Lần theo tiếng động trên đám rêu ẩm ướt, cán bộ kiểm lâm hân hoan tìm thấy loài "tuyệt chủng" hơn 40 năm

Nguyệt Phạm, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 16:08 25/05/2025
Chia sẻ

Đó là loài vật nào?

Phát hiện khiến giới khoa học vỡ òa

Theo thông cáo báo chí năm 2017 của của Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã Toàn cầu (GWC) có trụ sở tại Mỹ, vào ngày 30/10, Ramos León, cán bộ kiểm lâm của Khu Bảo tồn Động vật Lưỡng cư Finca San Isidro (Guatemala) đã có một phát hiện quan trọng. Khi đó, Ramos León đang đi tuần tra ở rìa khu bảo tồn lưỡng cư mới được thành lập ở dãy núi Cuchumatanes thì nghe thấy tiếng động rất nhẹ trên đám rêu ẩm ướt. Lần theo tiếng động đó, Ramos León nhìn thấy một cá thể kỳ giông non màu vàng đen kỳ lạ.

Lần theo tiếng động trên đám rêu ẩm ướt, cán bộ kiểm lâm hân hoan tìm thấy loài "tuyệt chủng" hơn 40 năm- Ảnh 1.

Khu Bảo tồn Động vật Lưỡng cư Finca San Isidro ở Guatemala. (Ảnh: ICFC)

Nhờ được tập huấn trước đó về loài Bolitoglossa jacksoni (bao gồm việc quan sát hình ảnh của loài hàng ngày), Ramos León lập tức nhận ra đây có thể chính là kỳ giông leo cây Jackson huyền thoại mà bao lâu nay mọi người tìm kiếm. Anh đã chụp lại ảnh và báo cho Carlos Vásquez-Almazán, người phụ trách chương trình bảo tồn lưỡng cư của FUNDAECO và là người đã dành hơn 30 năm để tìm kiếm loài này. Khi nhận được ảnh, Carlos Vásquez ngay lập tức xác nhận đó chính là Kỳ nhông leo cây Jackson.

Ngay lập tức, phát hiện này đã khiến giới bảo tồn vỡ òa bởi loài kỳ giông leo cây Jackson này đã được cho là "biệt tích" hơn 40 năm. Lần đầu tiên được khoa học ghi nhận vào năm 1975, loài kỳ giông này đã hoàn toàn biến mất khỏi tầm quan sát của con người. Việc một cá thể kỳ giông leo cây Jackson non đã được phát hiện, đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của loài vật tưởng như đã tuyệt chủng.

Lần theo tiếng động trên đám rêu ẩm ướt, cán bộ kiểm lâm hân hoan tìm thấy loài "tuyệt chủng" hơn 40 năm- Ảnh 2.

Ramos León, cán bộ kiểm lâm của Khu Bảo tồn Động vật Lưỡng cư Finca San Isidro đã tìm thấy một cá thể kỳ giông non màu vàng đen kỳ lạ. (Ảnh: Mongabay)

Những năm sau đó, Tomás Ramos León tiếp tục may mắn phát hiện thêm hai cá thể kỳ giông leo cây Jackson nữa, trong đó lần gần nhất vào tháng 3 năm 2020. Sự kiện tháng 3/2020 này đánh dấu lần thứ ba loài được nhìn thấy ở Guatemala kể từ khi tái phát hiện năm 2017 và đáng chú ý cả ba lần đều do chính Tomás tìm ra. Đến nay, kỳ giông leo cây Jackson vẫn thuộc loài hiếm gặp nhất: tổng cộng giới khoa học mới chỉ ghi nhận được vài lần bắt gặp loài kỳ giông này ngoài tự nhiên. Việc tìm thấy thêm cá thể (2018, 2020) đã khẳng định rằng loài vẫn còn tồn tại, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc bảo vệ khu rừng ẩm còn lại cho chúng.

Đầu năm 2017, ông Carlos Vásquez-Almazán đã tổ chức một hội thảo, đào tạo cho các nhân viên bảo vệ tại khu bảo tồn về cách nhận dạng loài kỳ giông cực kỳ khó nắm bắt này. Ông chia sẻ: "Chúng tôi đã bắt đầu lo sợ rằng loài này đã biến mất, và giờ đây, nó như thể đã trở lại từ cõi tuyệt chủng."

Điều đặc biệt là vào tháng 4 năm 2017, GWC đã công bố chiến dịch Search for Lost Species quy mô lớn, nhằm tìm kiếm 25 loài "được mong đợi nhất" trong số những loài đã biến mất khỏi danh sách ghi nhận trong nhiều thập kỷ. Kỳ giông leo cây Jackson nằm trong danh sách này và GWC đã lên kế hoạch thám hiểm dãy núi Cuchumatanes vào tháng 1 năm 2018 để tìm kiếm loài này. Nhóm nghiên cứu vô cùng phấn khích trước phát hiện này, đặc biệt là khi các tổ chức bảo tồn như GWC và Rainforest Trust đã đóng góp công sức thành lập khu bảo tồn lưỡng cư vào năm 2015 để bảo vệ môi trường sống của các loài lưỡng cư, bao gồm cả kỳ giông leo cây Jackson.

Lần theo tiếng động trên đám rêu ẩm ướt, cán bộ kiểm lâm hân hoan tìm thấy loài "tuyệt chủng" hơn 40 năm- Ảnh 3.

Hóa ra, cá thể mà Tomás Ramos León tìm thấy là loài kỳ giông leo cây Jackson được cho là "tuyệt chủng" hơn 40 năm. (Ảnh: Calphoto)

Chủ tịch GWC, Don Church, phát biểu: "Tôi rất hân hoan với khám phá này vì nó cho thấy việc bảo vệ môi trường sống mang lại cho các loài cơ hội sinh tồn trên hành tinh này. Phát hiện này là một tín hiệu tốt cho tương lai của chiến dịch Search for Lost Species. Nó cho thấy nếu chúng ta nỗ lực, nhiều loài trong số này có thể được tìm thấy và cứu sống."

Jeremy Jackson, người đầu tiên công bố loài kỳ giông này với giới khoa học và cũng là người được đặt tên cho loài này, cũng bày tỏ niềm vui mừng khôn xiết: "Đêm tôi nhận được tin từ Carlos rằng kỳ giông leo cây Jackson đã được tìm thấy, tôi đã nhảy khỏi ghế sô pha, thốt lên một tràng dài những câu cảm thán và nhảy múa trong niềm hạnh phúc. Tôi rất vui khi biết rằng chính một cán bộ kiểm lâm đã tìm thấy loài vật tuyệt đẹp này. Xin chúc mừng và cảm ơn Carlos cùng tất cả những người đã làm việc để biến việc bảo tồn này thành hiện thực."

Loài vật hiếm gặp nhất

Kỳ giông leo cây Jackson được hai nhà nghiên cứu trẻ người Mỹ là Jeremy Jackson và Paul Elias phát hiện lần đầu vào năm 1972 (loài được đặt tên theo ông Jackson), nhưng mãi đến năm 1975 mới được công bố khoa học.

Kỳ giông leo cây Jackson có màu vàng tươi rực rỡ với một dải màu nâu sẫm chạy dọc theo phần lưng và kéo dài xuống gần hết đuôi. Cá thể cái trưởng thành có chiều dài cơ thể khoảng 6,5 cm; mắt có màu vàng, và trên các ngón chân có các đĩa hút giúp loài kỳ giông này bám chắc khi leo trèo trên thân cây. Nhờ màu sắc nổi bật, loài này còn được đặt biệt danh là "Golden Wonder" (kỳ giông kỳ diệu màu vàng). Kỳ giông leo cây Jackson thuộc họ Plethodontidae – nhóm kỳ giông không có phổi, hô hấp hoàn toàn qua da ẩm và niêm mạc, thích nghi với đời sống trên cạn.

Lần theo tiếng động trên đám rêu ẩm ướt, cán bộ kiểm lâm hân hoan tìm thấy loài "tuyệt chủng" hơn 40 năm- Ảnh 4.

Kỳ giông leo cây Jackson được hai nhà nghiên cứu trẻ người Mỹ là Jeremy Jackson và Paul Elias phát hiện lần đầu vào năm 1972. (Ảnh: Mongabay)

Kỳ giông leo cây Jackson đặc hữu ở vùng núi cao phía tây Guatemala, với phạm vi phân bố rất hẹp. Tất cả các lần quan sát loài này đến nay đều diễn ra trong các khu rừng mưa ẩm núi cao (rừng mây) thuộc dãy Sierra de los Cuchumatanes ở tỉnh Huehuetenango, Guatemala. Theo dữ liệu của IUCN, loài chỉ xuất hiện trong khu vực khoảng 12 km gần thị trấn Santa Cruz Barillas (Huehuetenango).

Môi trường sống cụ thể của kỳ giông leo cây Jackson chưa được biết rõ do loài mới chỉ được quan sát vài lần trong tự nhiên. Các cá thể tìm thấy đều ở trong rừng nguyên sinh vùng núi cao. Đáng chú ý, cá thể non phát hiện năm 2017 ở độ cao khoảng 1.400 m, cao hơn khoảng 300 m so với độ cao mà giới khoa học từng dự đoán loài có thể sinh sống. Sự chênh lệch này có thể do loài đã chuyển lên sinh sống ở cao độ lớn hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu, hoặc đơn giản là phạm vi phân bố thực tế của loài rộng hơn nhận định ban đầu.

Lần theo tiếng động trên đám rêu ẩm ướt, cán bộ kiểm lâm hân hoan tìm thấy loài "tuyệt chủng" hơn 40 năm- Ảnh 5.

Theo phân loại mới nhất của IUCN, kỳ giông leo cây Jackson được xếp hạng Cực kỳ nguy cấp. (Ảnh: Mongabay)

Theo phân loại mới nhất của IUCN, kỳ giông leo cây Jackson được xếp hạng Cực kỳ nguy cấp (Critically Endangered – CR). Nguyên nhân là do phạm vi phân bố của loài rất nhỏ và đang bị suy giảm nhanh chóng bởi tác động con người. Khu vực rừng núi nơi loài sinh sống vốn khá hẻo lánh nhưng hiện chịu sức ép lớn từ con người: dân số gia tăng và kiểu canh tác nông nghiệp tự cung tự cấp đã khiến hơn 60% diện tích rừng núi ẩm ở bắc Huehuetenango biến mất chỉ trong vòng 30 năm qua.

Song song đó, việc phá rừng để mở rộng các đồn điền cà phê cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng đến sinh cảnh của loài kỳ giông này. Các chuyên gia nhận định rằng nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời, khu rừng nơi loài sinh sống có lẽ đã bị chặt phá để lấy gỗ hoặc chuyển đổi thành vùng trồng trọt từ nhiều năm trước. Bên cạnh mất môi trường sống, biến đổi khí hậu và các bệnh truyền nhiễm (ví dụ dịch nấm chytrid trên lưỡng cư) cũng được xem là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự sinh tồn của loài kỳ giông quý hiếm này.

 (Theo Mongabay, IUCN, NatGeo)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày