Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Mỹ với 568.827 ca tử vong trong tổng số 31.423.284 ca nhiễm, Brazil ghi nhận 331.530 ca tử vong trong số 12.984.956 ca nhiễm.
Châu Âu tiếp tục dẫn đầu về số ca mắc với 40.494.958 ca sau khi ghi nhận thêm 56.450 ca mắc mới. Số ca tử vong tại châu Âu là 927.553 ca. Ukraine và Ba Lan là hai quốc gia có số ca mắc mới nhiều hơn cả, lần lượt là 10.179 và 9.902 ca. Tiếp theo là khu vực Bắc Mỹ với 36.186.486 ca mắc và 824.756 ca tử vong. Đứng thứ ba là châu Á với 29.411.469 ca mắc và 435.119 ca tử vong. Đáng chú ý Ấn Độ một lần nữa trở thành điểm "nóng" về dịch bệnh COVID-19 khi lần đầu tiên ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm/ngày.
Giới chức y tế Nhật Bản đang lo ngại các biến thể của virus SARS-CoV-2 sẽ dẫn đến làn sóng lây nhiễm thứ 4 trong bối cảnh chỉ còn 109 ngày nữa là diễn ra Olympic Tokyo. Hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là dễ lây lan hơn vẫn chưa xuất hiện rộng rãi tại Nhật Bản. Địa phương chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất tại Nhật Bản là Osaka, với số ca nhiễm lên mức cao kỷ lục mới vào tuần trước, buộc chính quyền địa phương phải áp đặt các biện pháp phong tỏa mục tiêu trong vòng một tháng, kể từ ngày 5/4.
Nhật Bản nỗ lực ngăn chặn nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ tư. Ảnh: VOV
Nhà chức trách Iran cũng lo ngại các thành phố của nước này có thể phải hứng chịu làn sóng mới dịch COVID-19. Bộ trưởng Y tế và Giáo dục y tế Iran Saeed Namaki cho biết, trước kỳ nghỉ lễ Năm mới, bắt đầu vào ngày 21/3 vừa qua, Bộ đã cảnh báo về sự nguy hiểm của các biến thể của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, người dân đã không lắng nghe khuyến cáo của nhà chức trách về hạn chế đi lại trong dịp nghỉ lễ nên hiện tình hình dịch bệnh trong nước rất nghiêm trọng.
Tại Malaysia, các nhà chức trách nước này thông báo các cá nhân vi phạm lệnh cấm đi lại sẽ phải chịu mức phạt lên đến 10.000 ringgit (2.400 USD). Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh cuối tuần này Malaysia sẽ bước vào tháng lễ Ramadan - thời điểm nhiều người dân sẽ tranh thủ đi du lịch hoặc trở về quê hương.
Ngày 5/4, Chính phủ Anh sẽ công bố các kế hoạch khởi động hoạt động đi lại quốc tế, sử dụng hệ thống "đèn giao thông" để xếp loại các quốc gia trên thế giới dựa theo nguy cơ lây nhiễm trong bối cảnh nước này đang dần ra khỏi lệnh phong tỏa. Theo đó, Chính phủ Anh đã ấn định ngày 17/5 tới là thời điểm mở cửa lại hoạt động đi lại quốc tế.
Bồ Đào Nha đã cho phép bảo tàng, quán cafe và trường trung học cơ sở hoạt động trở lại sau gần 2 tháng phải đóng cửa nhằm phòng dịch. Tuy nhiên, việc phục vụ 4 người/bàn và tập thể dục theo nhóm vẫn bị cấm. Tại Hy Lạp, chính phủ đã nới lỏng lệnh phong tỏa, trong đó có việc mở cửa trở lại hầu hết các cửa hàng bán lẻ bất chấp tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức cao.