Năm 2024, hai thanh niên họ Lý và Châu đến một ngân hàng ở Phúc Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) để yêu cầu rút 200.000 NDT (720 triệu đồng) tiền mặt. Lý là chủ tài khoản nhưng lại rụt rè không trả lời được các câu hỏi của nhân viên, trong khi Châu phải trả lời thay. Nhân viên phát hiện tài khoản của Lý đã không hoạt động từ năm 2021, gần đây lại nhận được 200.000 NDT vô cùng bất thường. Giấy tờ tuỳ thân cho thấy Lý không phải người địa phương ở Phúc Châu, mà đi từ một nơi rất xa đến chi nhánh này để rút tiền.
Lý là chủ tài khoản nhưng rụt rè không trả lời được các câu hỏi của nhân viên nên phải gọi Châu trả lời hộ
Những dấu hiệu này khiến nhân viên ngân hàng nghi ngờ về 2 thanh niên này. Nhân viên từ chối xử lý rút tiền, yêu cầu thêm thông tin nhưng Lý và Châu tỏ ra không hợp tác. Phía ngân hàng lập tức khoá tài khoản và báo cảnh sát thành phố Phúc Châu. Trong quá trình thẩm vấn, hai vị khách cho biết rút tiền để tổ chức đám cưới, thậm chí còn đưa ra lịch sử trò chuyện về vấn đề này khi hẹn nhau đến ngân hàng. Tuy nhiên cảnh sát Phúc Châu nhận định cuộc trò chuyện có dấu hiệu giả mạo, đồng thời truy vết dòng tiền phát hiện tài khoản gửi 200.000 NDT từ của một công ty “ma”, không có hoạt động nào tại Thượng Hải (Trung Quốc).
Lúc này, Châu mới khai nhận mình được một người hàng xóm thuê để rút tiền. Vì tài khoản của Châu bị khoá do từng cho người khác mượn thẻ, nên anh ta đã lôi kéo người bạn họ Lý dùng tài khoản của mình để thực hiện nhiệm vụ. Châu hứa sẽ trả cho Lý 10.000 NDT (36 triệu đồng) nếu phi vụ này “trót lọt”. Lý đã dùng tài khoản cũ đã lâu không hoạt động của mình để giúp Châu, do lo ngại rắc rối có thể ảnh hưởng đến tài khoản chính để giao dịch hàng ngày và nhận lương.
Cả Lý và Châu đều bị xử phạt theo quy định của pháp luật Trung Quốc do tiếp tay cho tội phạm rửa tiền. Trên thực tế, số tiền 200.000 NDT xuất phát từ vụ lừa đảo một công ty công nghệ tại Thượng Hải. Cô Bạch, nhân viên kế toán bất ngờ được thêm vào một nhóm chat gồm 3 thành viên, các tài khoản còn lại đều dùng ảnh đại diện, tên và phong cách nói chuyện giống các lãnh đạo công ty. Những tài khoản này yêu cầu cô Bạch thực hiện lệnh chuyển gấp 1,96 triệu NDT (7 tỷ đồng) làm “tiền đặt cọc dự án cải tạo” vào một tài khoản được chỉ định. Nữ kế toán này làm theo, ngay lập tức nhóm chat giải tán, người phụ nữ này mới phát hiện mình bị lừa.
Hình ảnh 2 nam thanh niên có biểu hiện bất thường khi rút tiền tại ngân hàng được camera ghi lại
Số tiền 1,96 triệu NDT được chuyển vào số tài khoản của một công ty “ma” mà các đối tượng đã lập ra trước đó. Sau đó tiền chia nhỏ ra các tài khoản của người được thuê đi rút để làm chậm quá trình truy vết của cảnh sát Trung Quốc. Khi vụ việc được phát giác, tiền lừa đảo đã được rút ra thành công, cảnh sát sẽ khó khăn hơn trong việc thu hồi lượng lớn tiền mặt.
Từ lời khai của Châu về đối tượng thuê anh rút tiền, cảnh sát thành phố Phúc Châu đã triệt phá thành công đường dây lừa đảo, rửa tiền tại địa phương này. Lực lượng chức năng đất nước tỷ dân cảnh báo mọi người không nghe theo những lời mời gọi việc nhẹ lương cao, cho mượn hoặc thuê tài khoản để rút tiền vì rất có thể đó là dấu hiệu của tội phạm rửa tiền. Mức phạt cho hành vi này sẽ dao động từ 1.000 – 30.000 NDT (3,6-108 triệu đồng) tuỳ theo mục đích cho mượn, thuê tài khoản.