Bài viết được chúng tôi ghi lại từ cuộc trao đổi với chị Hoàng Minh Hường (sinh năm 1991, hiện đang sống tại Sài Gòn). Chị Hường hiện làm công việc freelance và đã có hành trình gần 10 năm thay đổi từ lối sống tiêu dùng nhanh sang lối sống tối giản.
Chị Hoàng Minh Hường (sinh năm 1991, hiện đang sống tại Sài Gòn).
Lối sống tối giản không phải là đích đến mà là 1 hành trình - mở đầu câu chuyện của mình với bất cứ ai tìm đến để trao đổi, tâm sự với nhau về vấn đề này. Bởi đơn giản, đây là câu trả lời cho mình và cánh cửa mở ra để tiếp tục tiến tới việc kiểm soát chi tiêu có hiệu quả, thiết thực, ý nghĩa hơn trong cuộc sống.
Từ nhỏ cho tới khi học cấp 3, giống như nhiều bạn bè khác mình có cuộc sống phụ thuộc tài chính vào bố mẹ. Từ việc chi tiêu hàng ngày, chi phí học tập, đồng phục... đều do gia đình chu cấp. Mình không cần mua sắm gì nhiều nên thú nhận là lúc đó không hề có khái niệm về chi tiêu, quản lý tiền bạc hay thực sự quý trọng nó. Trông mình thời điểm đấy như là 1 người đang sống tối giản nhưng không phải. Mình chỉ đang được xếp trong môi trường đơn giản và làm theo như thế mà thôi.
Mình vô tình đọc về lối sống tối giản khi còn đang là sinh viên. Không phải để mình sống tiết kiệm đâu. Mà do mua quá nhiều thứ nên cần học cách sắp xếp sao cho gọn gàng, có quy hoạch và tổ chức. Bắt nguồn từ việc đọc cuốn sách "Nghệ thuật bài trí của người Nhật" của Marie Kondo để tìm cách lưu trữ hết đống đồ đã mua sắm.
Thế nhưng thật tiếc là lúc đó, dường như mình chưa sẵn sàng đón nhận nên mình cũng không đọng lại gì nhiều, thậm chí còn quên luôn nội dung mình đã đọc. Mình cũng không nghĩ gì đến việc cải thiện chi tiêu hay muốn tối giản ngay. Sau rồi mình cũng không để tâm tới chủ đề này nữa. Mọi thứ lướt qua một cách rất nhanh chóng và trôi vào lãng quên.
Cuộc sống xa nhà giúp mình bắt đầu một lối sống mới. Việc chi tiêu từ đó mà thay đổi rõ rệt dù vẫn phụ thuộc tài chính vào bố mẹ. Mình mua sắm quần áo một cách "bạt mạng" trong quỹ tiền được cho để ăn mặc đa dạng hơn, đầu tư vào tóc tai, mua trang sức, phụ kiện, ba lô, túi xách, giày dép. Bởi trong đầu lúc đó không có một khái niệm gì về quản lý và chi tiêu. Chỉ biết rằng xưa giờ mình đã quá giản dị, mình muốn sống khác đi, muốn được trải nghiệm nhiều hơn ngay cả những gì thể hiện bề ngoài.
Lối sống đầu tháng thì rủng rỉnh tới cuối tháng thì ăn mì tôm làm bạn với mình suốt thời gian ngồi trên giảng đường. Mình thường tiêu tới 60% hoặc có tháng còn dùng hết luôn tiền mà bố mẹ gửi cho vào việc mua sắm.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, Hường thấy bản thân chi tiêu thực sự quá bốc đồng.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính Ngân hàng, mình đã được nhận vào làm ngay tại 1 ngân hàng lớn. Một công việc tốt, mang tới nguồn thu nhập cao và ổn định tới 20 triệu/tháng cho 1 cô sinh viên mới ra trường. Nhưng trong suốt khoảng thời gian 2 năm làm ở đây mình không để dành được 1 đồng nào cả.
