15 điểm học bạ cũng đỗ đại học: Không sai nhưng "vơ bèo vạt tép", bất chấp mọi giá

Đỗ Hợp, Theo Tiền Phong 09:47 18/05/2023

Nhiều lãnh đạo, chuyên gia tuyển sinh bày tỏ sự lo lắng trước việc 15, 16 điểm học bạ cũng trúng tuyển đại học dù đúng luật nhưng thực tế có chuyện “vơ bèo vạt tép”, tuyển sinh bằng mọi giá.

Vừa qua, một số trường đại học tư thục đã công bố điểm chuẩn có điều kiện, tức thí sinh phải tốt nghiệp THPT mới chính thức trúng tuyển. Vấn đề là học bạ 15 điểm, tức trung bình mỗi môn 5 điểm, cũng trúng tuyển.

Tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, xét học bạ tổ hợp 3 môn học kỳ 1 hoặc tổ hợp 3 môn cả năm lớp 12, điểm chuẩn vào tất cả các ngành đào tạo của trường là 15 điểm.

Điểm chuẩn theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 ở các ngành đào tạo là 500 điểm.

Tại Trường ĐH Gia Định, điểm chuẩn học bạ cao hơn một chút theo phương thức tổng điểm trung bình học kỳ 1 lớp 11 + điểm trung bình học kỳ 2 lớp 11 + điểm trung bình học kỳ 1 lớp 12 từ 16,5 điểm - tức trung bình mỗi học kỳ 5,5 điểm.

Điểm chuẩn đối với chương trình tài năng là 18, tức mỗi học kỳ trung bình 6 điểm. Một số trường tư khác công bố điểm chuẩn học bạ thấp nhất 18 điểm.

Quá thấp, nhiều hệ lụy

Trước thông tin này, trưởng phòng tuyển sinh một trường đại học ở Hà Nội thẳng thắn cho biết nếu trường lấy 15 điểm là “quá thấp, điểm thấp sẽ khó đảm bảo đào tạo sẽ tốt được”.

Còn một tiến sĩ, trưởng phòng đào tạo một trường đại học khác ở Hà Nội cũng quả quyết: “Đào tạo sinh viên trình độ đại học nhưng đầu vào thấp quá như vậy rất khó. Nếu lấy từ 18 điểm thì tạm được chứ ở đại học việc học tập sẽ khác, những học sinh chênh nhau đến 2-3 điểm đầu vào sẽ khác hẳn. Những học sinh chỉ có lực học như vậy nên định hướng các em học ở các hệ thấp hơn như cao đẳng nghề sẽ tốt hơn”.

Mặt khác, theo các nhà tuyển sinh này, học bạ là đánh giá cả quá trình học THPT mà trường lại lấy thấp như vậy thì xã hội sẽ quay ngược lại việc học cấp 3 có vấn đề trong khi lúc nào cũng bảo nâng cao chất lượng dạy và học.

“Một khi đánh giá chất lượng học tập ở cấp trung học phổ thông không chính xác sẽ dẫn đến việc xét tuyển đại học bằng hình thức học bạ hiện nay nảy sinh bất cập, kèm theo đó là nỗ lực để ‘dạy thật, học thật, thi thật’ sẽ trở nên gian nan hơn để thực hiện được” - vị tuyển sinh này cho biết.

Và các nhà tuyển sinh cũng hoài nghi, điểm học bạ cao mà phản ánh trung thực học lực của học sinh thì các trường đại học sẽ xét tuyển được chính xác nhưng điểm thi không tương đồng với học lực của học sinh sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy.

Các trường tuyển sinh không sai nhưng…

Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng,các trường tuyển sinh của các trường là không sai luật. Nhưng có điều trong bối cảnh đảm bảo chất lượng như hiện nay mà lấy đầu vào thấp như vậy thì vào học để “vực lên” được sẽ rất khó.

“Có bột mới gột lên hồ được. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực tương lai vì đầu vào thấp như vậy thì các trường phải đưa giải pháp công nghệ, giải pháp nguồn lực thêm vào để nâng cao chất lượng” - Ông Vinh nói.

Tất nhiên, ông Vinh cho rằng, chất lượng không hẳn phụ thuộc hết vào chất lượng đầu vào nhưng theo kinh nghiệm dạy đại học nhiều năm thì thấy vấn đề rất khó.

“Dạy đại học chênh nhau 2 đến 3 điểm đã khác nhau rồi. Giờ học bạ đánh giá không có chuẩn mực, dựa vào không chuẩn mực chấp nhận cho vào học đại học thì đây là sai về mặt tư duy. Đây là lỗi tư duy. Vì anh biết thừa việc đánh giá ở trường phổ thông không đúng, đánh giá không thực chất, học sinh không chịu học thì vào đại học sẽ học thế nào” - ông Vinh đặt câu hỏi.

Ông Vinh cho rằng, đây là câu chuyện bài toán về tài chính. Tài chính trường nào cũng “khát” nên tâm lý càng vét được nhiều sinh viên vào trường càng tốt. Trừ trường nào top cao muốn giữ danh tiếng học cẩn thận thì cho về. Nếu cứ không học trường trả về thì lấy đâu tiền để trả lương giảng viên. Nên trường cố giữ và có khi nuông chiều sinh viên, dạy kiểu “được chăng hay chớ” cứ để sinh viên nộp tiền vào trường. Ra trường có tờ giấy A4 là xong.

Theo ông Vinh, điểm học bạ chưa chuẩn nhưng các trường vẫn lấy điểm này để xét tuyển. Đây là lỗi trong tư duy. Lấy một cái không chuẩn để làm chuẩn. Hệ quả sẽ rất lớn trong việc tạo ra nguồn nhân lực trong tương lai. Và còn tạo ra hệ lụy nữa là học sinh, gia đình nghĩ con học giỏi trong khi đó có khi những em này học nghề sẽ thành công hơn.

“Các trường nên có các tiêu chí phụ để đánh giá xem họ có khả năng học được đại học không. Học đại học sẽ khác phổ thông như tư duy về logic, tư duy phản biện, sáng tạo, khả năng tự học cao” - ông Vinh nói.

Ông Vinh cho rằng, một vài ngành đặc thù thì không nên đánh giá bằng học bạ. Ở Việt Nam thích bằng cấp, vào được đại học đã sướng nhưng khi ra trường thì “thân tàn ma dại”, thầy không ra thầy thợ không ra thợ.

“Không trừ đại học muốn giữ chân học trò, bản thân giảng viên tham nhũng phong bì. Khi đó sinh viên ra trường thì có bằng. Câu chuyện kiểm định giờ chỉ là ‘trò hề’ chưa đi vào thực chất, chỉ là kiểm định theo thủ tục hành chính thôi chứ theo tính chuyên gia, chuyên ngành thì chưa làm được” - ông Vinh chỉ ra thực tế.