2 tháng chạy nước rút cùng bài luận "vá gốm bằng vàng", nữ sinh trường Phổ thông Năng khiếu giành học bổng cực xịn

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ mới 11:20 18/06/2024

Không có thời gian chuẩn bị nhiều, hành trang Châu "mang theo" trên hành trình chinh phục học bổng là những thành tích có sẵn trong những năm cấp 3.

Sở hữu điểm SAT 1560, IELTS 8.0 cùng GPA lớp 10 và 11 lần lượt 9.2 và 9.6, Giải nhì tiếng Anh cấp thành phố (lớp 9), Cẩm Châu (học sinh lớp 12 trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM) mới đây đã xuất sắc giành học bổng Fast Retailing. Đây là một trong những quỹ học bổng giá trị nhất dành cho các bạn học sinh Việt Nam có mong muốn du học hệ đại học tại Nhật Bản.

Học sinh trúng tuyển sẽ được chi trả toàn bộ học phí, sinh hoạt phí, và vé máy bay. Mỗi học sinh sẽ nhận được cao nhất 4 triệu Yên/năm (khoảng 700 triệu đồng/năm), cho 4 năm học tại các trường đại học top Nhật Bản. Đây là mức học bổng rất cao đối với hệ du học Nhật Bản.

2 tháng chạy nước rút cùng bài luận vá gốm bằng vàng, nữ sinh trường Phổ thông Năng khiếu giành học bổng cực xịn - Ảnh 1.

Cẩm Châu (học sinh lớp 12 trường Phổ thông Năng Khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM)

Châu cho biết, em vô tình đọc được một bài viết giới thiệu về quỹ học bổng này ở một hội nhóm và "đánh liều" apply thử. Không có thời gian chuẩn bị nhiều (chỉ khoảng 2-3 tháng), nên hành trang Châu "mang theo" trên hành trình chinh phục học bổng là những thành tích có sẵn trong những năm cấp 3. Dù vậy, một lợi thế của Châu đó là học bổng này chỉ dành cho học sinh Việt Nam nên sẽ giảm được sự cạnh tranh từ các bạn học sinh quốc tế.

Ngoài thành tích học tập, bài luận là yếu tố quan trọng

Để đậu học bổng, Châu đã trải qua 3 vòng chính, bao gồm 1 vòng hồ sơ và 2 vòng phỏng vấn Trong vòng hồ sơ, em chuẩn bị học bạ lớp 10 và 11, IELTS, SAT, bài luận và lá thư giới thiệu từ giáo viên. Theo Châu, thành tích học tập có vai trò khá quan trọng khi apply học bổng. Bản thân em luôn cố gắng giữ GPA trên 9 và phải có xu hướng tăng đều qua các năm. Ngoài ra các giải cấp thành phố, quốc gia nếu có thì sẽ là điểm cộng lớn.

SAT và IELTS: Fast Retailing Scholarship quy định mức điểm sàn đối với SAT là 1450 còn IELTS là 7.0. Điểm SAT và IELTS cao sẽ là một lợi thế rất lớn, giúp các bạn ghi điểm với Quỹ học bổng. Vì vậy, nên ôn và thi càng sớm càng tốt để đạt kết quả cao nhất.

Thư giới thiệu: Thời gian tốt nhất để nhờ giáo viên viết thư giới thiệu là vào khoảng học kỳ II năm lớp 11. Thư giới thiệu nên nói rõ khả năng học tập, tiềm năng và tính cách của học sinh. Ngoài ra thì nếu tới deadline vòng hồ sơ mà các bạn chưa kịp thi IELTS thì thư giới thiệu nên có phần đánh giá khả năng tiếng Anh của các bạn.

Essay (bài luận): Phần essay bao gồm những câu hỏi nhỏ (100 từ) về hoạt động ngoại khóa/sở thích và 3 bài luận chính (khoảng 350 từ).

Năm Châu apply, đề các bài luận chính lần lượt là:

- What are your goals and vision? Specify your social objectives over the short and long terms. (Mục tiêu và tầm nhìn của bạn là gì? Chỉ ra các mục tiêu xã hội ngắn hạn và dài hạn).

- What would you specifically like to experience and learn at the university you plan to attend to achieve the objectives you presented in Essay 1? (Bạn đặc biệt muốn trải nghiệm và học hỏi điều gì ở trường đại học dự định theo học để đạt được những mục tiêu mà bạn đã trình bày trong Bài luận 1?).

- What is the greatest commitment you have ever made in your life? (Cam kết lớn nhất mà bạn từng thực hiện trong đời là gì?).

2 tháng chạy nước rút cùng bài luận vá gốm bằng vàng, nữ sinh trường Phổ thông Năng khiếu giành học bổng cực xịn - Ảnh 2.

Châu và mẹ

Châu đúc kết ra một vài tips nho nhỏ trong quá trình viết luận:

Thứ nhất: Nắm rõ những tiêu chí mà học bổng tìm kiếm ở một ứng cử viên và thể hiện rõ nét những tiêu chí ấy trong bài luận. Đây là điều quan trọng nhất trong quá trình viết luận và cả trong quá trình apply. Trước khi viết luận Châu đã lên website của Fast Retailing Scholarship và đọc đi đọc lại phần hướng dẫn ứng tuyển. Nhờ đó Châu biết được họ tìm kiếm những học sinh: Có ước mơ, mục tiêu và kế hoạch rõ ràng; Có ý thức trách nhiệm xã hội, có mong muốn đóng góp cho xã hội Việt Nam, Nhật Bản và thế giới; Có mong muốn học tiếng Nhật và hiểu thêm về đất nước Nhật Bản

Tóm lại, qua các câu hỏi và bài luận, bạn phải trả lời được những câu hỏi sau:

- Bạn sẽ làm gì, là ai trong tương lai? Bạn sẽ thực hiện ước mơ của mình bằng cách nào?

- Bạn muốn đóng góp điều gì cho xã hội? Bạn quan tâm đến lĩnh vực nào và mong muốn phát triển nó ra sao?

- Bạn có mong muốn tìm hiểu về Nhật Bản? Bạn có sẵn sàng học tiếng Nhật?

Ví dụ, để đáp ứng tiêu chí thứ 3, Châu đã cố gắng thể hiện sự gắn kết giữa bản thân với đất nước và con người Nhật Bản cũng như bộc lộ niềm yêu thích của mình đối với văn hóa nước này qua những câu hỏi nhỏ.

Đối với câu hỏi "Extracurricular activities you have participated in the past" (Các hoạt động ngoại khóa bạn đã tham gia trước đây), Châu đã "highlight" việc mình từng tham gia Chương trình trao đổi online với các bạn học sinh Nhật Bản. Châu cũng miêu tả chi tiết ý nghĩa và những điều mình đã học được qua hoạt động này.

Ngoài ra, đối với câu "What do you want to learn from living in Japan and from its culture?", thay vì trả lời chung chung, Châu đã mượn loại hình nghệ thuật Kintsugi (một kỹ thuật vá gốm bằng vàng truyền thống của người Nhật xuất hiện từ thế kỷ 15, được sử dụng để phục hồi những món đồ gốm bị hư hại) để nói về việc mình muốn học cách chấp nhận và yêu thương những điều chưa trọn vẹn ở bản thân và trong quá trình đó, trau dồi sự tỉ mẩn, kiên trì của mình. Câu trả lời vừa đáp ứng được yêu cầu trọng tâm của câu hỏi vừa thể hiện được rõ sự quan tâm và am hiểu của Châu đối với văn hóa Nhật.

Thứ hai: Viết vào trọng tâm, không lan man, dài dòng: Vì chỉ có tối đa 350 từ/1 bài luận để nói về những ước mơ, khát vọng và những giá trị của bản thân nên Châu đã cố gắng viết thật cô đọng và vào trọng tâm. Châu tránh để xảy ra trường hợp diễn tả 1 ý mà mất tới tận 4, 5 câu dài. Mục tiêu của em là qua các bài luận, giám khảo có thể biết nhiều hơn về mình và thấy được mình là người phù hợp và xứng đáng nhận học bổng. Nên đảm bảo là từng câu, từng chữ các bạn viết ra đều có mục đích, không từ nào là thừa cả.

Thứ ba: Nhờ người khác rà soát: Đôi khi các lỗi chính tả, ngữ pháp rành rành ngay trước mắt nhưng bản thân người viết lại không thấy được. Vậy nên chúng ta rất cần một ai đó để kiểm tra lại. Châu có nhờ chị họ kiểm tra giúp và chị đã tìm ra một vài lỗi ngữ pháp mà trước đó em không nhận ra.

Về 2 vòng phỏng vấn, mỗi vòng kéo dài khoảng 30 phút. Châu khuyên nên bám sát vào những gì mình đã viết ở vòng đơn và tự tin trả lời.

"Để tự tin hơn thì em chuẩn bị kỹ càng nhất có thể cho vòng phỏng vấn này. Em đọc đi đọc lại những bài luận mình đã viết, chuẩn bị trước câu trả lời cho những câu mà em nghĩ người phỏng vấn sẽ hỏi, và hơn hết là em liên hệ các anh chị khóa trước đã đạt học bổng này để xin kinh nghiệm", Châu chia sẻ.

Được biết, Châu chọn theo học tại Kyoto University. Em được tham gia khóa học dự bị tiếng Nhật 6 tháng bắt buộc và được tài trợ 100% chi phí.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày