng không có chồng thì cũng hỏng thôi con ạ". Cũng trong giây phút ấy, tôi cảm thấy cuộc đời mình bỗng chốc vô cùng bi quan khi được định sẵn một kết cục chẳng mấy tốt đẹp gì – chỉ vì cái vỏ nem rách.

30 tuổi chưa chồng sao lại bị coi là ế, sao bố mẹ lại nghĩ đó là nỗi bất hạnh? - Ảnh 1.

Tôi có nhiều lý do để yên tâm hơn cho cuộc đời mình vào giây phút ấy. Cái nem rách không thể đảm bảo tương lai cho tôi bằng một công việc ổn định. Cái nem rách không thể giúp tôi mua được chiếc túi mới, chiếc điện thoại xịn hay một cái laptop ngon lành. Nhưng, cái nem lại mang ý nghĩa trừu tượng, đại diện của một thế lực ghê gớm hơn nhiều: đó là Chồng. Một tượng đài vô hình và mục tiêu vĩ đại trong lòng tất cả những người xung quanh tôi. Khi ấy, cái nem rách đồng nghĩa với việc một người con gái vụng về, và nó cũng được bắc cầu luôn qua việc không có chồng, để rồi đến cái đích cuối cùng là một cuộc đời vô định, với tiếng khóc bi ai vì cô độc trong một căn nhà nhỏ lụp xụp nơi cuối ngõ, bên một con mèo già.

Phụ nữ ế - trong mắt những người xung quanh – là một thứ gần với sự bất hạnh và cô đơn. Người ta tự kết luận rằng, cái hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ không phải là một sự nghiệp oanh liệt, hay bảng danh sách dài dằng dặc những miền đất mới mà cô ấy đã từng đặt chân đến – mà đơn giản – chính là việc được ở nhà và chăm sóc người chồng của mình và những đứa con. Một viễn cảnh thật đẹp khi người chồng ấy kiếm được nhiều tiền, một đứa con xinh xắn biết nghe lời với cặp má núc ních để các bà xông vào bấu, và những cuối tuần bận bịu với cái tạp dề lấm lem vết bẩn nhưng không thiếu vắng nụ cười. Và khi cô ấy không có tất cả những điều ấy (hoặc chưa có), điều đó đồng nghĩa với một phụ nữ bất hạnh, xấu xí và có vấn đề.

Từ bao giờ, hạnh phúc của người phụ nữ, được định đoạt với việc cô ấy có chồng hay không?

Tôi tin vào tình yêu và ý nghĩa thiêng liêng của một gia đình, nhưng tôi không tin vào việc, người phụ nữ sẽ không có hạnh phúc nếu cô ấy chưa có chồng. Ở độ tuổi 25 – 30, người phụ nữ có thể có trong tay cả sự nghiệp, cả tình yêu, cả một cuộc sống riêng mỹ mãn và có quyền chờ đợi cho đến khi cô ấy thật sự muốn kết hôn, chứ không phải là vội vàng đặt chân vào một cuộc hôn nhân chắp vá cho đỡ mang tiếng là ế.

30 tuổi chưa chồng sao lại bị coi là ế, sao bố mẹ lại nghĩ đó là nỗi bất hạnh? - Ảnh 2.

"Hãy trở thành nữ anh hùng trong cuộc đời của chính mình, đừng là nạn nhân".

Câu nói này của Nora Ephron có nghĩa là: Bạn hoàn toàn có thể chủ động với cuộc đời của mình. Tại sao lại phải thấy mình thua kém khi chưa có chồng ở tuổi 30? Tại sao phải cảm thấy mình như một kẻ bỏ đi, một người phụ nữ không hoàn thiện khi chưa lập gia đình? Bạn có một cuộc sống tuyệt vời, một công việc để phấn đấu – và thậm chí nếu chưa có, bạn lại có thể coi đó là một mục tiêu. Bạn có thể đã thành đạt, hoặc chưa. Đam mê du lịch, hoặc đơn giản chỉ là yêu những cuối tuần hết mình với bạn bè. Một cuộc sống tự do đầy màu sắc, và bạn hoàn toàn có thể làm chủ nó theo một cách tích cực nhất – chứ không phải thu mình vào góc, chờ đợi trong tuyệt vọng một người đàn ông đến với mình và hàng ngày buồn tủi vì những lời móc máy của những người xung quanh.

30 tuổi chưa chồng sao lại bị coi là ế, sao bố mẹ lại nghĩ đó là nỗi bất hạnh? - Ảnh 3.

Trong suốt những ngày tôi đi làm, bước ra ngoài kia và gặp gỡ những con người mới, tôi đã biết đến những người phụ nữ mà, nụ cười của họ rạng rỡ hơn bất cứ ai trên đời này – dù họ chưa có chồng (và họ không phải là hoa hậu). Tôi nhìn thấy họ toả sáng ở nơi làm việc, nơi họ đốt cháy từng giây phút bằng nguồn năng lượng tích cực và niềm đam mê bất tận. Một người phụ nữ khác – khi đó đã 27 – có thể ngồi kể miên man trong suốt 1 tiếng đồng hồ, về chuyến leo núi của chị . Hay một người khác, lúc này vừa (chủ động) chia tay hôn thê ở tuổi 31 – mỉm cười khi đứng giữa trời nắng với mồ hôi ròng ròng và điều hành một sự kiện lớn – công việc mà người "suýt là" chồng chị ghét đặc và bắt chị phải từ bỏ nếu muốn có một đám cưới.

Những người phụ nữ ấy, họ có một cuộc đời tuyệt vời hơn tất cả những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng. Họ có sự nghiệp, có thể tự nuôi sống chính mình, sống độc lập và không cần dựa vào ai. Họ có những ngày bận rộn, có những ngày thảnh thơi, những ngày vui và cả những ngày buồn. Những cuộc sống trọn vẹn cảm xúc và hoàn toàn không có chỗ cho sự bi thương, cô độc hay bất hạnh mà người ta vẫn thường tô vẽ nên cho những người phụ nữ độc thân. Và với một cuộc sống đầy ắp những cơ hội, những điều bất ngờ mới mẻ mỗi ngày, tại sao chúng ta phải vội vàng để lấp đầy khoảng trống mà "người khác" cho là cần thiết?

30 tuổi chưa chồng sao lại bị coi là ế, sao bố mẹ lại nghĩ đó là nỗi bất hạnh? - Ảnh 4.

Lập gia đình - đã và vẫn luôn là một trải nghiệm, một chuyến phiêu lưu tuyệt vời với bất cứ ai trong chúng ta. Nó không xuất hiện để trở thành gánh nặng, để trở thành nỗi lo sợ và ám ảnh với những người phụ nữ trẻ. Bởi cuối cùng thì, chúng ta sinh ra và trưởng thành để sống trọn vẹn nhất với những gì mà ta muốn, để được hạnh phúc và nếm trải hết những điều ý nghĩa, những trải nghiệm ngọt ngào nhất, phi thường nhất của cuộc đời – chứ không phải cố kiếm một người chồng như một chứng chỉ, một tấm bằng tốt nghiệp chứng nhận mình đã là một người phụ nữ "chính chuyên".

30 tuổi chưa chồng sao lại bị coi là ế, sao bố mẹ lại nghĩ đó là nỗi bất hạnh? - Ảnh 5.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày