Có một câu nói vui thế này: "Chơi với sếp như chơi với hổ", bạn sẽ không bao giờ thực sự hiểu được sếp của bạn đang nghĩ gì. Ở vị trí lãnh đạo, sếp của bạn có nhiều ý tưởng và kế hoạch hơn bạn nghĩ. Tùy theo tình hình phát triển của công ty cũng như những thay đổi trong quản lý nội bộ, sếp của bạn sẽ có các sắp xếp nhân sự hợp lý, và kể cả bình thường bạn được sếp yêu quý đến đâu thì nguy cơ bạn bị sa thải vẫn hoàn toàn tồn tại.
Phần lớn thời gian, sự sa thải này sẽ có dấu hiệu hoặc những lời rào trước - dù không rõ ràng. Nếu bạn muốn có sự nghiệp thuận lợi và có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc, bạn cần học cách đọc hiểu những suy nghĩ thực sự ẩn chứa trong lời nói của sếp và có những lựa chọn đúng đắn. Một khi sếp có ý định "bỏ rơi" bạn, bạn nhận ra càng sớm thì càng có cơ hội thoát khỏi mớ bòng bong sớm.
Sếp có thể quan tâm đến nhân viên, nhưng nếu thực sự coi trọng nhân viên, sếp sẽ giao cho bạn những nhiệm vụ quan trọng hơn, bởi đó không chỉ là giao việc mà còn là một kiểu tin tưởng, hy vọng bạn có thể trưởng thành và nâng cao được năng lực chuyên môn.
Tranh minh họa: Antonio Sortino
Nếu một ngày đẹp trời, sếp đột nhiên tìm đến bạn và nói chuyện bằng giọng thân tình: "Tôi thấy dạo này cậu làm việc rất chăm chỉ, chắc là nhiều việc quá rồi. Cậu phải biết kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi để giảm bớt gánh nặng cho mình nhé".
Sau đó, sếp giao ngay công việc của bạn cho một nhân viên khác. Mặc dù bạn sẽ "dễ thở" hơn thật nhưng khi bạn ngày càng đảm nhiệm ít công việc quan trọng hơn đồng nghĩa với việc giá trị của bạn trong công ty cũng ngày càng thấp đi. Lúc này, sếp muốn tìm một người để thay thế bạn sẽ không phải là việc quá áp lực nữa.
Nhìn chung, mối quan hệ giữa sếp và nhân viên là giao dịch dựa trên giá trị. Nhân viên làm việc chăm chỉ để tạo ra giá trị, kiếm lợi nhuận về cho công ty và sếp trả lương cho họ. Chẳng có vị sếp nào lại không muốn nhân viên mình đạt nhiều thành tích hơn. Cái gọi là "giảm bớt gánh nặng" thường mang hàm ý rằng: "Cô/ cậu không còn đảm đương nổi nhiều nhiệm vụ quan trọng như vậy nữa, và tôi sẽ tìm người khác làm thay".
Đương nhiên, đây thường chỉ là lời cảnh báo trước. Khi nghe thấy câu này, hoặc là bạn phải làm việc chăm chỉ hơn để nâng cao giá trị đầu ra cho bản thân, hoặc là bạn phải chuẩn bị tìm một môi trường mới phù hợp hơn cho sự phát triển của bản thân.
CEO của một công ty tôi từng làm việc trước đây khá tinh tế, khi muốn thuyết phục nhân viên nghỉ việc, ông ta thường nói với đối phương một cách hòa nhã và rất có tính đóng góp rằng: "Người trẻ là phải biết lên dự định cho bản thân".
Lúc đầu tôi cũng bối rối, điều này có nghĩa là gì? Nhưng sau một vài lần nghe sếp nói vậy, tôi mới chợt hiểu điều thực sự sếp muốn bày tỏ là: "Cô/cậu đã không còn phù hợp với nơi này nữa, cô/cậu nên sớm có dự định tìm một công việc khác đi".
Tranh minh họa: Antonio Sortino
Nếu một vị sếp coi trọng nhân viên, ông ta thường sẽ nói về kế hoạch nghề nghiệp với nhân viên kết hợp với tình hình thực tế trong công ty và tạo cơ hội thăng tiến rõ ràng, để kích thích cảm giác thuộc về công ty của nhân viên.
Trong khi đó, nếu một vị sếp chỉ bảo nhân viên "lên dự định" hay "lập kế hoạch" mới, điều đó thường có nghĩa là đối phương có rất ít khả năng phát triển trong công ty, nếu được thì nên ra ngoài tìm kiếm cơ hội mới.
Vì vậy, đừng để sếp thất vọng, khi sếp nói những điều như thế này và không có ý gì là sẽ đề bạt, thăng chức cho bạn dù bạn đã cống hiến cho công ty không ít, bạn thực sự cần suy nghĩ nhiều hơn về việc phát triển sự nghiệp của mình và tìm cách thoát ra.
Tôi nhớ trong thời gian thực tập, tôi cũng tích cực thể hiện, mong nhận được sự quan tâm của cấp trên. Nhưng vì lý do nào đó, sếp có vẻ không thích tôi, và tôi tự nghĩ rằng có lẽ tôi đã không thể hiện đủ tốt.
Một lần trợ lý của sếp đi vắng và sếp phải tự in tài liệu. Có vẻ như vì không biết cách in hai mặt nên sếp in đi in lại vẫn chưa được. Thấy vậy, tôi đã đi tới và hỏi sếp có muốn tôi giúp không, nhưng sếp không buồn nhìn tôi mà nói luôn: "Cứ làm tốt việc của cậu trước đi".
Vừa nghe đã biết anh ấy rõ ràng có thành kiến với tôi. Không lâu sau đó, tôi xin chuyển bộ phận và gặp được một vị sếp rất tốt, con đường sự nghiệp của tôi cũng theo đó mà phát triển không ngừng.
Không có vị sếp nào không muốn nhân viên mình chăm chỉ, tích cực hơn. Khi một vị sếp yêu cầu nhân viên "cứ làm tốt việc của mình trước đi", hoặc là người ấy cho rằng nhân viên đó không có năng lực, hoặc là họ không có cảm tình và không nhìn thấy tương lai ở nhân viên này. Dù là vì lý do nào, với họ, việc giữ nhân viên này lại là hoàn toàn vô nghĩa.
Ở nơi làm việc, bạn thường cố gắng hết sức để hoàn thành tốt công việc nhằm đáp ứng kỳ vọng của sếp, nhưng đôi khi bạn sẽ gặp phải một vị sếp không đánh giá cao bạn, cho dù bạn có cố gắng đến đâu cũng là vô ích.
Lắng nghe tiếng nói của sếp và quan sát thái độ của sếp là việc không bao giờ thừa. Ở một diễn biến khác, đừng để thành kiến riêng của sếp làm ảnh hưởng đến sự tự tin của bản thân. Chỉ cần bạn không ngừng nâng cao giá trị của chính mình và tạo lập được sự tự tin, bạn sẽ có vô vàn sự lựa chọn phù hợp hơn ở ngoài kia.
Nguồn: QQ.com