Bên cạnh doanh số bán ra "lung linh" mà iPhone 6 và iPhone 6 Plus đạt được, trong năm qua Apple đã không ít lần phải đau đầu vì những sự cố mà bộ đôi smartphone của mình gặp phải. Cuối tháng 9, một thời gian ngắn sau khi iPhone mới được bán ra ở một số thị trường đầu tiên, một người dùng có tên hanzoh đã đăng tải trên diễn đàn MacRumours rằng chiếc iPhone 6 Plus mà anh mới mua đã
bất ngờ bị cong sau khi được để trong túi quần 18 tiếng. Những tưởng vụ việc của hanzoh chỉ là thiểu số và sẽ sớm chìm vào quên lãng thì ngược lại scandal "iPhone 6 Plus cong" lan truyền như nấm sau mưa trong cộng đồng yêu công nghệ. Trên trang mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới YouTube, hàng trăm video thử nghiệm bẻ cong iPhone 6 Plus đã được thực hiện chỉ để chứng minh thiết bị này... thực sự dễ bẻ.
Nói về vấn đề này, Apple khẳng định iPhone 6 Plus bị cong trong quá trình sử dụng là có thật nhưng chỉ là số ít. Cuối tháng 10, một người dùng reddit đã bất ngờ nhận ra sự khác nhau giữa chiếc iPhone 6 Plus của anh và thiết bị tương tự mà vợ anh mới mua. Theo đó, hai thiết bị này có bề ngoài giống hệt nhau tuy nhiên dựa vào quan sát và một số thử nghiệm bằng cách gõ, người dùng này cho rằng Apple đã âm thầm khắc phục lỗi iPhone 6 Plus dễ bị cong bằng cách thực hiện một số điều chỉnh ở khu vực dễ bị bẻ cong nhất. Sau thời điểm này, sự cố bẻ cong "bendgate" cũng không còn được nhiều người nói đến.
Camera trước trên iPhone 6 bị lệch trái.
Dẫu vậy "bendgate" chỉ là một trong những "scandal" mà iPhone mới gặp phải. Theo đó, iPhone 6 / 6 Plus còn bị tố là
dễ hút râu và tóc của người dùng khi nghe điện thoại, dễ bị ám màu từ quần jeans, mắc lỗi khởi động lại và văng ứng dụng ở iPhone 6 Plus bản 128GB và mới đây nhất là lỗi
camera trước bị lệch làm giảm độ thẩm mỹ của sản phẩm.
2. Doanh số bán iPad lần đầu giảm, iPad Mini 3 gây thất vọng
Có lẽ điểm thu hút duy nhất trên iPad Mini 3 so với iPad Mini 2 là cảm biến vân tay TouchID.
Nếu như trong năm qua iPad Air 2 gây ấn tượng mạnh với cộng đồng yêu công nghệ bởi thân máy mỏng ấn tượng (ở thời điểm ra mắt đây là tablet mỏng nhất thế giới) thì iPad Mini 3 lại vô cùng nhạt nhòa với những thay đổi không đáng kể ở thông số cấu hình. Thiết bị này gây thất vọng đến mức người ta còn không ngần ngại gọi nó là... "bình mới rượu cũ".
Doanh số iPad năm 2014 được xem là thất vọng nhất trong lịch sử Apple.
Năm qua, thị trường máy tính bảng toàn cầu nhìn chung khá ảm đạm. 2014 cũng là năm đầu tiên trong lịch sử Apple mà doanh thu máy tính bảng iPad cả năm cho thấy xu hướng giảm. Cụ thể, dẫn số liệu thống kê từ IDC, Apple trong năm 2014 bán được tổng cộng 64,9 triệu máy iPad, chiếm 27,5% thị phần và thể hiện mức giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Cùng lúc đó, thị phần của tablet chạy Android là 67,7%, tăng 16% so với số liệu cùng kỳ năm 2013.
3. Người dùng không mặn mà với iOS 8
So với iOS 7, tốc độ và tỉ lệ người dùng cập nhật lên iOS 8 không ấn tượng bằng.
2014 cũng là một năm không mấy thuận lợi cho nền tảng iOS 8 khi phiên bản iOS 8.0.1 đã mắc lỗi nghiêm trọng khiến nhiều máy iPhone mất sóng đồng thời khiến tính năng TouchID bị vô hiệu hóa. Apple sau đó đã nhanh chóng
gỡ bỏ bản cập nhật này để khắc phục.
Apple chính thức tung ra nền tảng iOS 8 và ngày 18/9 và tính đến 21/9, theo thống kê đã có 46% thiết bị cập nhật hệ điều hành này. Tuy nhiên, sự cố iOS 8.0.1 đã làm người dùng chẳng còn mấy mặn mà với iOS 8 khi kể từ thời điểm 21/9 đến 5/10, lượng người cập nhật nền tảng này chỉ tăng lên đúng 1%. Dẫu vậy, mọi thứ cuối cùng cũng có dấu hiệu tiến triển khi theo số liệu mới nhất, đến nay đã có 63% người dùng iPhone sử dụng iOS 8. Mặc dù chậm hơn tốc độ cập nhật của iOS 7 khá nhiều nhưng con số này cũng không phải quá tệ.
4. "Thành trì" iCloud lung lay
Vụ việc rò rỉ ảnh cá nhân của người nổi tiếng từ iCloud là một trong những sự kiện về an ninh số được quan tâm nhiều nhất trong năm qua.
Đầu tháng 9, thế giới mạng rúng động trước sự việc vô số hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của hơn 100 ngôi sao hạng A rò rỉ và được công khai từ tài khoản iCloud. Vụ việc này không khỏi làm người dùng nghi ngại về tính an toàn và độ tin cậy của dịch vụ điện toán đám mây đến từ Apple.
40 giờ sau khi sự việc bị phát hiện, Apple lên tiếng khẳng định dịch vụ điện toán đám mây của họ
hoàn toàn an toàn và vụ hack nêu trên đến từ các cuộc tấn công đơn lẻ vào tài khoản cá nhân của các ngôi sao thông qua "tên người dùng, mật khẩu và câu hỏi bảo mật". Apple nói họ
không tìm ra bất cứ một dấu hiệu đột nhập bất thường nào vào hệ thống iCloud hay Find my iPhone và khuyến cáo người dùng kích hoạt bảo mật hai lớp.
Dẫu sao đi chăng nữa, người dùng dịch vụ điện toán đám mây của Apple cũng được một phen hoảng hốt.
Vụ kiện lớn mà mới đây Apple gặp phải vẫn chưa có hồi kết.
Thời điểm cuối năm nay, Apple cũng thu hút sự chú ý bởi... vụ kiện liên quan đến tác động của hãng này đến ngành công nghiệp nhạc số. Theo đó, đơn kiện cho rằng Apple đang áp dụng cơ chế độc quyền, khép kín cho hệ sinh thái của mình bằng cách làm khó người dùng khi muốn chuyển các bản thu âm mua trên iTunes sang các thiết bị phần cứng khác.
Mặc dù Apple cho rằng đây là hành động nhằm giảm thiểu tình trạng vi phạm bản quyền nhạc số, nó cũng có thể là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
(Tổng hợp)