Người Châu Á có một đặc điểm rất phổ biến khi nói, đó là mọi người hầu như đều không bao giờ nói thẳng, ai cũng rất uyển chuyển trong giao tiếp để không mất lòng nhau và tạo một thiện cảm nhất định trong lòng đối phương.
Trong giao tiếp giữa các cá nhân, vì lợi ích của nhau, người ta thường nói những câu "tử tế", những câu này đều là những lời hay ý đẹp, nhưng bạn tuyệt đối đừng quá ngây thơ mà tin tưởng, nếu không sẽ gặp rất nhiều rắc rối đấy.
Chẳng hạn như 3 câu sau đây, hãy lắng nghe cẩn thận, đừng biến mình thành một người có EQ kém.
1. Hôm nào tôi mời bạn ăn cơm nhé!
Ví dụ bạn tình cờ gặp lại một người bạn cũ, một người bạn đã rất lâu rồi không có liên lạc với nhau, hầu như lúc tạm biệt ai cũng sẽ nói một câu "hẹn hôm nào tôi mời bạn ăn một bữa nhé" để kết thúc buổi gặp gỡ. Câu nói có vẻ như rất nhiệt tình, nó cho bạn cái cảm giác rằng bản thân được xem trọng trong mắt người khác, bạn được họ đánh giá rất cao. Nhưng đừng quá ngây thơ mà tưởng câu này là thật, đừng nghĩ rằng họ sẽ thực sự mời bạn đi ăn vào một hôm đẹp trời nào đó, vì căn bản hôm đó sẽ chẳng bao giờ đến đâu.
Nếu đối phương thực sự muốn hẹn bạn, thì họ thường sẽ xác định một ngày cụ thể ngay lập tức. Ví dụ, "ngày mai tôi mời bạn ăn tối nhé, chúng ta sẽ tập trung lúc 3 giờ chiều mai", v.v..
Đừng quá ngây thơ trước lời mời của người khác - Ảnh: pinterest
Nói "hôm nào" chỉ là một lời mời cho có lệ mà thôi, họ muốn dùng một lời mời như thế để cuộc gặp gỡ có một cái kết "có hậu" và hòa nhã nhất. Trong tình huống này, nếu như bạn thật sự tin và chạy đi hỏi người ta là ngày mấy, mấy giờ thì sẽ rất là mất mặt đấy.
2. “Lúc nào có tiền thì trả”
Thông thường, khi bạn vay tiền của người khác, bên kia sẽ nói rằng đừng lo lắng, bạn có thể trả lại tiền bất cứ lúc nào. Có phải không?
Thật ra thì dù sao tiền cũng đã cho bạn mượn rồi, nếu bạn thật sự không trả thì về sau họ cũng sẽ không bao giờ cho bạn mượn thêm nữa, coi như bỏ tiền để cắt đi một mối quan hệ xấu thôi. Cho nên đã làm người tốt thì đành làm cho tới cùng, vì thế mà mọi người thường hay nói câu: "Tiền này khi nào bạn trả cũng được, tôi không gấp."
Như bạn thấy đấy, câu nói này có hai ý chính, một là họ không muốn phải nói sự thật mất lòng, rằng họ cần gấp; hai là họ muốn nói thế và xem phản ứng của bạn như thế nào, nếu bạn thật sự trì trệ việc trả tiền thì họ sẽ liệt bạn ngay vào danh sách "bạn xấu". Vì nếu đã mượn tiền thì chúng ta phải có trách nhiệm cho đối phương một cái hẹn sớm nhất có thể và cố gắng trả đúng hẹn chứ không phải là kì kèo hay im lặng thật lâu.
3. Khi nào rảnh liên lạc lại cho tôi nhé!
Thông thường khi tôi gặp lại khách hàng hoặc bạn bè cũ một cách vội vàng, đối phương thường sẽ nói "Khi nào rảnh liên lạc lại cho tôi nhé", và đó chỉ là một lời nói lịch sự không hơn không kém mà thôi. Bạn chỉ nên nghe cho vui thôi chứ đừng tưởng rằng đối phương thật sự coi trọng mình đến vậy.
Hãy lắng nghe cẩn thận, đừng biến mình thành một người có EQ kém - Ảnh: pinterest
Họ nói câu này có lẽ là vì họ muốn nhanh kết thúc cuộc trò chuyện với bạn để đi làm công việc của riêng họ. Ý nghĩa thật sự của câu nói này chính là nói cho bạn biết, có gì thì chúng ta sẽ nói sau nhé, tôi hiện tại đang bận, không tiện tiếp chuyện với bạn, tôi đi trước đây.
Nói đến cùng thì chung quy mọi người đều chỉ muốn hướng tới những điều đẹp đẽ mà thôi, chứ cũng chẳng có ý gì xấu cả, chỉ cần ai nấy đều hiểu chuyện là được. Cho nên, bạn không cần phải quá coi trọng những lời này. "Có rảnh thì liên lạc lại" cũng giống như "hôm nào mời đi ăn" vậy, đều là những mốc thời gian không có thật.
Trong giao tiếp giữa các cá nhân, chúng ta đều bị buộc phải nói dối vào một vài lúc. Phải học nói những lời hoa mỹ, học nói bằng một trí tuệ cảm xúc cao, đồng thời bạn cũng phải học biết được đâu là lời nói thật, đâu chỉ là lời khách sáo, có vậy thì mới không biến bản thân thành trò cười cho người khác.
Theo Sohu