3 “điểm mù” trong quản lý tài chính cá nhân: Điều số 2 là lầm tưởng của rất nhiều người

Ngọc Linh, Theo Nhịp sống thị trường 21:29 13/04/2024
Chia sẻ

Các mục tiêu lớn cần nguồn ngân sách dồi dào có thể sẽ “dễ” thực hiện hơn nếu bạn biết về 3 “điểm mù” này trong quản lý tài chính cá nhân.

Với nhiều người, việc quản lý tài chính cá nhân chỉ đơn thuần là tuân theo một danh sách toàn những điều “nhàm chán”, tựa như không bao giờ vay mượn để mắc nợ, luôn thanh toán các hóa đơn đúng hạn, ưu tiên trả lương cho mình trước bằng cách tiết kiệm ngay khi tiền về tài khoản,...

Tất cả những thói quen ấy đều tích cực, tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc áp dụng các quy tắc một cách máy móc trong vấn đề quản lý tài chính cá nhân có thể sẽ không thực sự hiệu quả, nếu bạn còn chưa biết về 3 “điểm mù” này.

1 - Quỹ khẩn cấp

Nếu bạn chưa biết: Quỹ khẩn cấp là khoản tiền dùng để trang trải trong các hoàn cảnh cấp bách, ngoài dự kiến như lúc ốm đau hoặc không may thất nghiệp. 3-6 tháng tiền sinh hoạt phí được coi là số tiền tối thiểu mà một người nên có trong quỹ khẩn cấp.

Cũng chính bởi định nghĩa này mà nhiều người nghĩ rằng chỉ cần có 6 tháng tiền sinh hoạt phí trong quỹ khẩn cấp là đã đủ để yên tâm.

3 “điểm mù” trong quản lý tài chính cá nhân: Điều số 2 là lầm tưởng của rất nhiều người - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Kamila Elliott - Giám đốc điều hành Collective Wealth Partners (Atlanta, Hoa Kỳ) cho biết cần rạch ròi việc chọn số tiền để dự phòng trong trường hợp khẩn cấp khi còn độc thân và khi đã có gia đình.

“Nếu bạn còn độc thân, bạn có thể chỉ cần 6 tháng tiền sinh hoạt phí trong quỹ khẩn cấp là đã tạm đủ. Tuy nhiên, khi bạn đã lập gia đình, câu chuyện sẽ rất khác. Tôi lấy ví dụ rằng bạn và người bạn đời cùng làm việc tại một công ty và không may cả hai bị mất việc vào cùng một thời điểm. Lúc này, 6 tháng sinh hoạt phí trong quỹ khẩn cấp có thể không đủ trang trải cho gia đình bạn, nhất là khi hai người đã có con.

Trong khi đó, một cặp vợ chồng có thu nhập như nhau nhưng làm việc ở các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau có thể chỉ cần ba tháng chi phí sinh hoạt trong quỹ khẩn cấp. Nếu một trong hai người không may mất việc, vẫn còn 1 người có thể tiếp tục tạo ra nguồn thu cho gia đình” - Elliott chia sẻ.

Sau đó, bà khuyên mọi người hãy quên cụm từ “3-6 tháng sinh hoạt phí trong quỹ khẩn cấp” đi, để tự suy nghĩ và tìm ra con số phù hợp với tình trạng hôn nhân cũng như tình trạng công việc, tiền bạc của bản thân hoặc gia đình ở thời điểm hiện tại.

2 - Điểm tín dụng

Bà Elliott khẳng định rằng người tiêu dùng thường không hiểu được hết tầm quan trọng của điểm tín dụng. Nhiều người nghĩ rằng việc bản thân chưa từng vay tiền ở ngân hàng hay các tổ chức tín dụng đồng nghĩa với việc điểm tín dụng của bản thân đang ở mức tốt.

Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn ngược lại.

3 “điểm mù” trong quản lý tài chính cá nhân: Điều số 2 là lầm tưởng của rất nhiều người - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nếu bạn chưa biết: Điểm tín dụng là một chỉ số phản ánh mức độ tín nhiệm của người vay, cho biết khả năng một khách hàng vay có thể trả nợ và thanh toán các khoản vay đầy đủ và đúng hạn.

“Điểm tín dụng tác động đến mức độ dễ dàng mà người tiêu dùng có thể nhận được khoản vay - như khoản vay tín chấp, vay thế chấp, vay tiêu dùng, mở thẻ tín dụng,... Đó là lý do nếu bạn đã từng vay ngân hàng/tổ chức tín dụng/thẻ tín dụng và luôn thanh toán đầy đủ, đúng hạn, điểm tín dụng của bạn sẽ cao hơn một người chưa từng vay mượn ở bất cứ đâu” - Bà Elliott chia sẻ.

3 - Quỹ nghỉ hưu

Nhắc đến việc tiết kiệm tiền nghỉ hưu, bà Elliott chỉ ra nhiều người có một niềm tin khá tai hại, rằng họ nghĩ họ sẽ tiêu ít tiền hơn khi đã nghỉ hưu.

“Nhiều người cho rằng chi tiêu của họ sẽ giảm khi họ nghỉ hưu, có lẽ chỉ còn khoảng 60-70% so với lúc còn đi làm và đang phải nuôi con. Điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Đành rằng khi tụi trẻ đã lớn và có thể sống tự lập, bạn sẽ không phải lo lắng, chu cấp cho chúng nữa. Nhưng lúc đó, vì bạn đã nghỉ hưu nên bạn có nhiều thời gian hơn để làm mọi thứ, bao gồm cả việc tiêu tiền” - Bà Elliott giải thích.

3 “điểm mù” trong quản lý tài chính cá nhân: Điều số 2 là lầm tưởng của rất nhiều người - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Để việc thiết lập ngân sách nghỉ hưu ít gặp sai số nhất, bà Elliott khuyên bạn nên hình dung càng cụ thể, chi tiết càng tốt, về cách bạn muốn sống khi đã nghỉ hưu. Ví dụ như bạn thích ở nhà, trồng cây, chăm sóc vườn tược; hay thích đi du lịch cùng người bạn đời,...

“Việc này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thiết lập ngân sách nghỉ hưu. Nhiều người chỉ nghĩ tới tiền điều trị các bệnh tuổi già hoặc chi phí tổ chức đám tang cho chính mình mà quên mất rằng mình có thể vẫn muốn tận hưởng, khám phá cuộc sống khi nghỉ hưu” - Bà Elliott khẳng định.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày