Nhiều người tự hỏi, vì sao con người cần ăn uống?
Câu trả lời chính là: Ăn giúp cơ thể thư giãn, ăn để thu nạp chất dinh dưỡng và duy trì các hoạt động sống.
Thế nhưng, nếu ăn không đúng cách cũng dễ gây ra các căn bệnh truyền qua thực phẩm. Trong đó, lây truyền vi khuẩn HP là phổ biến nhất, loại vi khuẩn này có trong dạ dày của rất nhiều người Việt, có thể gây viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Ngoài ra, trong bữa cơm nhiều người cũng sử dụng những loại thực phẩm, thức uống kém lành mạnh gây tổn thương cho cơ thể. Những ngày đầu xuân năm mới, nhiều người thường tặc lưỡi bỏ qua những rủi ro mà những thói quen xấu này mang lại.
1. Uống rượu bia trong bữa ăn
Trong những ngày Tết, bia rượu là thứ không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Nhưng đã có không ít trường hợp nhập viện cấp cứu vì uống quá nhiều rượu.
Theo một bài báo đăng trên tạp chí The Lancet: Dù bạn uống bao nhiêu rượu cũng sẽ gây hại cho sức khỏe của bạn. Uống rượu lâu ngày có thể gây hại cho gan, tim, lá lách, tuyến tụy, dễ dẫn đến cao huyết áp, tim mạch và thậm chí là ung thư... Do đó trong ngày Tết dù ham vui tới đâu chúng ta cũng nên lưu ý đến việc hạn chế rượu bia.
2. Ăn khi thực phẩm còn nóng
Người Việt rất thích ăn những món nóng, nhất là khi thời tiết se lạnh thì các món ấm nóng càng được ưa chuộng. Nhưng bạn có biết rằng thói quen ăn đồ quá nóng này đang âm thầm đẩy bạn đến bờ vực của bệnh ung thư!
Khi thức ăn vượt quá 65 độ C sẽ gây sung huyết niêm mạc, gây viêm nhiễm. Nếu nhiệt độ vượt quá 70 độ C sẽ gây tổn thương trực tiếp đến thực quản và dạ dày. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn thức ăn có nhiệt độ cao trong 25 ngày liên tục có thể dẫn đến tăng sản các biểu mô thực quản, đây chính là dấu hiệu tổn thương tiền ung thư. Để đảm bảo an toàn cho cơ thể, nhiệt độ ăn uống phù hợp nhất chỉ nên ở mức 35-40 độ C.
3. Vừa ăn vừa nói chuyện hoặc xem điện thoại
Khi ngồi vào bàn ăn, hầu hết chúng ta không chỉ tập trung ăn uống mà thường kết hợp nhiều việc cùng một lúc: vừa nói chuyện với gia đình, vừa xem TV, vừa sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, thói quen này thực sự không tốt.
Vừa ăn vừa nói có thể là nguyên nhân làm lan truyền giọt bắn cho người xung quanh, trong giọt bắn đó có thể chứa nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh, nguy hiểm nhất là vi khuẩn HP. Không những thế, thói quen nói chuyện trong lúc ăn có thể khiến bạn bị hóc, bị nghẹn. Thậm chí, việc mất tập trung khi ăn còn khiến cho bạn có xu hướng nhai nhanh, nuốt nhanh hơn, điều này gây hại không nhỏ đến dạ dày.
Thói quen vừa ăn vừa xem TV, dùng điện thoại cũng rất nguy hiểm. Bởi thói quen này sẽ khiến một lượng lớn máu được đưa về não nên không thể hỗ trợ dạ dày tiêu hóa thức ăn. Thực phẩm chưa được hệ tiêu hóa xử lý sẽ tồn đọng lại, làm tăng gánh nặng cho dạ dày, gây đau dạ dày, ảnh hưởng đến hấp thu thức ăn. Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, các bác sĩ khuyên nên ăn chậm nhai kỹ để thức ăn sẽ được nghiền nhỏ hơn, giúp cho thức ăn được tiêu hóa triệt để hơn, đồng thời dạ dày cũng bớt "vất vả".
Ăn uống tưởng như chỉ là một việc làm quá đỗi đơn giản, nhưng nếu tiêu thụ đồ ăn thiếu khoa học chúng sẽ trở thành "con dao 2 lưỡi" gây hại cho sức khỏe. Bạn đã sẵn sàng để thay đổi những thói quen ăn uống tai hại của mình chưa?