20 năm sau vụ khủng bố 11/9: Những nỗi đau không thể chữa lành

Trang Phan, Theo VTV 09:42 11/09/2021

20 năm sau vụ tấn công khủng bố tại Mỹ hôm 11/9/2001, nước Mỹ và nhiều người dân Mỹ đã có sự thay đổi lớn.

20 năm trước, vào ngày 11/9/2001, nước Mỹ chứng kiến ​​cảnh máy bay được những kẻ khủng bố điều khiển lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York, Lầu Năm Góc ở Washington D.C và một cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania.

Gần 3.000 người thiệt mạng do hậu quả của các cuộc tấn công , trong đó có 19 tên không tặc từ nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Qaeda. Sở Cứu hỏa New York cũng mất đi 343 lính cứu hỏa - những người được điều động để giải cứu người sống sót khỏi các tòa tháp đổ nát của Trung tâm Thương mại Thế giới. Cho đến tận ngày hôm nay, hơn 13.300 người cũng đang được điều trị ung thư do ảnh hưởng từ vụ tấn công.

Các sự kiện của ngày hôm đó đã thay đổi nước Mỹ mãi mãi.

Những ký ức kinh hoàng và nỗi đau không thể chữa lành

8h46 sáng ngày 11/9/2001, ông Tom Canavan đang ở văn phòng, trên tầng 47, tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới trong một cuộc họp khi chiếc máy bay "Flight 11" của hãng American Airlines lao vào tòa nhà.

"Tất cả đột nhiên giống như một tiếng ồn lớn đang hút vào từ khoảng không, theo sau đó là một tiếng gầm và một vụ nổ. Chúng tôi loạng choạng không hiểu chuyện gì xảy ra".

Ông Canavan và các đồng nghiệp vội chạy xuống cầu thang để đến nơi an toàn. Trong khi họ đang cố gắng trốn thoát thì một chiếc máy bay thứ hai đã đâm vào tòa tháp Nam. Khi ông Canavan và các đồng nghiệp xuống được bên dưới cũng là lúc tháp Nam sụp đổ. Chưa đầy 30 phút sau, tháp Bắc cũng đổ. Họ bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

"Tôi bị đập xuống đất như một con bọ. Mọi thứ trở nên tối sầm".

Tất cả những gì Canavan nghĩ vào lúc này là về bữa tiệc sinh nhật lần thứ ba sắp tới của con trai mình và rằng có thể ông sẽ không bao giờ gặp đứa con gái nhỏ mà vợ mình đang mang thai.

"Một lúc sau, tôi bắt đầu ngửi thấy mùi khói và nhận ra, may rồi: Tôi còn sống".

Ông Canavan và một người khác đã sống sót trong gang tấc, nhờ một bức tường xi măng lớn đã đổ nghiêng bên trên họ, che chắn cho họ khỏi đống thép xoắn và các mảnh vỡ. 20 phút sau đó, họ mới nhìn thấy một tia sáng nhỏ và được hít thở chút không khí sau khi cố gắng bò lên.

"Tôi chui mình qua cái lỗ. Tôi bị thương từ đầu đến chân. Tôi mất hết cảm giác".

Nhiều đồng nghiệp của ông đã không may mắn được như vậy.

20 năm sau vụ khủng bố 11/9: Những nỗi đau không thể chữa lành - Ảnh 1.

Mọi người chạy khỏi 2 tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ do bị tấn công vào ngày 11/9/2001 (Ảnh: AP)

20 năm sau vụ khủng bố 11/9: Những nỗi đau không thể chữa lành - Ảnh 2.

Đường phố New York phủ đầy bụi và mảnh vỡ sau cuộc tấn công 11/9 (Ảnh: AP)

Ông Canavan cho biết trải nghiệm của ông vào ngày 11/9 đã trở thành di sản của ông.

"Tôi là một phần của 11/9, nó cũng là một phần của tôi" - ông nói.

"Kể từ đó đến nay, không có ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ đến ngày hôm đó. Nó sẽ không bao giờ biến mất. Tôi đã phải chấp nhận điều đó".

Giống với ông Canava, ông Will Jimeno cũng đã trải qua những điều không tưởng. 20 năm sau, ông Jimeno vẫn sống với nó. Một cái nẹp và một vết lõm dài bằng 1/4 chân trái của ông phản ánh những chấn thương đã kết thúc sự nghiệp cảnh sát của ông - đó là giấc mơ cả đời ông. Ông cũng mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Ông còn lưu giữ các đồ lưu niệm, bao gồm một cây thánh giá và tòa tháp đôi thu nhỏ được làm từ thép của tòa Trung tâm thương mại. Ông viết hai cuốn sách về việc chịu đựng thử thách.

"Nó không bao giờ biến mất, đối với những người đã ở đó ngày hôm ấy như chúng tôi" - ông Jimeno nói.

20 năm sau vụ khủng bố 11/9: Những nỗi đau không thể chữa lành - Ảnh 3.

Ông Will Jimeno, cựu sĩ quan cảnh sát được giải cứu khỏi đống đổ nát của vụ tấn công ngày 11/9/2001 và cuốn sách mà ông viết về sự sống sót, chịu đựng thử thách (Ảnh: AP)

Bà Désirée Bouchat dừng lại trước đài tưởng niệm 11/9 - nơi khắc những cái tên, trong đó có James Patrick Berger, người đã cứu sống bà. Lần cuối bà nhìn thấy Berger là ở tầng 101 của tòa tháp Nam.

Ban đầu, mọi người cho rằng vụ rơi máy bay ở tháp Bắc là do tai nạn. Không hề có lệnh sơ tán khẩn cấp cho tháp Nam. Nhưng ông Berger vẫn đưa bà Bouchat và các đồng nghiệp khác ra thang máy, sau đó quay lại để kiểm tra xem còn ai không. Ngay khi bà Bouchat ra khỏi tháp Nam, một chiếc máy bay khác đã lao vào nó. Gần 180 đồng nghiệp của bà Bouchat đã bỏ mạng, bao gồm cả ông Berger - người đã quay lại phòng làm việc để hỗ trợ người khác.

"Cảm giác như nó mới xảy ra ngày hôm qua" - bà Bouchat nói. Bà Bouchat đã chịu chấn thương tinh thần lớn và mất động lực sống. Bà không còn tha thiết với bất cứ điều gì, không quan tâm cả những lời nhận xét của người khác về mình. Nhưng giờ đây, bà nhận thấy phải làm điều gì đó về ngày kinh hoàng ấy. Hiện bà Bouchat trở thành hướng dẫn viên cho Bảo tàng Kỷ niệm 11/9.

20 năm sau vụ khủng bố 11/9: Những nỗi đau không thể chữa lành - Ảnh 4.

Bà Désirée Bouchat trước những bức ảnh của những người đã thiệt mạng trong sự kiện 11/9, trưng bày tại bảo tàng ở New York (Ảnh AP)

Sĩ quan cảnh sát Mark DeMarco của Đơn vị Dịch vụ Khẩn cấp (ESU) nay đã nghỉ hưu thì luôn lo sợ sự an toàn hiện tại chỉ là giả tạo. Đã 68 tuổi, ông DeMarco vẫn luôn đeo một chiếc vòng tay khắc tên của 14 thành viên ESU mất mạng ngày hôm đó.

"Hãy vui vẻ với cuộc sống" - ông nói - "nhưng hãy luôn cảnh giác".

20 năm sau vụ khủng bố 11/9: Những nỗi đau không thể chữa lành - Ảnh 5.

Ông Mark DeMarco trước tủ trưng bày, nơi ông lưu giữ những kỷ vật từ ngày 11/9, bao gồm cả chiếc đèn pin nhỏ mà ông đã sử dụng để thoát khỏi đống đổ nát (Ảnh: AP)

Còn ông Guy Sanders, người khi đó đang là giám sát viên bán thời gian cho một công ty xe cứu thương tư nhân thì đã quyết định làm việc toàn thời gian cho công ty này sau khi trải qua vụ khủng bố kinh hoàng.

"Tôi muốn khi mọi người cần tôi, tôi có thể đáp ứng ngay lập tức" - ông Sanders nói.

Tuy vậy, ông Sanders đã phải nghỉ hưu sớm do các vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả một căn bệnh ung thư hiếm gặp có liên quan đến việc hít khói bụi trong vụ khủng bố ở trung tâm thương mại.

Những người đã trải qua ngày 11/9 kinh hoàng mang những vết sẹo cả về thể chất và tinh thần. 20 năm sau, họ vẫn đang cố gắng vượt qua nỗi đau tưởng như mới hôm qua.

Sau 20 năm, nước Mỹ vẫn miệt mài đi xác minh danh tính nạn nhân

Hôm 7/9/2021, bà Dorothy Morgan và một người đàn ông giấu tên (theo yêu cầu của gia đình) đã trở thành nạn nhân thứ 1.646 và 1.647 của vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới được xác định danh tính, trong một công bố của Văn phòng Giám định Y tế Thành phố New York (OCME).

Danh tính của bà Dorothy Morgan đã được xác nhận thông qua xét nghiệm ADN các hài cốt được tìm thấy vào năm 2001. Danh tính của người đàn ông giấu tên được xác nhận thông qua xét nghiệm ADN các hài cốt được tìm thấy vào các năm 2001, 2002 và 2006, theo OCME.

Con gái của Morgan cho biết cô rất sốc trước thông báo này.

"Nó giống như bạn đang hồi tưởng lại tất cả một lần nữa" - chị Nykiah Morgan, con gái của bà Dorothy Morgan nói.

20 năm sau vụ khủng bố 11/9: Những nỗi đau không thể chữa lành - Ảnh 6.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót sau vụ tấn công hôm 11/9/2001 (Ảnh: AP)

Đây là 2 danh tính đầu tiên của các nạn nhân được xác minh kể từ tháng 10 năm 2019. Ông Mark Desire, trợ lý giám đốc Phòng Sinh học Pháp y OCME và quản lý Nhóm Nhận dạng ADN của Trung tâm Thương mại Thế giới, cho biết công nghệ mới đã giúp họ xác minh.

"Chúng tôi rất may mắn khi các kỹ thuật hiện đại nhất mà chúng tôi đang áp dụng hiện nay đã được sử dụng trên những thứ này và cuối cùng có thể lấy đủ ADN để nhận dạng" - ông Desire nói thêm - "Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục thúc đẩy khoa học. Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy pháp y vào tương lai. Và chúng tôi có thể tiếp tục sứ mệnh này và thực hiện những cam kết với các gia đình nạn nhân vào 20 năm trước".

20 năm sau vụ khủng bố 11/9: Những nỗi đau không thể chữa lành - Ảnh 7.

Tên những người đã thiệt mạng trong vụ tấn công 11/9/2001 tại Đài tưởng niệm và Bảo tàng 11/9 (Ảnh: Reuters)

Hiện khoảng 1.106 nạn nhân, hay 40% trong số những người đã chết, vẫn chưa được xác định danh tính.

Chỉ vài ngày trước khi lễ kỷ niệm 20 năm diễn ra cuộc tấn công kinh hoàng, nước Mỹ vẫn miệt mài đi xác minh danh tính của các nạn nhân.

Vụ tấn công thay đổi cái nhìn về khủng bố và an ninh của nước Mỹ

Sự kiện 11/9 là cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất trên đất Mỹ, châm ngòi cho các cuộc chiến tranh quốc tế ở Afghanistan và Iraq. Nước Mỹ cũng thành lập Bộ An ninh nội địa Mỹ và từ đó theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố dai dẳng.

Cuộc tấn công 11/9 đã khiến Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush phải triển khai quân đội Mỹ đến Afghanistan để truy lùng các chiến binh al-Qaeda, được cho là có thể được đứng sau bởi một nhóm chiến binh Hồi giáo khác: Taliban.

20 năm sau vụ khủng bố 11/9: Những nỗi đau không thể chữa lành - Ảnh 8.

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đang có bài phát biểu tại một trường học khi nghe tin về vụ tấn công sáng ngày 11/9/2001 (Ảnh: AFP)

Dưới sự lãnh đạo của George W. Bush, Mỹ đã đáp trả vụ tấn công 11/9 bằng cách phát động "cuộc chiến chống khủng bố", bắt đầu từ Afghanistan, nơi âm mưu của al-Qaeda được hình thành và tổ chức.

20 năm sau vụ khủng bố 11/9: Những nỗi đau không thể chữa lành - Ảnh 9.

Quân đội Mỹ tại Afghanistan (Ảnh: AP)

Cuộc chiến này đã diễn ra lâu hơn dự kiến. Sau vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011, 56% người Mỹ cho biết họ ủng hộ việc rút quân khỏi Afghanistan.

Đúng 20 năm sau sự kiện 11/9, cuộc chiến mới kết thúc. Vào ngày 31/8/2021 , chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hoàn tất việc rút toàn bộ quân khỏi khu vực.

Tuy vậy, theo khảo sát của USAtoday, cứ 10 người Mỹ thì có 7 người tin rằng nước Mỹ đã không đạt được mục tiêu của mình ở Afghanistan. Chỉ 8% người Mỹ nói rằng việc rút khỏi Afghanistan giúp họ an toàn hơn trước khủng bố, so với 44% số người được hỏi cho rằng việc rút quân khiến cuộc sống trở nên kém an toàn hơn.

Quan điểm của người Mỹ về khủng bố cũng thay đổi. Trong một cuộc khảo sát gần đây của hãng tin Washington Post, 93% người Mỹ từ 30 tuổi trở lên cho biết họ có thể nhớ chính xác họ đang ở đâu hoặc đang làm gì vào lúc biết tin về vụ khủng bố 11/9 /2001. Trong 6 thập kỷ qua, chỉ có vụ ám sát Kennedy là gây sức ảnh hưởng lớn như vậy - tác động sâu rộng và lâu dài.

Khảo sát được công bố vào đầu tháng 8 cho thấy 64% người Mỹ - tỷ lệ cao nhất từ ​​trước đến nay - nói rằng sự kiện 11/9 đã thay đổi vĩnh viễn cách người Mỹ sống. Có một số người đáng kể e ngại việc đi máy bay hơn. Họ cũng sợ đi vào các tòa nhà chọc trời, tham dự các sự kiện đông người hoặc đi du lịch nước ngoài hơn so với trước khi sự kiện này xảy ra.

Bảng 1: Tỷ lệ phần trăm người Mỹ cho rằng sự kiện 11/9/2001 đã thay đổi nước Mỹ

Thời gian khảo sát

Theo hướng tốt hơn

Theo hướng tệ hơn

Tháng 9/2002

55%

27%

Tháng 9/2011

39%

42%

Tháng 9/2021

33%

46%

Nguồn: Cuộc thăm dò của Washington Post - ABC News

Tương tự, những nhận định trước đó cho rằng phản ứng của chúng ta đối với sự kiện 11/9 giúp chúng ta an toàn hơn trước các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai đã trở nên phổ biến hơn.

Bảng 2: Tỷ lệ % người Mỹ cho rằng nước Mỹ an toàn hơn hay kém an toàn hơn trước chủ nghĩa khủng bố

Năm thực hiện khảo sát

An toàn hơn

Kém an toàn hơn

2003

67%

27%

2011

64%

25%

2021

49%

41%

Nguồn: Cuộc thăm dò của Washington Post - ABC News

Các tiêu chuẩn an ninh, an toàn tại Mỹ cũng đã thay đổi. Mỹ đã cho tăng cường an ninh ở tất cả các tòa nhà chính phủ và nhiều tòa nhà tư nhân. Tại sân bay, thời gian đến trước giờ bay 2 tiếng trở thành tiêu chuẩn mới. Cuộc chiến chống khủng bố cũng vô hình thúc đẩy phong trào chống người nhập cư và bài ngoại ở nhiều nơi tại Mỹ. Việc giám sát, khám xét người nhập cư cũng được tiến hành nghiêm ngặt hơn.

Bên cạnh đó, cũng có những thay đổi đối với các quy tắc và tiêu chuẩn xây dựng nhằm cải thiện tính năng, kết cấu của các tòa nhà cao tầng, cũng như gia tăng các cơ hội để thoát hiểm (chẳng hạn như các yêu cầu bổ sung về cầu thang bộ).

20 năm sau thảm họa, nhiều người biết trân trọng cuộc sống hơn

Ký ức về vụ tấn công là nỗi ám ảnh, nhưng cũng là bài học, là hồi chuông thức tỉnh để nhiều người biết trân trọng cuộc sống và sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.

"Trải nghiệm của tôi từ thảm họa đó là một sự biết ơn to lớn khi bạn biết rằng mình đã sống sót kỳ diệu" - ông Bruce Stephan, một người sống sót trong vụ tấn công 11/9 nói.

"Nó gần giống như khi bạn được tái sinh ... khi biết rằng bạn còn sống và bạn vẫn còn một cơ hội để sống, và đây là cơ hội để bạn làm điều gì đó".

Sau vụ tấn công khủng bố, nhiều người dân ở Thành phố New York quyết tâm thay đổi cuộc sống vốn chỉ biết đến công việc của họ.

Trong vòng 2 tháng sau vụ tấn công, vợ chồng ông Stephan chuyển đến Essex, một thị trấn phía bắc New York với khoảng 700 người. Họ đi làm xa hơn nhưng ở đây họ có cả một cộng đồng, thời gian rảnh rỗi, họ đến nhà thờ, câu lạc bộ sách, nhà hát nghiệp dư, làm vườn, họp quy hoạch và tham gia bản tin địa phương với những người trong vùng. Và những hoạt động này chỉ dừng lại khi có dịch COVID-19.

Thở qua mặt nạ dưỡng khí trên giường bệnh, bà Wendy Lanski tự nhủ: "Nếu vụ khủng bố 11/9 đã không giết nổi mình, thì chắc chắn mình cũng không chết vì COVID-19".

20 năm trước, bà Wendy - một quản lý bảo hiểm y tế đã chạy thoát khỏi tòa tháp Bắc và bằng chân trần xuyên qua đám bụi mù mịt trong khi 11 đồng nghiệp của bà thiệt mạng.

"Điều tốt duy nhất khi sống sót sau một thảm kịch hoặc một thảm họa thuộc bất kỳ hình thức nào là nó chắc chắn khiến bạn trở nên kiên cường hơn" - bà Lanski nói.

20 năm sau vụ khủng bố 11/9: Những nỗi đau không thể chữa lành - Ảnh 10.

Ông Will Jimero cho biết ông trân trọng cuộc sống hơn sau khi sống sót trong vụ khủng bố 11/9/2001 (Ảnh: AP)

Còn ông Will Jimeno - người đã trải qua các cuộc phẫu thuật và phục hồi chức năng kéo dài đằng đẵng, người vẫn đang phải chịu ảnh hưởng tâm lý cũng cho biết: "Vụ tấn công dù sao cũng đã thúc đẩy tôi sống một cuộc đời ý nghĩa hơn".

Ông đã kể câu chuyện của mình trong hai cuốn sách "Người nhập cư, người Mỹ, người sống sót" dành cho trẻ em và cuốn "Bình minh qua bóng tối" - nói về việc đương đầu với chấn thương. Câu chuyện của ông cũng được kể trong bộ phim "World Trade Center" (tựa đề tiếng Việt: "Cận kề cái chết") của đạo diễn Oliver Stone vào năm 2006. Cựu binh Hải quân Mỹ hy vọng rằng, mọi người nhìn thấy trong câu chuyện của ông "sự kiên cường của tâm hồn con người, tinh thần Mỹ" và sức mạnh của những người có thể vượt lên hoàn cảnh tồi tệ để sống một cuộc đời tốt đẹp hơn.