Tết là thời gian để sum vầy, chia sẻ và quan tâm lẫn nhau, thế nhưng đây cũng là dịp khiến những tay hòm chìa khóa của gia đình phải đau đầu để cân đối chi tiêu.
Yến Như - 1 mẹ bỉm sữa ở Hà Nam đã từng rất đau đầu vì những vấn đề chi tiêu trong dịp Tết. Trước kia, cô thường lo lắng không biết làm thế nào để cân đối giữa việc mua sắm nhu yếu phẩm, quần áo mới, lì xì, và các khoản chi khác. Tết luôn là thời điểm cần phải chi tiêu nhiều hơn bình thường, nhưng với một gia đình có em bé, ngân sách càng trở nên eo hẹp.
Việc cân đối chi tiêu chưa bao giờ là việc dễ dàng và mỗi dịp Tết đến Xuân về là bài toán khó ấy lại 1 lần nữa đến gõ cửa nhà. Đã từng có mấy năm liền ròng rã từ khi lấy chồng Như phát sợ Tết vì nhìn đâu cũng thấy cần tiêu nhưng chẳng thấy tiền đâu.
Năm ngoái, lần đầu tiên trong đời Như quyết định ngồi xuống để tính toán lại các khoản chi tiêu cho Tết. Cô và gia đình xác định lại tư tưởng, Tết là dịp để nghỉ ngơi, không phải để hành xác nên định hướng lên kế hoạch tiêu Tết cũng xoay quanh những thứ cơ bản nhất, không bày vẽ gì nhiều.
Như bắt đầu bằng việc ghi chép lại tất cả các khoản chi tiêu hàng ngày và lập ra bảng ngân sách cụ thể cho mỗi khoản mục. Vì ngay từ đầu đã xác định sẽ ăn Tết đơn giản nhất nên Như quyết định giảm bớt việc mua sắm không cần thiết và tập trung vào việc mua những thứ thật sự quan trọng cho gia đình và con nhỏ.
Thay vì mua nhiều bánh kẹo, quà cáp, cô ấy chọn những món quà ý nghĩa hơn nhưng vẫn đảm bảo không vượt quá ngân sách. Cô còn lên kế hoạch mua sắm từ sớm để tránh việc giá cả tăng cao vào thời điểm gần Tết.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị một số món ăn truyền thống tại nhà thay vì mua sẵn cũng giúp cô tiết kiệm được một khoản đáng kể. Cô cũng tham gia các nhóm mẹ bỉm sữa và chi tiêu để học hỏi kinh nghiệm và nhận được những mẹo vặt trong việc tiết kiệm chi tiêu dịp Tết.
Kế hoạch chi tiêu của Như bao gồm 2 phần là các khoản tiêu cho gia đình và các khoản cho đi.
1. Mua quà biếu Tết nội ngoại: 2 triệu đồng
Với số tiền 2 triệu này cô đã mua 2 giỏ quà với giá trị 500.000/giỏ và để lì xì 500.000. Giỏ quà này thay vì là bánh kẹo gần như không bao giờ động đến thì Như chọn mua những thứ như nấm khô, miến, măng khô... những đồ có thể dùng để nấu nướng trong dịp Tết.
2. Lì xì Tết: 1 triệu đồng
Vì gia đình không có nhiều con cháu và do năm ngoái gia đình có việc sẽ hạn chế đi chúc Tết nên khoản này Như chỉ cần 1 triệu là đủ.
1. Thực phẩm Tết: 3 triệu đồng
Để có thể đảm bảo không mua bán vượt hạn mức 4 triệu thì chắc chắn không thể mua được ê hề đồ ăn và đa dạng thực phẩm nhưng chắc chắn sẽ không thiếu thứ gì. Năm ngoái Như chỉ mua đúng 5 chiếc bánh chưng để đủ làm mâm cúng, 2 kg giò lụa, mua củ nhiều hơn mua rau để bảo quản được lâu, tránh việc phải mua rau vào ngày Tết sẽ bị đắt đỏ... Ngoài ra, Như đặt mua bánh kẹo và đồ uống online từ rất sớm nên mặc dù giá cả phải chăng nhưng vẫn không thiếu thứ gì.
2. Quần áo cho gia đình: 2 triệu đồng
Quần áo Như chỉ mua đồ mới cho ngày mùng 1 Tết còn lại thì con gái cô vẫn còn rất nhiều đồ đẹp có thể mặc đi chơi Tết mà không cần phải sắm thêm cho thừa mứa. Bản thân cô cũng chỉ sắm thêm 1 chiếc áo dài và 1 bộ đồ mới cho chồng. Thực chất, việc mua quần áo này chỉ hết 1,8 triệu đồng. Còn 200.000 dư ra này sau đó đã được chuyển sang mua 1 cành đào rất đẹp.
3. Chơi Tết: 1 triệu đồng
Khoản này chủ yếu là đi cafe với bạn bè hoặc cho con gái đi lễ, du xuân.
4. Phát sinh: 1 triệu đồng
Quả thật Tết năm ngoái nhà vẫn đủ đầy không thiếu bất kỳ thứ gì mà chỉ có duy nhất 10 triệu để chi tiêu cho tất cả. Năm nay, kinh tế vẫn chưa phục hồi, Như dự định vẫn sẽ tiếp tục phát huy thành công chi tiêu mua sắm Tết của năm ngoái để giảm tiền tiếu Tết xuống còn khoảng 8 triệu đồng nhưng vẫn chưa biết cắt giảm từ đâu.