20 lần Hollywood khiến fan nguyên tác Nhật nổi giận (Phần 2)

Nguyên Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 10:58 31/10/2017

Tham vọng chuyển thể của Hollywood đã tạo ra hàng loạt phiên bản live-action thảm họa cho các tác phẩm manga, anime hay trò chơi điện tử đình đám của đất nước mặt trời mọc.

Dưới góc nhìn điện ảnh, phim chuyển thể không dễ gì thực hiện vì chúng phải truyền tải thành công bản sắc, tinh hoa của nguyên tác trong thời lượng giới hạn. Đã có rất nhiều sản phẩm do Hollywood thực hiện dựa trên hàng loạt thương hiệu ăn khách từ xứ sở mặt trời mọc bị liệt vào hàng thảm họa. Nối tiếp bài viết về 10 thảm họa live-action chuyển thể từ manga/anime, bài viết hôm nay sẽ đề cập đến 10 thảm họa còn lại có nguồn gốc trò chơi điện tử.

1. Super Mario Bros. (1993)

Điểm số IMDb: 4.0/10

Super Mario Bros. là trò chơi điện tử kinh điển do Nintendo phát triển. Người chơi sẽ điều khiển hai chàng thợ sửa ống nước Mario, Luigi vượt qua mọi chướng ngại vật suốt đường đi để giải cứu nàng công chúa Daisy xinh đẹp. Được xem như xuất phẩm đầu tiên trong lịch sử bộ môn nghệ thuật thứ bảy chuyển thể từ game, tuy nhiên Super Mario Bros. 1993 lại trở thành quả bom xịt đáng quên.

20 lần Hollywood khiến fan nguyên tác Nhật nổi giận (Phần 2) - Ảnh 1.

Trước kịch bản chấp vá, xa rời nguyên tác và hàng loạt vụ lùm xùm đằng sau hậu trường, Super Mario Bros. lỗ nặng khi doanh thu phòng vé chỉ tầm 21 triệu USD so với kinh phí đầu tư lên đến 48 triệu USD. Cây viết phê bình Roger Ebert đánh giá bộ phim có chất lượng tệ hại nhất năm 1993. Chính vợ chồng đạo diễn Rocky Morton, Annabel Jankel phải chua chát thừa nhận: "Nó là sự sỉ nhục".

2. Double Dragon (1994)

Điểm số IMDb: 3.7/10

Chắc hẳn đa số thế hệ game thủ 8x, 9x đời đầu đều từng trải nghiệm qua tựa game beat'em up Double Dragon (hay gọi thân mật bằng cái tên Đá Quay) xoay quanh hành trình trừ gian diệt bạo của hai anh em giỏi võ Billy, Jimmy. Tại phiên bản live action ăn theo năm 1994, cặp đôi ấy sẽ đối đầu tay trùm cuồng loạn Koga Shuko, kẻ lăm le chiếm đoạt mảnh bùa cổ quyền năng nhằm thống trị thế giới.

20 lần Hollywood khiến fan nguyên tác Nhật nổi giận (Phần 2) - Ảnh 2.

Nối bước bậc đàn anh Super Mario Bros., Double Dragon tiếp tục gây thất vọng lớn bởi mô típ phiêu lưu giải cứu nhân loại cũ mèm. Thậm chí tình tiết câu chuyện cũng chẳng hề ăn nhập gì nội dung trò chơi, mức độ bạo lực được cắt giảm tối đa để thu hút đối tượng thiếu nhi. Nhà phê bình Felix Vasquez Jr. dí dỏm nhận xét rằng: "Ngay cả lúc 11 tuổi tôi vẫn thấy Double Dragon dở tệ".

3. House of the Dead (2003)

Điểm số IMDb: 2.0/10

Dựa trên loạt game dài hơi thuộc thể loại bắn súng hồng tâm của hãng Sega, House of the Dead kể về nhóm sinh viên đại học đặt chân lên hòn đảo bí hiểm giữa biển khơi để tổ chức tiệc tùng. Nỗi kinh hoàng bắt đầu khi họ dần phát hiện bầy xác sống khát máu cùng lũ sinh vật đáng sợ ẩn náu, rình rập trong khu rừng xung quanh.

20 lần Hollywood khiến fan nguyên tác Nhật nổi giận (Phần 2) - Ảnh 3.

Tương tự hầu hết dự án điện ảnh do đạo diễn "thảm họa" Uwe Boll thực hiện, House of the Dead bị cộng đồng fan, giới chuyên môn phản đối dữ đội. Nó hoàn toàn thất bại ở mọi mặt. Kịch bản đầy rẫy lỗ hổng, tuyến nhân vật ngu ngốc, hậu kì lười biếng tới mức sử dụng video gameplay chèn vào phim tổng cộng 34 lần. Tờ New York Daily News mỉa mai: "Kết quả giống như vừa coi một video trò chơi vậy".

4. DOA: Dead or Alive (2006)

Điểm số IMDb: 4.8/10

Giải thi đấu võ thuật quốc tế DOA vốn nổi tiếng bởi tính chất khốc liệt, nơi quy tụ những cao thủ thượng thừa. Bốn nữ chiến binh xinh đẹp - sát thủ gợi cảm Christie, tay đô vật nhà nghề Tina Amstrong, công chúa ninja Kasumi và con gái trưởng ban tổ chức Helena - phải phối hợp cùng nhau nhằm vạch mặt thế lực xấu xa đang âm thầm thao túng cuộc thi.

20 lần Hollywood khiến fan nguyên tác Nhật nổi giận (Phần 2) - Ảnh 4.

Đối với một series đánh võ đài trứ danh về dàn "dreamgirls" chân dài, bốc lửa thì việc nhà sản xuất lựa chọn dàn diễn viên có thân hình… thiếu lửa khiến giới game thủ không mấy mặn mà. Hơn nữa, trường phái cộng đòn đánh các nhân vật cũng lộn xộn, khác xa nguyên tác. Sự lạm dụng quá đà kỹ xảo hình ảnh mang hơi hướng kungfu Hong Kong làm yếu tố hành động kém chân thực. Tóm lại, DOA: Dead or Alive đã chìm nghỉm y hệt cái tên của mình.

5. Street Fighter: The Legend of Chun-Li (2009)

Điểm số IMDb: 3,7/10

Thưở bé, Chun-Li vô tình chứng kiến cha bị ông trùm tội phạm quyền lực M.Bison bắt cóc. Cô quyết tâm rèn luyện sức mạnh, lên đường cứu cha và trở thành khắc tinh tội phạm đường phố nổi tiếng. Phát hành đúng dịp thương hiệu trò chơi đối kháng huyền thoại Street Fighters kỉ niệm tròn 20 tuổi, The Legend of Chun-Li như gáo nước lạnh dội thẳng xuống những người hâm mộ.

20 lần Hollywood khiến fan nguyên tác Nhật nổi giận (Phần 2) - Ảnh 5.

Ngoại trừ tên tuổi, xuất xứ nhân vật, khán giả sẽ cảm thấy chẳng còn chút gì quen thuộc gợi nhớ tới dòng game này. The Legend of Chun-Li nhận lấy cơn mưa chỉ trích, chủ yếu xoáy vào câu chuyện nhạt nhẽo, diễn viên đờ đẫn không cảm xúc. Chuyên trang Film Threat bình luận: "Trải nghiệm hành động đó làm chúng tôi chán muốn phát khóc".

6. The King of Fighters (2010)

Điểm số IMDb: 3.1/10

Hai kình địch tưởng chừng không đội trời chung, Iori Yagami và Kyo Kusanagi buộc phải hợp tác với cô nàng đặc vụ CIA Mai Shiranui để ngăn chặn âm mưu khủng khiếp mà gã độc tài Rugal Bernstein đang ấp ủ trong mùa giải Quyền Vương năm nay: triệu hồi linh hồn quỷ vương Orochi xuống dương gian.

20 lần Hollywood khiến fan nguyên tác Nhật nổi giận (Phần 2) - Ảnh 6.

Nếu xem Dragonball: Evolution là "sự xúc phạm tồi tệ nhất người Mỹ dành cho nước Nhật kể từ hai quả bom nguyên tử" trên phương diện truyện tranh thì The King of Fighters là "sự xúc phạm" tiếp theo bên mảng trò chơi điện tử. Tuyến nhân vật bị đảo lộn lẫn thay đổi hoàn toàn tiểu sử, năng lực võ công. Lối dẫn chuyện rối rắm, dài dòng kết hợp kĩ xảo nghèo nàn khiến bộ phim hứng hàng tấn "gạch đá".

7. Tekken (2010)

Điểm số IMDb: 4.8/10

Năm 2039, thế giới chịu hủy hoại nặng nề qua các cuộc chiến tranh, tập đoàn hùng mạnh Tekken nắm quyền chi phối mọi thứ. Phát hiện người mẹ thân yêu bị thành viên Tekken sát hại, chàng trai trẻ Jin Kazama tham gia giải đấu Thiết Quyền Vương nhằm có cơ hội đối đầu và tiêu diệt kẻ đầu sỏ đã gieo rắc tang thương cho gia đình anh.

20 lần Hollywood khiến fan nguyên tác Nhật nổi giận (Phần 2) - Ảnh 7.

Đổ bộ màn ảnh rộng cùng thời điểm với "sự xúc phạm" The King of Fighters, Tekken 2010 tỏ ra không hề kém cạnh khi cũng thất bại thảm hại ở cả mặt chất lượng lẫn doanh thu. Xuất phẩm hành động này bị đánh giá thua xa mức độ hoành tráng, khốc liệt như game mang lại. Sau thất bại cay đắng trên, tới nay không có một tác phẩm nào được chuyển thể từ thể loại game đối kháng nữa.

8. Resident Evil: Retribution (2012)

Điểm số IMDb: 5.4/10

Nội dung thương hiệu bắn súng diệt zombie Resident Evil đã truyền cảm hứng cho series điện ảnh cùng tên. Xoay quanh mầm bệnh T-virus chết người do tập đoàn Umbrella tạo nên, phần phim đầu tiên được đánh giá khá cáo. Tuy nhiên, chất lượng những phần tiếp theo hay trồi sụt bất thường mà đỉnh điểm thảm họa là Resident Evil: Retribution.

20 lần Hollywood khiến fan nguyên tác Nhật nổi giận (Phần 2) - Ảnh 8.

Bộ phim quá mải mê khoe khoang kỹ xảo, hiệu ứng hoành tráng bất chấp truyện đơn giản, thiếu điểm nhấn. Nữ chính Milla Jovovich (kiêm vợ đạo diễn) mặc sức tung hoành, dìm hàng thảm thương tuyến nhân vật châu Á vốn được nhiều game thủ yêu thích. Một tác phẩm "tẩy trắng" tồi tệ mà bất kỳ fan nào cũng nên tránh.

9. Silent Hill: Revelation (2012)

Điểm số IMDb: 5.0/10

Nhiều năm qua, Sharon Da Silva luôn bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng kì lạ. Chúng liên tục thôi thúc cô tìm đến một thị trấn hẻo lánh có tên Silent Hill. Tại đây, Sharon Da Silva dần khám phá ra hàng loạt bí mật đen tối về bản thân mình cũng như tung tích người cha đã mất tích bí ẩn từ rất lâu.

20 lần Hollywood khiến fan nguyên tác Nhật nổi giận (Phần 2) - Ảnh 9.

Silent Hill 2006 là một trong số ít tác phẩm truyền tải được không khí kinh dị, căng thẳng của trò chơi lên phim. Đáng tiếc thay, kì tích này chẳng còn lặp lại với Silent Hill: Revelation. Bộ phim gây thất vọng tràn trề. Cốt truyện đầy lỗ hổng phi lý, không khí đáng sợ cũng chẳng còn mà thay vào đó là những con quái vật cuồn cuộn cơ bắp hung tợn, màn giải đố nhạt nhẽo là những chi tiết khiến người xem thở dài ngao ngán.

10. Pixels (2015)

Điểm số IMDb: 5.6/10

Pixels sở hữu ý tưởng vô cùng sáng tạo khi lấy bối cảnh trái đất bỗng nhiên đối mặt với cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh. Điều kỳ quặc là chúng hoạt động theo cách thức giống hệt những trò chơi 8 bit kinh điển thập niên 80-90 như Donkey Kong, Galaga, Pac-Man hay Centipede... để tấn công loài người và biến mọi thứ thành những điểm ảnh.

20 lần Hollywood khiến fan nguyên tác Nhật nổi giận (Phần 2) - Ảnh 10.

Pixels đã có thể trở thành một tác phẩm chuyển thể thành công nếu khắc phục được đường dây tình tiết dài dòng cùng các màn đối thoại lê thê, nhảm nhí. May mắn cho bộ phim là doanh thu phòng vé khả quan giúp nam tài tử Adam Sandler cùng nhóm ekip có thể thở phào nhẹ nhõm.