Việc xây dựng thương hiệu cá nhân trong 1 môi trường văn minh, trí thức và có sự thăng tiến của mình chưa thực sự rõ ràng. Mình mua sắm rất nhiều, từ quần áo, trang phục, đồ ăn, thẻ tập vì thấy xung quanh mọi người cũng như vậy. Và dường như tự bản thân mình đặt ra quy ước rằng, làm công việc đó thì ăn mặc phải xịn sò, dùng đồ cũng phải thuộc thương hiệu lớn, đi tập cũng phải chọn nơi tốt nhất. Mình cứ chi tiêu như vậy và cảm thấy khoản nào cũng hợp lý cả.
Việc chi tiêu này chênh lệch hơn rất nhiều so với khoản thu nhập. Mình đã từng có trải nghiệm mua thẻ tập 6 năm của California Fitness giá 60 triệu chỉ để đi bơi (giá chỉ bao gồm tiền phòng tập, chưa có PT). Hạng thẻ cao, tập được khắp nơi ở Việt Nam. Nhưng thực tế mình chỉ đi tập được 1 tháng rồi bỏ, rất lãng phí.
Thời điểm này, Hường chi tiêu chênh lệch hơn rất nhiều so với khoản thu nhập. Điều đó khiến cô bị stress nặng, áp lực triền miên. Lúc đó Hường lại đổ tiền cho những trải nghiệm đi du lịch để cân bằng cuộc sống.
Cách tiêu tiền này khiến mình phải chạy đua với các khoản chi tiêu. Nó khiến mình bị stress, bị áp lực dù mình không có ai phụ thuộc, chưa lập gia đình hay mang gánh nặng phải chu cấp cho bố mẹ.
Bởi tâm lý bị stress đó, mình tiếp tục đổ tiền cho những trải nghiệm đi du lịch để cân bằng cuộc sống. Thế nhưng khi đi du lịch về thì stress lại quay lại rất nhanh chóng. 1 vòng tròn như thế khiến mình không thoát ra được và sau khi làm được 2 năm thì mình quyết định nghỉ. Mình muốn tìm 1 công việc khác, có thể gia tăng thu nhập và cân chỉnh cả cả lối sống. Lúc này, mình bắt đầu đi tìm sự thay đổi.
Thay đổi môi trường mới bằng cách đi du học, từng có thời gian phong bế bản thân bằng cách không sử dụng mạng xã hội nhưng mình vẫn thừa nhận rằng đó đều là hành động “ngốc nghếch” vì nó là một sự cắt giảm không cần thiết.
Mình đã không hạnh phúc hơn khi tự cắt đi rất nhiều mối quan hệ và thu hẹp lại cuộc sống cũng như giảm tương tác với bên ngoài. Sau khi trở về nước lập gia đình, rồi sinh con đầu lòng mình vẫn chứng nào tật nấy và mua sắm "bạt mạng". Lúc này, những món đồ mua chủ yếu là dành cho con. 1 năm đo lường lại có rất nhiều món đồ không dùng tới. Lý do là con đầu lòng nên hai vợ chồng đều chi tiêu rất thoáng.
Ví dụ như quần áo ở nhà của con chỉ sử dụng 20%, tức là khoảng 3 bộ tốt nhất được sử dụng thường xuyên còn 30 bộ khác phòng hờ, đồ nào mua khi được sale lại không bao giờ đụng tới. Kiểu mua sắm tích tiểu thành đại săn sale liên tục nên đồ chất đầy nhà mà không dùng đến trong lúc mua thì mình nghĩ rất cần và tốt.
Nhưng khi nhìn lại mới nhận ra đó là 1 đống tiền của đã bỏ ra 1 cách lãng phí. Mình nghĩ rằng, nếu số tiền mua đồ đó đặt vào những thứ thực sự cần thì sẽ khiến cho cuộc sống chất lượng hơn rất nhiều. Lúc đó mình bắt đầu cân nhắc và nhận ra được những điều mà cuộc sống tối giản mang lại.
Mình tìm hiểu, bắt đầu nhen nhóm và thích về lối sống này từ thông điệp của mọi người chia sẻ. Sau khi tìm hiểu từ sách báo, từ các blogger, youtuber thì mình mới nhận ra rằng những người thành công đều đang cố gắng tối ưu cuộc sống của họ.
Sau khi sinh con đầu lòng Hường nhận ra bản thân chi tiêu chưa hợp lý và quyết định thay đổi lối sống này hoàn toàn.
Khó nhất khi sống tối giản là chọn ra cái gì thực sự cần thiết và cái gì là không cần thiết. Giống như ở giai đoạn làm công việc ngân hàng, mình không cảm thấy hạnh phúc dù chi tiêu rất nhiều, muốn cắt giảm cũng không biết từ đâu vì cái gì cũng thấy hợp lý.
Còn với lối sống tối giản đặt mình vào tình huống phải chọn cái cần thay vì cái muốn. Phải có list danh sách cần mua, để chọn cái tối ưu nhất. Mình phải chấp nhận là mất thời gian ở khoảng thời gian đầu khi phải đưa ra cân nhắc để quyết định mua một món đồ cho phù hợp. Nhưng nếu thành thạo thì sẽ rất vui. Và đương nhiên, bạn có thể sử dụng những món đồ trong thời gian dài trong sự hài lòng và yêu thích (vì đã cân nhắc rất kỹ) nên sẽ tiết kiệm tiền và quan trọng hơn là rất nhiều thời gian lãng phí để đắn đo phân vân, chọn lựa hay nghĩ tới những lựa chọn khác cùng dạng.
Đây là lối sống khiến mình cảm thấy hạnh phúc hơn thay vì cắt hết đồ, không mua sắm một cách cứng nhắc rập khuôn. Bởi nếu mình chắt bóp quá mà không thật sự hiểu lý do và chấp nhận sự lựa chọn của mình, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc, từ đó rất dễ phản tác dụng.
Tối giản đối với mình là lược đi những thứ không cần thiết thay vào đó là tối ưu những thứ khiến cuộc sống mình cảm thấy chất lượng và ý nghĩa hơn mình đã có và đón nhận những thứ mình cần một cách ý nghĩa. Điều điều đó giúp ích trong cục diện quản lý tài chính cá nhân của mình rất nhiều. Nó giống như cuộc cách mạng để đưa ra lựa chọn mua sắm thông thái và có giá trị lâu dài. Trước đây mình chưa từng nghĩ tới chuyện đó.
Tối giản đối với mình là lược đi những thứ không cần thiết thay vào đó là tối ưu những thứ mình cần, điều đó giúp ích trong cục diện quản lý tài chính của Hường rất nhiều.
Các bạn hãy thử đo lường những gì đã từng mua trong quá khứ sẽ ra ngay bản thân có chi tiêu hợp lý hay không. Việc đo lường này sẽ mang tới sự thật là bạn đã chi tiêu quá nhiều vào mục đích nào và có thể khiến nhiều người bị sốc. Nhưng từ đó, để nhận ra tiêu pha sai lầm ở đâu, sửa ở đó.
Ví dụ, hãy thử xếp ra hết chỗ giày dép của mình và đo lường xem mình đang sử dụng bao nhiêu % trong số đó, mình có xu hướng chọn đôi yêu thích và bỏ lại “trưng bày” phân nửa không? Hay dễ nhất là quần áo, bạn cứ mạnh dạn đổ hết ra và đo lường nhé, chắc không ít người sẽ không thể tin được mình lại là con nghiện mua sắm (như mình trước đây).
Điều này sẽ không hề dễ dàng với những người theo chủ nghĩa tiêu dùng bởi mua quá nhiều và lắt nhắt. Nhưng đó chính là bức tranh sự thật để khi phát hiện bạn sẽ biết cần thay đổi ở đâu. Sau khi theo dõi, bạn sẽ muốn giảm tải. Lâu dần sẽ tự tạo được thói quen, đánh giá được kỹ hơn bất kỳ lựa chọn nào là cần thiết hay thừa thãi. Tập sẽ thành thói quen, không tốn thời gian, bớt vật vã hơn rất nhiều.
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC