Chỉ vài tuần trước, chúng ta đau lòng chứng kiến cái chết của shipper Trần Thành ở Đà Nẵng - một mạng người ra đi chỉ vì vài trăm nghìn đồng và một đánh giá sao trên ứng dụng. Giờ đây, sự phẫn nộ lại dâng trào khi anh Nguyễn Xuân Hưng, một shipper khuyết tật ở Hà Nội, phải chịu những cú đấm trời giáng từ một tài xế xe sang Lexus.
Đau lòng thay, đó không phải là những trường hợp hiếm hoi, mà chỉ là lát cắt trong chuỗi bạo lực vô lý mà những tài xế xe ôm, shipper - những người lao động thấp cổ bé họng - phải chịu đựng mỗi ngày.
Những vụ tài xế, shipper bị hành hung trong thời gian qua khiến dư luận phẫn nộ
30 giây với 20 cú đấm
Camera an ninh của người dân trong ngách 50, ngõ 310 phố Nghi Tàm (Hà Nội) ghi lại toàn bộ sự việc: khoảng 12h trưa 10-2, anh Nguyễn Xuân Hưng đang chở hàng nặng từ trong ngách đi ra thì gặp ô tô Lexus tiến vào. Dù đã chủ động dừng xe nhường đường, nhưng do ngõ nhỏ, hai bên xảy ra va chạm. Đáng lẽ đây chỉ là một sự cố giao thông bình thường, nhưng tài xế xe sang Lexus không những không giữ bình tĩnh mà còn xuống xe, buông lời chửi bới rồi trút cơn giận dữ lên anh Nguyễn Xuân Hưng – một shipper chỉ đang mưu sinh bằng đôi tay khiếm khuyết của mình.
Trong vòng 30 giây, tài xế Lexus đã tung gần 20 cú đấm vào mặt, đầu nạn nhân, thậm chí còn dùng mũ bảo hiểm đập mạnh đến mức vỡ nát. Anh Hưng hoàn toàn “chịu trận”, không hề phản kháng, chỉ có thể giơ tay che chắn trong tuyệt vọng.
Nhân chứng cũng cho biết anh bị mất một bàn tay nên gặp nhiều khó khăn khi lùi chiếc xe máy đang chở hàng nặng.
Tối 11/2, Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự tài xế Lexus là Tống Anh Tuấn (SN 1982, trú phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích.
Những nạn nhân của sự ngông cuồng
Shipper, tài xế xe ôm công nghệ thường là những người lao động phổ thông, mưu sinh dựa vào công việc chạy xe mỗi ngày. Họ không có nhiều quyền lực, cũng không có vị thế để bảo vệ mình trong các tình huống bị khách hàng hoặc người tham gia giao thông khác gây sự. Đặc biệt, khi đối diện với những kẻ hung hăng, họ ít có cơ hội chống trả, bởi một khi xảy ra xung đột, họ chỉ có thể nhẫn nhịn hoặc tìm cách thoát thân.
Chính sự yếu thế này khiến họ dễ trở thành mục tiêu bị tấn công. Những người có xu hướng côn đồ, thích thể hiện quyền lực thường chọn những đối tượng yếu thế này để trút giận.
Họ biết rằng shipper hay tài xế xe ôm thường không có khả năng phản kháng, không có ai đứng sau bảo vệ ngay lập tức, nên dễ dàng ra tay.
Anh Nguyễn Xuân Hưng không phải là nạn nhân duy nhất của những vụ hành hung vô cớ. Chỉ một ngày trước khi anh bị đánh, một nữ tài xế công nghệ, chị T.N.H.N (31 tuổi), cũng phải hứng chịu những cú đập tới tấp từ chiếc nón bảo hiểm của một nữ hành khách chỉ vì chị từ chối đi sai lộ trình vào tối ngày 9/2 ở TP.HCM
Theo lời kể của chị N., chị nhận một cuốc xe qua ứng dụng, đón nữ hành khách tại quán karaoke trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, điểm đến là đường Nguyễn Thị Thảnh. Trong quá trình di chuyển, nữ hành khách yêu cầu chị N. rẽ sang hướng khác để mua đồ. Tuy nhiên, chị N. từ chối vì lo ngại việc đi sai định vị sẽ bị công ty xử lý và khóa ứng dụng. Chị đã giải thích và mong hành khách thông cảm.
Khi xe đến điểm trả khách trên đường Nguyễn Thị Thảnh, nữ hành khách bất ngờ dùng nón bảo hiểm tấn công vào đầu, cổ và lưng chị N. Bị tấn công bất ngờ, chị N. hoảng sợ bỏ xe chạy thoát thân nhưng vẫn bị người khách này đuổi theo đánh tiếp.
Bạo lực không chỉ đến từ những khách hàng bất chấp lý lẽ, mà còn từ những kẻ mang trên mình cái gọi là địa vị, quyền lực. Như trường hợp của nam shipper Trần Thành ở Đà Nẵng – người đã bị đánh đến tử vong, để lại vợ trẻ và con thơ 5 tuổi.
Câu chuyện của anh Thành bắt đầu từ một đơn hàng vỏn vẹn 375.000 đồng. Vì bị khách hàng đánh giá thấp trên ứng dụng, anh bị công ty phạt 500.000 đồng. Anh chỉ muốn tìm đến để giải thích và mong được gỡ đánh giá, vậy mà đó lại là lần cuối cùng anh về nhà. Một nhóm người từ chủ cửa hàng đến những thanh niên ngông cuồng đã lao vào đánh anh không thương tiếc. Trong cơn hỗn loạn, một mạng người đã bị tước đoạt theo cách tàn nhẫn nhất.
Xã hội văn minh không có chỗ cho thói côn đồ
Trong các vụ bạo hành kể trên, điểm chung là nạn nhân đều bị tấn công bất ngờ, không có khả năng chống trả, còn những kẻ gây án thì hành xử ngang tàng, thậm chí bỏ đi như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Từ những cú đấm giáng xuống anh Hưng, chiếc nón bảo hiểm vung vào mặt chị N., đến cái chết oan nghiệt của anh Thành – tất cả những câu chuyện này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Khi người lao động nghèo ngày càng dễ trở thành mục tiêu của bạo lực, ai sẽ bảo vệ họ?
Trước hết, các công ty cung cấp dịch vụ xe ôm công nghệ cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ tài xế của mình. Các chính sách bảo vệ tài xế trước những trường hợp bị khách hành hung cần được áp dụng chặt chẽ, đi kèm với các cơ chế hỗ trợ pháp lý khi tài xế bị tấn công.
Bên cạnh đó, chính quyền và lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp hành hung tài xế. Những kẻ có hành vi bạo lực phải bị trừng trị thích đáng để răn đe, tránh tình trạng coi thường pháp luật.
Các tài xế cũng cần được trang bị kỹ năng tự vệ và xử lý tình huống khẩn cấp. Việc lắp đặt camera trên xe, sử dụng các nút khẩn cấp để gọi trợ giúp cũng là biện pháp cần thiết để hạn chế rủi ro.
Cần biết rằng, không chỉ trên đường, mà bất cứ nơi công cộng nào: rạp chiếu phim, sân vận động, công viên hay thậm chí chỉ là một con hẻm nhỏ – mọi hành vi gây rối đều có thể bị xử lý theo pháp luật.
Xã hội hiện đại không chấp nhận sự hung hăng, càng không khoan nhượng với bạo lực. Mọi góc phố, con đường, ngõ hẻm đều có thể trở thành một “mắt thần” ghi lại từng hành động. Cộng đồng mạng ngày nay không còn là những người quan sát thụ động, mà sẵn sàng lên tiếng, đòi lại công bằng cho những nạn nhân yếu thế.
Camera an ninh ở khắp nơi, dư luận xã hội ngày càng mạnh mẽ, pháp luật nghiêm minh. Đó là lúc những kẻ côn đồ không còn đất sống.