Những người thực sự có quyền lực thường rất khiêm tốn, không bao giờ tự mãn và luôn đối xử lịch sự với người khác. Không giống những người có chút thành tích đã ồn ào muốn được mọi người biết đến. Càng không giống những người kiêu ngạo, luôn thích khoe khoang với người khác.
Kinh nghiệm và tinh thần là của cải lớn nhất đời người. Khi bước vào tuổi trung niên, bạn không nên ham khoe khoang những điều này ra ngoài dù quan hệ có thân thiết đến mấy.
Con người dù có bao nhiêu của cải cũng chỉ là phù du, thứ mà người đó thực sự được hưởng chỉ là một phần vạn.
Có một người bất ngờ phất lên nhờ gặp được một phi vụ thuận lợi. Người đàn ông sở hữu trong tay một khoản tiền rất lớn và quyết định sẽ mang hết tiền, chuyển về quê sống. Bạn bè đều khuyên anh ta nên suy nghĩ lại, sử dụng tiền để đầu tư và kinh doanh trên thành phố sẽ có lợi hơn.
Tuy vậy, người đàn ông không đồng ý: "Giờ tôi giàu rồi. Nếu không về quê chứng tỏ cho mọi người biết thì chẳng khác nào ăn diện mà đi trong đêm. Ai biết được thành quả của tôi?"
Vì vậy, anh ta gom hết tiền tài và khởi hành về quê ngay trong đêm.
Tuy nhiên, chỉ sau một vài năm, bạn bè ở thành phố lại thấy anh ta lên đây kiếm việc làm. Hỏi ra mới biết, người đàn ông này sau khi về quê thì việc làm ăn không thuận lợi, môi trường ở quê không thích hợp với ngành nghề kinh doanh của anh ta. Bên cạnh đó, họ hàng gần xa đều thường xuyên đến nhà, khi thì nhờ vả, khi thì hỏi vay tiền. Của cải cũng theo đó dần dần xói mòn.
Cuối cùng, anh ta quyết định quay trở lại thành phố để phát triển và không còn mong muốn khoe giàu với bất cứ ai.
Tiền không đáng sợ, nhưng điều đáng sợ là thái độ của con người khi đối mặt với của cải. Tiền bạc và quyền lực đôi khi có thể đưa con người ta lên quá cao, quên mất mình là ai, quên mất gốc gác như thế nào. Nhưng dù có bao nhiêu của cải đi chăng nữa thì chúng vẫn chỉ là vật ngoài thân.
Những người thực sự bản lĩnh không bao giờ cần dùng vật ngoài thân để tô điểm cho nội tại, bởi họ đủ tỉnh táo để hiểu rằng tiền bạc chỉ là một công cụ để khiến bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
Khi một người có của cải, điều anh ta cần nhất là tạo cho mình sự tự tin và khả năng giữ của cải. Có như vậy, cuộc sống mới tự do và dễ dàng.
Tác giả Somerset Maugham đã viết:
"Những gì chúng ta phải vượt qua là sự phù phiếm và ham muốn thể hiện của chính bản thân."
Có một câu chuyện cười kể rằng:
Một ngày nọ, một bác sĩ đi thuyền để ngắm cảnh.
Trên thuyền, bác sĩ hỏi người đánh cá: "Ông có biết về sinh học không?"
Người đánh cá nói không, và bác sĩ nói: "Vậy thì ông đã mất một phần tư cuộc đời".
Một lúc sau, bác sĩ lại hỏi: "Ông có biết về triết học không?"
Người đánh cá vẫn nói không.
"Vậy thì một phần tư cuộc đời của ông sẽ tiếp tục mất đi," bác sĩ nói.
Một lúc sau, bác sĩ hỏi: "Ông có biết về khoa học không?"
Người đánh cá vẫn nói không.
Đúng lúc này, một cơn gió mạnh thổi qua làm nổi lên những cơn sóng lớn, cả con thuyền chao đảo không ngừng.
Người câu cá mới hỏi lại bác sĩ: “Ông có biết bơi không?”
Bác sĩ nói không. Người đánh cá đáp: "Thế thì cuộc sống của anh sẽ kết thúc."
Câu chuyện cười mang mục đích đùa vui nhưng cũng phản ánh tâm lý của nhiều người trong cuộc sống thích tỏ ra tự mãn với những gì mình có được.
Một người giỏi giang sẽ sử dụng kiến thức để thúc đẩy bản thân. Chỉ có kẻ dại dột mới dùng để khoe khoang, thể hiện. Cách làm này không những không nhận được sự tôn trọng của người khác mà còn bộc lộ sự thiếu hiểu biết của chính mình.
Mục đích của việc học không phải để khoe khoang, mà là để tìm kiếm chân lý, gột rửa tâm hồn và khai sáng trí tuệ. Do đó, những người thực sự hiểu biết có xu hướng khiêm tốn và không bao giờ nói về thành tích.
Trên diễn đàn thảo luận Zhihu tại Trung Quốc có một câu hỏi như sau: "Làm sao để nhìn thấu một người?"
Một câu trả lời nhận được rất nhiều tán đồng có nội dung là:
"Bạn muốn biết trong lòng một người thiếu điều gì thì chỉ cần nhìn những gì anh ta thể hiện; nếu bạn muốn biết một người tự ti về điều gì thì chỉ cần nhìn vào những gì anh ta che giấu."
Khi chúng ta càng khao khát một điều gì đó thì càng muốn nói với cả thế giới khi đã có được nó trong tay.
Đồng nghiệp Tiểu Lý có thành tích tốt nên được lãnh đạo trọng dụng, thăng chức quản lý. Kể từ đó, anh ta không ngừng tự hào về hiệu suất của mình, và thường xuyên khoe khoang trước mặt người khác. Trước những sai sót nhỏ nhặt của đồng nghiệp, anh lại hay đứng ra để lên mặt dạy dỗ.
Qua một thời gian, mọi người trong công ty bắt đầu giữ khoảng cách nhưng Tiểu Lý không quá để tâm. Anh vẫn tin rằng mình đã đạt thành tựu tốt trong công việc thì những người khác đều nên tôn trọng bản thân.
Tuy vậy, một thời gian sau, Tiểu Lý nhận được một đơn hàng lớn cần sự hợp tác của nhiều người. Không một ai trong công ty sẵn sàng giúp đỡ anh. Họ đùn đẩy nhau hoặc mang thái độ làm việc cho có. Điều này khiến Tiểu Lý bực bội và quyết định tự thực hiện dự án một mình. Không may là cuối cùng anh đã mắc sai lầm, gây ra tổn thất không thể bù đắp cho công ty.
Trên thực tế, những người thực sự xuất sắc không bao giờ khoe khoang thành tích mà chỉ bình tĩnh và nỗ lực để cải thiện. Còn người phù phiếm thì mong muốn thể hiện càng nhiều càng tốt để được người khác tâng bốc, ngợi khen.
Theo: Aboluowang