120 mã thực phẩm chức năng giả: Nhãn ghi sản xuất ở Tây Ban Nha, thực tế kho xưởng Hưng Yên, công thức... tự nghĩ

Anh Tuấn, Đức Tiến, Theo vtv.vn 11:43 22/05/2025
Chia sẻ

Ghi “nhập từ Tây Ban Nha”, bán cả triệu đồng mỗi lọ, nhưng thực tế là hàng pha trộn tại Hưng Yên. Một đường dây sản xuất, tiêu thụ TPCN giả vừa bị bóc gỡ tại Hà Nội.

Tiếp tục thông tin về chuyên án bóc gỡ đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả của Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội. Theo kết quả điều tra bước đầu, ổ nhóm đối tượng đã xuất bán hàng hóa cho hàng trăm đơn vị, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc. Trong đó chủ yếu là các nhà thuốc, bệnh viện… rải rác ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Vậy bằng cách nào mà nhóm đối tượng lại có thể tiêu thụ, phân phối trót lọt số lượng lớn thực phẩm chức năng giả dưới mác hàng nhập khẩu đến tay người dân như vậy? Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ thủ đoạn và mạng lưới với nhằng nhịt các công ty do đối tượng cầm đầu lập ra để tiêu thụ thực phẩm chức năng giả.

Loại thực phẩm chức năng được ghi nhãn sản xuất tại Tây Ban Nha này từng được rao bán rầm rộ trên mạng và các nhà thuốc với mức giá đắt đỏ trên dưới 1 triệu đồng một lọ 30 viên.

Quảng cáo có hàng loạt tác dụng: chống oxy hóa, bổ gan, làm đẹp da, tăng cường sức đề kháng - nên được khá nhiều người tìm mua. Thế nhưng sự thật nơi ra lò lại là một kho xưởng ở thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Công thức phối trộn nguyên liệu do chính đối tượng này tự nghĩ ra.

Trên giấy tờ, các sản phẩm thực phẩm chức năng do đối tượng sản xuất - đều có hồ sơ công bố chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm, thể hiện nguồn gốc nhập khẩu từ Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha…. Tuy nhiên, cơ quan điều tra điều tra xác định, thực chất đây chỉ là bình phong để che giấu hoạt động sản xuất hàng giả phía sau. Để thực hiện thủ đoạn này, Tiến đã thành lập 17 công ty trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước.

Chỉ trong vòng hơn 1 năm, cơ quan điều tra xác định, các công ty trong hệ sinh thái mà Tiến vẽ ra đã nhập khẩu hơn 120 mã sản phẩm các loại. Toàn bộ các mặt hàng thực phẩm chức năng sau đó đều được làm hồ sơ công bố chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Theo khai nhận, vì làm qua dịch vụ, chấp nhận chi trả số tiền lớn hơn rất nhiều so với quy định, nên các đối tượng dễ dàng và nhanh chóng hoàn thành thủ tục công bố chất lượng cho số lượng lớn các mã hàng.

Có hồ sơ giấy tờ trong tay. Các đối tượng tiến hành sản xuất hàng giả của chính sản phẩm doanh nghiệp mình đăng ký nhập khẩu rồi ung dung đưa vào các nhà thuốc tư nhân và bệnh viện. Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội, đây là thủ đoạn hết sức tinh vi của tội phạm trong lĩnh vực y tế, thực phẩm hiện nay.

Đại úy Nguyễn Duy Tuấn Minh, Đội trưởng Đội 7, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội: "Hiện nay trong công tác quản lý nhà nước có một số kẽ hở. Trong quá trình đấu tranh giải quyết vụ án, Phòng Cảnh sát kinh tế sẽ có kiến nghị, tham mưu để bịt kín các kẽ hở, không để đối tượng lợi dụng vào việc đấy để vi phạm pháp luật".

Theo quy định, trong số một số trường hợp, thực phẩm chức năng được gắn nhãn có nhiều công dụng thì bắt buộc phải có yêu cầu: báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng. Sau đó Cục An toàn thực phẩm phải thành lập Hội đồng khoa học để thẩm định, đánh giá. Tuy nhiên, qua vụ án này, một lần nữa cho thấy, các khâu trong quy trình đánh giá, thẩm định như vậy đang bị bỏ qua… tạo kẽ hở cho các đối tượng ồ ạt đưa các mã sản phẩm mang mác hàng ngoại nhập ra thị trường- khiến người bệnh như lạc vào ma trận.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày